Hãy suy nghĩ về điều này: Nếu bạn bè hoặc người thân nói với bạn rằng bạn không thể thực hiện một điều gì đó, bạn có muốn làm điều đó nhiều hơn không?
Trong đời sống hằng ngày, hiệu ứng tâm lý ngược – hay hiệu ứng phản kháng – có thể xuất hiện trong nhiều tình huống khác nhau, từ việc trẻ em không muốn ăn rau khi bị ép buộc, đến việc người lớn chống đối lại những quy định hoặc lời khuyên từ người khác. Chúng ta hãy cùng khám phá sâu hơn về hiệu ứng tâm lý ngược, từ nền tảng lý thuyết đến các ví dụ thực tiễn và ứng dụng của nó.
Nền tảng lý thuyếtNăm 1966, nhà tâm lý học Jack Brehm lần đầu tiên đưa ra khái niệm hiệu ứng tâm lý ngược trong lý thuyết phản kháng tâm lý (Psychological Reactance Theory). Ông đề xuất rằng khi con người cảm thấy quyền tự do cá nhân của họ bị đe dọa hoặc bị hạn chế, họ sẽ có xu hướng phản kháng và khôi phục lại quyền tự do đó thông qua việc làm ngược lại những gì họ được yêu cầu, nhằm tái khẳng định sự tự do và kiểm soát cá nhân.
Một trong những thí nghiệm nổi tiếng về hiệu ứng tâm lý ngược do hai nhà khoa học Pennebaker và Sanders tại Đại học Texas-Austin (Mỹ) thực hiện và công bố trên tạp chí
Personality and Social Psychology Bulletin vào năm 1976. Trong nghiên cứu này, họ đã dán hai loại biển báo tại các nhà vệ sinh công cộng: một biển báo với nội dung mạnh mẽ “Cấm viết bậy” và một biển báo với nội dung nhẹ nhàng hơn “Xin đừng viết bậy”. Kết quả cho thấy nhà vệ sinh có biển báo với nội dung mạnh mẽ có nhiều chữ vết bậy hơn so với nhà vệ sinh có biển báo với nội dung nhẹ nhàng.
Trong một thí nghiệm khác được công bố trên tạp chí
Journal of Personality and Social Psychology vào năm 1977, hai nhà khoa học Brehm và Weintraub đã kiểm tra phản ứng của các bé trai 2 tuổi khi bị hạn chế tiếp cận đồ chơi. Họ đưa các bé vào một căn phòng với hai món đồ chơi: một món đồ chơi dễ tiếp cận và một món đồ chơi bị hạn chế tiếp cận thông qua hàng rào chắn. Kết quả cho thấy những đứa trẻ dành nhiều thời gian hơn để tiến lại gần và chơi món đồ chơi bị hạn chế. Đây là biểu hiện của hiện tượng tâm lý ngược.
“Khi bạn sử dụng hiệu ứng tâm lý ngược đối với người khác, bạn đang đe dọa đến nhận thức về sự tự do của họ. Mối đe dọa này càng khiến cho việc lựa chọn thực hiện quyền tự do trở nên hấp dẫn hơn”, Jeff Greenberg, giáo sư tâm lý học tại Đại học Arizona (Mỹ), nhận định.
Lấy ví dụ về một đứa trẻ không muốn ăn bông cải xanh. Khi cha mẹ nói: “Con không được ăn bông cải xanh,” thì đột nhiên, việc ăn bông cải xanh trở nên hấp dẫn hơn đối với đứa trẻ, theo Greenberg. Ban đầu, đứa trẻ không muốn ăn bông cải xanh, nhưng khi cha mẹ cấm, đứa trẻ cảm thấy mất đi quyền tự do lựa chọn và việc ăn bông cải xanh trở nên cuốn hút hơn.
Để tránh những tác động tiêu cực đến các mối quan hệ của bạn, hãy cố gắng chỉ sử dụng hiệu ứng tâm lý ngược trong những tình huống ít rủi ro hoặc khi thuyết phục trực tiếp không thành công.
Các yếu tố ảnh hưởngGreenberg lưu ý rằng việc sử dụng hiệu ứng tâm lý ngược không phải lúc nào cũng hiệu quả, do có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ phản kháng của mỗi cá nhân.
Đầu tiên là yếu tố cá tính và tính cách. Những người hay cáu kỉnh, bướng bỉnh và dễ xúc động có xu hướng phản kháng mạnh mẽ khi cảm thấy sự tự do của họ bị đe dọa. Ngược lại, những người có tính cách dễ chịu và hay cả nể [chiều theo ý người khác] có xu hướng ít phản kháng hơn.
Độ tuổi và kinh nghiệm sống cũng là yếu tố quan trọng. Trẻ em và thanh thiếu niên, do đang trong giai đoạn phát triển tính cách và khẳng định bản thân, thường có xu hướng dễ phản ứng hơn so với người lớn. Họ cũng dễ bị xúc động và nổi loạn. Người lớn, đặc biệt là những người có nhiều kinh nghiệm sống, ít chịu tác động của hiệu ứng tâm lý ngược hơn do họ đã học được cách quản lý cảm xúc cá nhân và tuân thủ các quy định xã hội.
Văn hóa và bối cảnh xã hội cũng ảnh hưởng đến mức độ phản kháng. Trong những xã hội đề cao tự do cá nhân và quyền con người, mức độ phản kháng sẽ cao hơn. Ngược lại, trong những xã hội có truyền thống tuân thủ quy tắc và tôn trọng quyền lực, mức độ phản kháng thường thấp hơn.
“Ngoài ra, có một số bằng chứng cho thấy nam giới có xu hướng phản kháng nhiều hơn một chút so với phụ nữ”, Greenberg nhận định.
Ứng dụng trong đời sốngKhông chỉ là một hiện tượng mang tính lý thuyết, hiệu ứng tâm lý ngược có nhiều ứng dụng thực tiễn trong đời sống hằng ngày, từ giáo dục, quảng cáo, cho đến quản lý và chính sách công.