Vào đầu thế kỷ 19 tại Ấn Độ, trong khung cảnh khô cằn và nhiều đá, nơi thảm thực vật thưa thớt bám vào những sườn đồi hiểm trở, những chiếc áo khoác đỏ mang tính biểu tượng của quân đội Anh khiến họ dễ bị tấn công. Vì vậy, họ bắt đầu cân nhắc đến việc trở nên ít nổi bật hơn, bớt phô trương hơn.
“Thế kỷ 19 là thời kỳ xảy ra các cuộc chiến tranh thuộc địa và quân đội Anh đã học được rất nhiều điều ở những nơi mà họ chiếm đóng. Họ đã biết cách sử dụng đồng phục để giành lợi thế trên chiến trường”, Jane Tynan, nhà sử học văn hóa và tác giả của cuốn sách “Đồng phục quân đội Anh và Thế chiến Thứ nhất: Những người đàn ông mặc kaki”, cho biết.
Giải pháp của quân đội Anh là họ sử dụng quân phục làm từ vải kaki, với một loạt các sắc thái từ màu kem, nâu vàng, nâu nhạt và xanh xám. Những màu sắc này có nhiều nét tương đồng với cảnh quan xung quanh ở Ấn Độ trong thời kỳ thuộc địa, giúp binh lính Anh ngụy trang tốt hơn. Trên thực tế, thuật ngữ “kaki” là một từ trong tiếng Urdu có nghĩa là “màu đất”, hoặc “màu bụi”.
Kaki là loại trang phục ngụy trang chiến thuật đầu tiên được sử dụng rộng rãi trong quân đội.
Tim Newark, tác giả cuốn sách “Brassey’s Book of Uniforms
|
Harry Lumsden, người sáng lập Quân đoàn Hướng đạo ở Ấn Độ và trợ lý của ông, William Hodson, là những người đầu tiên sử dụng vải kaki làm quân phục. Quân đoàn Hướng đạo ra đời vào năm 1846, trong thời kỳ Công ty Đông Ấn Anh chiếm đóng Ấn Độ. Đây là đội quân gồm các binh sĩ người Ấn Độ có nhiệm vụ trinh sát và tham gia chiến đấu cùng quân đội Anh trong nhiều cuộc giao tranh. Năm 1848, Hodson từng khẳng định rằng ông sẽ làm cho “Quân đoàn Hướng đạo trở nên vô hình trong vùng đất đầy bụi bặm”.
Những bộ quân phục kaki đầu tiên được tạo ra bằng cách nhuộm vải cotton [vải dệt từ sợi bông đan chéo] có màu trắng với bùn hoặc nước ép dâu tằm, theo National Interest. Không lâu sau, Quân đoàn Hướng đạo bắt đầu sử dụng vải nhuộm có nguồn gốc từ Anh. Trong thời kỳ này, Anh chủ yếu nhập khẩu bông từ Mỹ và một số thuộc địa của nước này, chẳng hạn như Ai Cập.
Kaki là loại quân phục ngụy trang chiến thuật được sử dụng rộng rãi đầu tiên. Loại vải này khi mặc khá mát mẻ và thấm hút mồ hôi nên phù hợp với các quân nhân chiến đấu ở khu vực nhiệt đới.
Trước đó, quân đội Anh thường mặc những bộ trang phục làm từ len. Đây là chất liệu vải khiến người mặc cảm thấy khá nóng và khó chịu, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nóng bức tại Ấn Độ.
Năm 1897, kaki trở thành quân phục chính thức của toàn bộ quân đội Anh ở nước ngoài. Các đội quân khác cũng bắt đầu sử dụng quân phục kaki, bao gồm đội kỵ binh Rough Riders của Mỹ trong cuộc Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ và binh lính Nam Phi trong Chiến tranh Boer.
Quần áo kaki du nhập vào phương Tây vào cuối thế kỷ 19 khi binh lính Anh và Mỹ trở về từ Ấn Độ. Họ mang về những bộ đồng phục kaki thiết thực và thoải mái, với vẻ bề ngoài giản dị nhưng lịch sự.
Việc sử dụng vải kaki làm quân phục tiếp tục thịnh hành trong Thế chiến Thứ nhất và Thế chiến Thứ hai. Trong thời kỳ này, quần áo kaki dần trở nên phổ biến trong đời sống, bao gồm trang phục cho người lao động ngoài trời trong ngành khai thác mỏ và nông nghiệp, cũng như các hoạt động giải trí như quần vợt, golf, đi bộ đường dài và cắm trại.
Vào đầu thế kỷ 20, hình ảnh lãng mạn về các nhà thám hiểm phương Tây mặc trang phục kaki bắt đầu xuất hiện. Họ khám phá những vùng đất mới, nghiên cứu nền văn hóa của các dân tộc thuộc địa và tham gia vào những cuộc săn bắn thú hoang dã. Hình ảnh lãng mạn hóa này càng làm tăng thêm sự hấp dẫn của trang phục kaki đối với dân thường – những người tìm cách bắt chước trang phục của các nhà thám hiểm và những người yêu thích phiêu lưu.
Công ty Levi Strauss bắt đầu bán quần áo kaki phù hợp cho các hoạt động ngoài trời vào những năm 1910, theo nhà sử học Tracey Panek. Công ty tiếp tục tạo ra các sản phẩm kaki hấp dẫn cho những cựu chiến binh Mỹ sau chiến tranh, sinh viên đại học, và sau đó là quần kaki Dockers – thương hiệu đã khởi xướng cuộc cách mạng trang phục công sở vào những năm 1990.
Kaki đã trải qua hành trình dài để trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Ngày nay, kaki là trang phục không thể thiếu trong tủ đồ của hầu hết mọi người. Chất liệu kaki đa dạng, từ dày dặn đến mỏng nhẹ, phù hợp với mọi điều kiện thời tiết. Kiểu dáng cũng phong phú, từ quần dài, quần ngắn, váy và áo khoác, đáp ứng mọi nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng.
Ngày nay, các nhà nghiên cứu lịch sử thời trang đang đánh giá lại xu hướng thẩm mỹ thời thuộc địa từng được đề cao và tô vẽ một cách lãng mạn.
Theo nhà sử học Tynan, trang phục kaki của những nhà thám hiểm vào giữa thế kỷ 20 có nhiều nét tương đồng với trang phục của quân đội và cảnh sát thời thuộc địa. Bộ trang phục này không chỉ đơn thuần là vật dụng che thân, mà còn là biểu tượng cho một hệ tư tưởng áp bức và bóc lột.
“Khi nhìn vào hình ảnh các nhà nhân chủng học và nhà thám hiểm phương Tây trong bộ trang phục này vào thế kỷ 20, tôi thấy họ toát lên vẻ kiêu hãnh của những người theo chủ nghĩa thực dân, tự cho mình là giai cấp thống trị và nghiên cứu các dân tộc thuộc địa”, Tynan nhận định.
Nhà hoạt động về khí hậu và thời trang Céline Semaan cho biết, mức độ phổ biến cao nhất của quần áo kaki và các trang phục quân sự khác như giày chiến đấu và áo khoác bomber thường gắn liền với những giai đoạn bất ổn chính trị trên thế giới, chẳng hạn như vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), hay cuộc chiến tranh tại Iraq sau sự kiện khủng bố 11/9.
Tóm lại, gu thẩm mỹ trong thời kỳ thuộc địa không chỉ đơn thuần là vấn đề thời trang, mà còn ẩn chứa những góc khuất về lịch sử, quyền lực và chiến tranh. Việc nhìn nhận lại vấn đề này một cách cởi mở và khách quan sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá khứ và có cái nhìn sáng suốt hơn về hiện tại.
Theo National Geographic