Công trình nghiên cứu của nhà kinh tế quản trị Thomas Chang thuộc Đại học Nam California và đồng nghiệp cho thấy phụ nữ thường cảm thấy dễ chịu nhất ở nhiệt độ ấm hơn so với trung bình nam giới. Và điều này không chỉ diễn ra ở văn phòng, ở nhà, hay ngoài trời, nghiên cứu cho thấy phụ nữ nhạy cảm với cái lạnh hơn. Điều này phần nào xuất phát từ sự khác biệt về trang phục. Nam giới thường phải “đóng bộ” khi đi làm, khiến họ cảm thấy nóng nực hơn các đồng nghiệp nữ mặc trang phục nhẹ nhàng như váy. Song, một lý do khác là trung bình phụ nữ đốt ít caloire hơn so với đàn ông, và điều này sinh ra ít lượng nhiệt từ bên trong cơ thể hơn.
Nhưng đáp án này có vẻ quá đơn giản. Nghiên cứu mới nhất từ các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ đưa ra một câu trả lời có lẽ xác đáng hơn. Nghiên cứu có tên “The thermoneutral zone in women takes an ‘arctic’ shift compared to men” (2024), đăng trên tạp chí
Proceedings of the National Academy of Sciences. Nó phát hiện kích thước và cấu tạo cơ thể người là những yếu tố quan trọng hơn giới tính trong việc quyết định khi nào một người bắt đầu cảm thấy se lạnh. Chúng ta hãy cùng xem khoa học nói gì về những người nhạy cảm với cái lạnh, và nó sẽ ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe và năng suất của họ nhé.
Tốc độ trao đổi chất quyết định nhiệt độ cơ thể?Như các động vật máu nóng khác, con người dành rất nhiều năng lượng và nỗ lực để duy trì nhiệt độ cơ thể ở mức ấm áp thích hợp. Rất nhiều loài thay đổi hành vi để thích ứng với ngưỡng nhiệt cực đoan, chẳng hạn như hoạt động về đêm để đối phó với cái nóng của sa mạc hoặc mọc lớp lông dày hơn để chống chịu với giá lạnh của mùa đông.
Nhưng giống như tạng người và chiều cao của mỗi người mỗi khác, chúng ta cũng có ngưỡng nhiệt độ lý tưởng khác biệt. Một số người cảm thấy thoải mái khi ăn mặc phong phanh vào mùa đông, trong khi những người khác luôn thấy lạnh nếu không quấn kín mít từ đầu tới chân. Nhiệt độ bên ngoài mà chúng ta ưa thích có liên quan trực tiếp tới mức độ trao đổi chất bên trong.
Những người có nhiều lượng cơ và thân hình to hơn thường đốt nhiều calorie khi nghỉ ngơi hơn người nhỏ nhắn, ít cơ bắp. Và tuy lớp mỡ trên người giúp chúng ta không cảm thấy lạnh, nó cũng ngăn không cho nhiệt sinh ra từ trong thân thể tới được bàn tay và bàn chân – đây chính là lý do khiến chúng ta hay thấy chân tay lạnh toát khi nhiệt độ thấp.
Do đó, nhiệt độ yêu thích có thể hơi liên quan tới giới tính – theo Boris Kingma, nhà khoa học về hiệu suất nhiệt của con người tại Viện Công nghệ Ứng dụng Hà Lan. Nhưng ông lưu ý rằng nó không đơn giản như là “phụ nữ thích mức nhiệt độ ấm áp hơn”.
Trước tiên, ông chỉ ra sự trùng lặp đáng kể về nhiệt độ lý tưởng giữa nam và nữ. Kingma cho biết các khác biệt khá là nhỏ. Thứ hai, nhiệt độ ưa thích của chúng ta sẽ thay đổi theo mức độ hoạt động và quần áo. Theo Kingma, các khác biệt về giới tính ở những điều này tạo ra sự khác biệt lớn hơn tốc độ chuyển hóa.
Dữ liệu từ nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ ủng hộ những phát hiện này. Họ phát hiện điều quan trọng nhất quyết định nhiệt độ lý tưởng của một người là sự tương tác giữa tốc độ trao đổi chất, diện tích bề mặt cơ thể và tỷ lệ mỡ cơ thể.
“Nếu bạn có tốc độ trao đổi chất tương tự thì việc bạn là đàn ông, phụ nữ, người già, v.v. chẳng quan trọng. Bạn sẽ đều ưa thích cùng loại môi trường”, Kingmanói.
Ảnh hưởng của nhiệt độ tới cơ thể và năng suất của con người“Nếu mọi người không thấy thoải mái thì họ sẽ không thể làm việc tốt được. Điều này nghe có vẻ vô cùng hiển nhiên, nhưng đó là kết quả chúng tôi tìm thấy”, Chang cho biết.
Ông bắt đầu quan tâm tới mối quan hệ giữa nhiệt độ và năng suất của người lao động khi ông làm việc tại một văn phòng vô cùng nóng nực. Chang cố gắng thay đổi nhiều thứ: mặc áo ngắn tay thay vì áo dài, uống cà phê đá thay vì loại nóng. Nhưng chẳng gì có thể thay đổi thực tế là ông thấy quá nóng nên không thể tập trung làm việc. Tất cả những gì Chang nghĩ tới ở chỗ làm là làm thế nào để thấy mát mẻ hơn.
Với Kingma, điều này không gây ngạc nhiên, bởi vì việc sinh ra hoặc tản nhiệt lượng dư thừa trong cơ thể khiến mọi người vô cùng căng thẳng về thể chất. Khi bạn thấy nóng quá, các mạch máu ở tứ chi sẽ giãn ra để cơ thể thoát nhiều nhiệt hơn. Nếu như thế vẫn chưa đủ, bạn sẽ bắt đầu đổ mồ hôi. Còn khi bạn thấy lạnh thì mạch máu ở tay, chân sẽ co lại để tránh mất nhiệt. Nếu nhiệt độ cơ thể giảm xuống quá thấp, chúng ta sẽ run cầm cập, và việc này giúp tạo ra nhiệt lượng cần thiết. Cả hai thái cực quá nóng hoặc quá lạnh đều đòi hỏi tiêu hao năng lượng.
Hạ thân nhiệt và tê cóng là những ví dụ cho việc tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh, còn các hội chứng như bệnh Raynaud lại xảy ra ở nhiệt độ ít khắc nghiệt hơn. Căn bệnh này gây co thắt các mạch máu nhỏ ở ngón tay, ngón chân lại, khiến chân, tay trắng bệch hoặc tím tái. Nó ảnh hưởng nhiều tới phụ nữ, những người sống ở vùng khí hậu lạnh hoặc được cho là nhạy cảm với cái lạnh tới mức cực đoan. Mặc dù những tình trạng này sẽ cải thiện khi trời ấm lên, nhưng nó gây khó chịu và phiền toái cho người gặp phải.
Băn khoăn về mức độ căng thẳng do quá nóng hoặc quá lạnh ảnh hưởng đến năng suất thế nào, Chang đã hợp tác với Agne Kajackaite thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội WZB Berlin ở Đức. Hai người thử nghiệm trên một nhóm sinh viên Đức để xác định khả năng làm việc của họ thay đổi thế nào khi nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
Họ phát hiện sinh viên nữ làm bài kiểm tra toán học và ngôn ngữ tốt hơn ở nhiệt độ ấm hơn, còn sinh viên nam làm tốt hơn khi nhiệt độ mát hơn. Sự chênh lệch không nhiều, chỉ có vài điểm phần trăm, nhưng thực tế như vậy là khá đáng kể. Nhiều nhà quản lý sẽ muốn tăng năng suất của người lao động lên được mức như vậy.
Stefano Schiavon, kiến trúc sư và kỹ sư môi trường tại Đại học California, Berkeley, không thấy thuyết phục. Ông tiến hành phân tích tổng hợp các nghiên cứuxem xét mối quan hệ giữa năng suất và nhiệt độ, tổng hợp dữ liệu từ 35 nghiên cứu khác nhau, gồm cả của Chang. Khi xem xét dữ liệu một cách tổng thể, ông thấy chỉ khi nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh thì mới ảnh hưởng đáng kể tới năng suất.
Nguồn: nationalgeographic