Báo cáo Mở khóa tiềm năng kỹ thuật số của Việt Nam do AlphaBeta công bố sáng nay nhận định, việc sở hữu lực lượng dân số trẻ và hiểu biết về công nghệ tạo ra lợi thế cho Việt Nam trong phát triển kinh tế số.
Cụ thể, Việt Nam có tới 70% công dân dưới 35 tuổi, tỷ lệ biết đọc và viết ở nhóm 15-35 tuổi trên 98% (vượt qua tỷ lệ toàn cầu là 91%), và hơn một phần ba dân số sử dụng điện thoại thông minh.
Ngoài ra, Việt Nam đang sở hữu nền kinh tế Internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia). Một nghiên cứu do
Google thực hiện gần đây dự đoán tổng giá trị giao dịch (GMV) các dịch vụ kinh tế Internet tăng trưởng 29% mỗi năm từ năm 2020 đến 2025.
Với tiềm năng như vậy, theo
báo cáo, chuyển đổi số có thể tạo ra 1.733 nghỉn tỷ đồng (74 tỷ USD) giá trị kinh tế hằng năm cho Việt Nam - khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam năm 2020.
Dự kiến, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ công nghệ số là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo. Trong đó, nông nghiệp và thực phẩm được dự đoán sẽ hưởng lợi ích kinh tế nhiều nhất và chiếm khoảng 17% tổng giá trị của nền kinh tế số, tương đương 302 nghìn tỷ đồng (13 tỷ USD) vào năm 2030.
Báo cáo đề xuất 8 công nghệ chủ chốt có tiềm năng tạo nên giá trị kinh tế đáng kể đối với các doanh nghiệp, gồm: Internet di động; điện toán đám mây; dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ tài chính (fintech); Internet vạn vật (IoT) và viễn thám; robot tiên tiến; và chế tạo đắp lớp.
Ba trụ cột hành động cần thiết để Việt Nam nắm bắt tối đa cơ hội số là tiếp tục phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước; nâng cao kỹ năng số cho người lao động và sinh viên; phát triển một môi trường thuận lợi cho thương mại số - báo cáo chỉ ra.
Bích Ngọc