Đó là câu hỏi mà ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đặt ra trong hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” ngày 18/10. Ông cho rằng Việt Nam chỉ làm được nếu nỗ lực khắc phục những hạn chế vốn có, trong đó lớn nhất là kỹ năng số của lực lượng lao động.
So sánh vị thế với các nước
Khi nói về hiện trạng chuyển đổi số của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) đã sử dụng một khung đánh giá đơn giản để so sánh Việt Nam với 12 quốc gia, chia ra thành hai nhóm (nhóm tương đương và phát triển hơn),
trên bốn trụ cột là khả năng kết nối, năng lực làm chủ trong thế giới số, đổi mới sáng tạo và bảo vệ các hoạt động số.
Kết quả là phần lớn các chỉ số đều ở mức trung bình hoặc khá. Nhưng điều đáng quan ngại chính là việc đào tạo kỹ năng số cho người dân và áp dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống đang ở mức kém. Có thể hình dung, thực trạng chuyển đổi số của Việt Nam như một người mua smartphone đời mới nhưng không biết sử dụng các tính năng mà chỉ để nghe, gọi và nhắn tin.
Việc Việt Nam đang tụt hậu xa so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực về kỹ năng số đang tạo ra một rủi ro lớn, bởi chuyển đổi số có thể làm mất đi 1/3 việc làm hiện có ở Việt Nam. Khi công nghệ mới bước vào nền kinh tế, thị trường lao động sẽ bị thay đổi.
Nếu như trước kia, những nhà máy chế biến sử dụng hàng nghìn nhân công còn đang lưỡng lự với việc triển khai robot hoặc tự động hóa các quy trình thì sự khó khăn trong thời kỳ giãn cách do Covid-19 và những khủng hoảng chắc chắn sẽ tới về tuyển dụng lao động sau đại dịch đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư hơn cho công nghệ.
Mặc dù số hóa lấy đi việc làm này và tạo ra nhiều việc làm khác hơn, nhưng nếu người lao động không đáp ứng kịp những kỹ năng mới thì họ cũng không thể nắm bắt được các cơ hội đó. Theo nhiều chuyên gia, nền tảng cơ bản của chuyển đổi số vẫn phải là nguồn nhân lực. Và một nền kinh tế số đóng góp tới 30% GDP như mơ ước của Việt Nam cần có một lực lượng lao động tiên tiến, sẵn sàng kỹ năng số.
Chính phủ chuẩn bị cho một thị trường lao động mới
Việc có được kỹ năng mới đòi hỏi đầu tư từ cả cá nhân và tập thể của người lao động và doanh nghiệp, tuy nhiên chính phủ cũng góp phần quan trọng trong đó. Dưới góc nhìn của một nhà kinh tế vĩ mô, ông Morriset đề cập nhiều đến các hành động của chính quyền trong tương quan giữa quản lý và thị trường.
Nếu thị trường lao động có thể dễ dàng điều chỉnh theo hướng dịch chuyển nhân lực ở nơi công việc biến mất đến nơi công việc mới, lợi ích tổng thể thu được sẽ thực sự khả quan.
“Nhưng nếu chúng ta tin rằng không thể dịch chuyển lao động được vì khung pháp lý của chúng ta quá cứng nhắc – về hồ sơ, quy định, hay các rào cản ra nhập – thì Việt Nam sẽ bị mất lao động chất lượng cao cho những nước khác”, ông cảnh báo. Do vậy, khuyến nghị đầu tiên mà đại diện Ngân hàng Thế giới này đưa ra chính là loại bỏ các trở ngại pháp lý về dịch chuyển lao động.
Cùng với đó, ông đề cập đến vai trò của chính phủ trong việc cung cấp thông tin để doanh nghiệp và người lao động làm căn cứ ra quyết định. Trên thực tế, cá nhân người lao động khó có thể tự mình tìm kiếm hoặc nhận biết về xu hướng chuyển dịch về việc làm hay các tác động thay đổi kinh tế-xã hội do công nghệ đem lại trong tương lai.
Trong khu vực doanh nghiệp, thông tin cũng bị phân mảng. Thật khó để các công ty sẵn lòng chia sẻ dữ liệu với nhau, chưa kể đến việc hơn 90% doanh nghiệp ở Việt Nam là quy mô vừa và nhỏ nên phải đối mặt với thách thức có quá ít thông tin chất lượng.
Trong bối cảnh chuyển đổi số còn mới mẻ, ngay cả những người lãnh đạo cũng có thể gặp khó khăn. Tại buổi tọa đàm, PGS. TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) thú thực rằng ông 'rất bất ngờ' khi báo cáo đánh giá tiềm năng kinh tế số Việt Nam của
AlphaBeta chỉ ra những lĩnh vực mang lại lợi ích nhiều nhất cho kinh tế số không phải là công nghệ thông tin như mọi người vẫn thường nghĩ mà là những ngành nghề “truyền thống” như nông nghiệp thực phẩm và giáo dục. Do vậy, chính phủ phải lấp đầy những chỗ trống thông tin đó một cách hiệu quả.
Bên cạnh việc sửa chữa những thất bại thị trường, chuyên gia kinh tế này cũng đề cập đến hai điều mà chính phủ Việt Nam cần làm tốt hơn, đó là cải thiện chất lượng các chương trình giáo dục, và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và người lao động để nâng cao kỹ năng số của lực lượng lao động.
Trên thực tế, mức đầu tư công cho giáo dục đào tạo của Việt Nam còn khá thấp so với tiềm năng tác động của nó. Trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách trung ương dự kiến phân bổ cho các hoạt động kinh tế chiếm tới 74%, trong khi giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp chỉ chiếm 3,8%; và khoa học & công nghệ là 1,8%. Tỷ lệ này không có nhiều thay đổi đột phá so với giai đoạn trước.
Mặc dù tiềm năng kinh tế số của Việt Nam được dự đoán lên tới hàng chục tỷ USD, nhưng nếu chính phủ không thúc đẩy việc làm chủ về kỹ năng và nhân lực số ở quy mô đại trà thì một loạt ngành nghề truyền thống tiềm năng nhất như nông nghiệp, y tế, giáo dục, tiêu dùng, sản xuất, tài chính ngân hàng sẽ bị thiếu hụt nhân lực trầm trọng.
Bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng không đủ sức cáng đáng nhu cầu này. Và họ cũng không đủ động lực để đầu tư tốt nhất cho người lao động nếu rủi ro nhân sự đào tạo xong chuyển đi làm cho những công ty khác là quá lớn.
Nắm giữ chìa khóa cho kinh tế số
Khi bàn về giáo dục nâng cao kỹ năng số cho nhân lực Việt Nam, một trong những băn khoăn lớn nhất mà đại diện Ngân hàng Thế giới đặt ra là “Ai là người đang thúc đẩy và dẫn đầu cho giáo dục số ở Việt Nam?”. Dưới tư cách là một người quan sát quốc tế, ông Morriset thú thực rằng đây là một điểm quan trọng nhưng chưa thực sự rõ ràng.
Việt Nam là một nước có lực lượng lao động trẻ. Ngày nay, hầu hết thanh thiếu niên Việt Nam chỉ nhận được một nền giáo dục phổ thông, làm trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp hoặc dịch vụ cấp thấp, và kiếm được thu nhập trung bình hằng tháng khoảng 220-270 USD.
Trong khi đó, nhu cầu về kiến thức kỹ thuật số và các kỹ năng như công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm, khoa học dữ liệu dự kiến sẽ chỉ tăng lên khi các công nghệ mới được tích hợp vào những ngành nghề truyền thống.
Các công ty quốc tế đã nhanh chóng nhận ra sự cần thiết phải giải quyết khoảng trống này. Ví dụ, vào năm 2020, Google đã hỗ trợ Việt Nam bằng cách mở chương trình “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0” cùng với Bộ Công thương để đào tạo kỹ năng số cho 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa và sinh viên.
Gã khổng lồ này cũng đang tìm cơ hội hợp tác với các trường đại học ở Việt Nam để làm ra các chương trình đào tạo nhỏ (Micro certification) được các doanh nghiệp công nhận để cấp cho sinh viên trong những ngành phù hợp.
Trong giai đoạn Covid, Grab, một công ty công nghệ lớn khác trong Đông Nam Á, cũng cho ra đời nền tảng cung cấp các công cụ số đơn giản giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiết lập một cửa hàng trực tuyến chỉ trong vòng 24h. Cả Amazon Web Services cũng đang cạnh tranh để triển khai các chương trình đào tạo điện toán đám mây cấp chứng chỉ nhắm vào sinh viên và doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, những khoản đầu tư này chỉ là một giọt nước trong biển hồ cần thiết để cải thiện các kỹ năng số của Việt Nam. Trên thực tế, đối tượng cần nhắm tới trong công cuộc giáo dục và đào tạo kỹ năng số này có thể rộng hơn. Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Telecom cho rằng có bốn nhóm nhân lực mà Việt Nam cần đặc biệt quan tâm.
Đó là hàng triệu người lao động trẻ trong các lĩnh vực thâm dụng lao động như may mặc, da giày, lắp ghép linh kiện điện tử, chế biến chế tạo… sẽ mất việc làm trong vòng 10 năm tới do máy móc được đem vào thị trường; những tài năng trẻ có khả năng trở thành công dân toàn cầu, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới về công nghệ, về trình độ số; những người làm chủ (bao gồm cả các quan chức nhà nước, các lãnh đạo địa phương và đặc biệt là chủ các doanh nghiệp) cần sử dụng kỹ thuật số và công nghệ trong việc ra các quyết sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình; và cuối cùng là trẻ em – khoảng 25 triệu người đã được sinh ra trong thời đại số và sẽ trở thành thế hệ làm chủ đất nước trong vài thập kỷ tới.
Trước bức tranh rộng lớn này, các chuyên gia nghiên cứu về kinh tế số đều cho rằng câu chuyện nhân lực là một vấn đề phức tạp và cần sự hợp tác, điều phối tốt giữa các bên. Nó không chỉ là việc của Chính phủ, Bộ GD&ĐT hay Bộ LĐTB&XH, mà còn phải có sự tham gia của cả xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp và người lao động.
Ở bậc đại học, các trường cần tăng cường các môn liên quan đến nền tảng công nghệ và kỹ năng số. Từ trước đến nay, khi đào tạo các ngành, chẳng hạn như kinh tế, chúng ta đã không chú trọng đến các nền tảng về công nghệ hoặc toán học.
PGS. TS Trần Trọng Nguyên, \ Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) |