Là một tỉnh đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng để lại nhiều bài học để soi chiếu vào những quan điểm xây dựng chính sách trong việc phát triển lĩnh vực này của Việt Nam
Bắt đầu từ người dân
Việt Nam có hơn 30 khu nông nghiệp công nghệ cao với hệ thống nhà kính hiện đại trên khắp cả nước và đa số được đầu tư từ ngân sách với mục tiêu trở thành “quả đấm thép”, là những hình mẫu để người nông dân noi theo và ứng dụng. Nhưng sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng cho người ta thấy một mô hình khác khi ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trở thành một phong trào lan tỏa mạnh mẽ, không phải từ đề xuất của nhà nước mà khởi đầu từ những doanh nghiệp nước ngoài và sau đó phần lớn dựa vào người nông dân Lâm Đồng “chịu chơi”, sẵn sàng mạo hiểm, mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất hiện đại. “Chịu chơi” là bởi để đầu tư cho nhà kính không hề rẻ, cả tỉ đồng/ha, chưa tính hệ thống tưới và châm dinh dưỡng hay những công nghệ khác (như trồng thủy canh chẳng hạn). Hơn nữa, cho đến gần đây, những tài sản này không có giá trị thế chấp ngân hàng. Nhiều người nói với chúng tôi, nếu thất bại, nhà kính nhà lưới của họ chỉ là đống sắt vụn, nhưng họ vẫn cầm cố nhà cửa, vay vốn ngân hàng để đầu tư. Trước đây, vào năm 1992, công ty cung cấp hoa và cây cảnh hàng đầu Đông Nam Á của Hà Lan, Dalat Hasfarm đặt chân đến tỉnh Lâm Đồng và mang theo những công nghệ đến từ châu Âu mới mẻ với nông dân Việt Nam. Chỉ trong vòng hai năm sau, người dân Lâm Đồng đã nhanh chóng học hỏi từ đó, đặc biệt là kỹ thuật nuôi trồng trong nhà kính, nhà màng, thậm chí cả nuôi cấy mô. “Mà đã làm là người dân ở đây làm đồng loạt, chứ không nhỏ lẻ” – bà Võ Thị Hảo, giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Lâm Đồng cho biết.
Bên cạnh việc là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi mà chỉ cần trồng tự nhiên, số vụ rau/hoa mỗi năm cũng gấp đôi các vùng khác, thu hút hàng loạt doanh nghiệp và tư nhân vào đầu tư và thu mua nông sản, tư duy cởi mở của người dân tại đây cũng là nguyên nhân khiến cho “cỗ máy” nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng được vận hành một cách trôi chảy. Những cơ sở cung cấp vật tư và dịch vụ nông nghiệp mọc lên như nấm, không thể đếm được số lượng đơn vị thi công nhà kính ở đây. Lâm Đồng có 200 trại giống và 80 trung tâm nuôi cấy mô, 80% trong số đó là của doanh nghiệp và…cá nhân. Thời của việc nuôi trồng từ hạt giống đã là quá khứ. Giờ đây, hạt giống từ trại giống sẽ được chuyển tới trung tâm nuôi cấy mô, rồi mới đến người dân, rút ngắn thời gian nuôi trồng gấp nhiều lần, “rất là dây chuyền” theo lời bà Hảo. Chẳng hạn với súp lơ xanh, thông thường cần bốn tháng mới có thể thu hoạch nếu trồng từ hạt giống nhưng với dây chuyền này, chỉ mất 40 ngày. Ngoài ra, người nông dân ở đây cũng năng động tìm đầu ra, thông qua chợ đầu mối, họ tự tìm đến doanh nghiệp và tuân theo các tiêu chuẩn kĩ thuật như VietGap, Global Gap, ISO…như một điều tất yếu. Điển hình như trường hợp tổ hợp tác có 30 hộ nông dân tự liên kết với nhau ở khu vực Suối thông B2, huyện Đơn Dương, tự lập ra một người tổ trưởng liên kết với chuỗi siêu thị Metro, lên kế hoạch sản xuất và là một trong những vùng đạt VietGap sớm nhất Lâm Đồng để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Công nghệ cao không quan trọng bằng công nghệ phù hợp
TS. Trương Bình Nguyên, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp, Trường Đại học Đà Lạt, đã đặt lại câu hỏi với chúng tôi “Thế nào mới là nông nghiệp công nghệ cao?”. Với anh, công nghệ phải là một giải pháp trọn gói bao gồm thiết bị, nhà xưởng, cách thức vận hành chúng và kĩ thuật nuôi trồng để đạt được một năng suất, sản lượng nhất định. Còn công nghệ đó thấp hay cao, thực sự không quan trọng. “Tư duy thấp với cao là như thế nào? Nếu ở những nơi mình biết tận dụng những lợi thế về điều kiện tự nhiên bằng việc ứng dụng những công nghệ tưởng là thấp, nhưng kết quả lại rất tốt, thì sao? Ở một khía cạnh nào đó, thì nó còn cao hơn công nghệ cao”.
Nếu nhìn vào những đề tài của Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng, sẽ thấy một hướng đi tương tự. Mặc dù nhắc nhiều đến cụm từ “công nghệ cao” trong các báo cáo của mình, nhưng họ không tài trợ cho những mô hình ứng dụng công nghệ mới nhất, tối tân nhất, đầu tư lớn nhất nhất để trình diễn cho nông dân. Kể cả khi Internet vạn vật (IoT) và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành một từ khóa thời thượng trên các phương tiện truyền thông, họ vẫn cẩn trọng trong việc khuyến cáo người dân ứng dụng. Hiện nay Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng đang xây dựng một đề án liên quan đến vấn đề này, theo đó, họ sẽ kết hợp với các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân xây dựng các mô hình với các mức tự động hóa khác nhau, phù hợp với điều kiện diện tích và chi phí đầu tư đa dạng của các nông hộ từ nhỏ đến các trang trại lớn của doanh nghiệp.
Những đề tài trước đó của Sở chủ yếu tập trung vào những công nghệ có thể tối ưu những cơ sở vật chất, điều kiện tự nhiên sẵn có, người dân chỉ cần đầu tư thấp để tăng năng suất cây trồng (chẳng hạn như công nghệ trồng cà chua gốc ghép cà chua trên gốc một cây khác tăng năng suất cây trồng từ 80 kg/ha lên đến 200 kg/ha) và phương thức chống chịu sâu bệnh nguy hiểm. Chẳng hạn, gần đây, Sở vừa tài trợ một dự án cho Đại học Đà Lạt nhắm đánh giá chủng virus xoăn lá cà chua mới xuất hiện, xác định rõ các vector gây bệnh và xây dựng mô hình phòng ngừa, giải quyết vấn đề cà chua chết hàng loạt sau ở huyện Đơn Dương, thậm chí có người phải nhổ đi trồng cây khác.
không dễ quy hoạch mà chỉ khuyến cáo
Lâm Đồng hình thành 19 vùng nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, sự phân chia này không xuất phát từ kế hoạch của tỉnh mà từ sự đầu tư tự phát của người dân theo những biến động của thị trường và “dẫn dắt” của doanh nghiệp nên mỗi vùng cũng trồng đa dạng rất nhiều sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, sự đồng nhất chỉ mang tính tương đối. Mong ước có những vùng chuyên canh một loại cây với một diện tích lớn (mà nhà nước thường thể hiện qua chính sách tích tụ ruộng đất và nới hạn điền) ở Việt Nam có phần lãng mạn. Ông Nguyễn Duy Hải, từng là Bí thư huyện ủy, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, giờ đây là chủ của một trang trại rộng 4ha chuyên cung cấp nông sản cho chuỗi siêu thị Vinmart có chia sẻ với phóng viên báo KH&PT, quy hoạch cứng của nhà nước gần như không thể thực hiện, đặc biệt là khi người dân vẫn là chủ thể chính tự bỏ tiền và tự chịu rủi ro trước mảnh đất của mình. Bản thân ông Hải cũng có lần đổ hàng trăm kg ớt chuông xuống suối sau khi tự đầu tư hơn 2.7 tỷ đồng/ha.
Nếu có gì gần gũi với công việc “quy hoạch”, tỉnh Lâm Đồng chỉ có thể khuyến cáo người nông dân “trồng cây gì, nuôi con gì” thông qua bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, bản đồ cây trồng, bản đồ nước ngầm, được giao cho Sở KH&CN tỉnh thực hiện với mỗi bản đồ thực hiện trong vòng 10 năm, chi tiết đến từng huyện, với kinh phí “tiết kiệm” khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Nông nghiệp CNC không phải là mục tiêu
Đi từ sân bay Liên Khương về thành phố Đà Lạt, hai bên đường đi, người ta dễ bắt gặp tầng tầng lớp lớp nhà kính trắng xóa trên những ngọn đồi. Gần 20% đất canh tác nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và 1/5 trong số diện tích đó cho doanh thu đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm. Sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách ồ ạt trong những năm gần đây khiến Lâm Đồng mất đi những đồi thông xanh mướt và tài nguyên đất, nước ngầm của tỉnh này cũng bị ảnh hưởng. Ông Hải nói rằng do không chú trọng cải tạo đất và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, ở nhiều nơi, đất đã bị thoái hóa, không đủ khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, người dân liên tục rơi vào cảnh mất mùa mà không biết tại sao. Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ doanh nghiệp Kim Bằng, một trang trại rộng 4ha, chuyên cung cấp rau củ cho các chuỗi khách sạn năm sao và các của hàng thực phẩm cao cấp, đã canh tác ở Đà Lạt 30 năm nay, chia sẻ rằng nước ngầm ở đây ngày càng khan hiếm.
Tỉnh Lâm Đồng, nhanh chóng nắm bắt xu hướng, đã chuyển từ định hướng nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2004-2010 sang nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững trong vài năm trở lại đây. Nhưng để thực hiện được điều đó không hề đơn giản bởi nó phần nhiều dựa vào sự tự giác của người nông dân, doanh nghiệp và sức ép từ phía người tiêu dùng. Những cán bộ của Sở KH&CN tỉnh chia sẻ rằng, việc cung cấp các chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp sạch và kiểm tra thường xuyên chỉ có thể hạn chế chứ không thể đảm bảo chắc chắn những người nông dân và doanh nghiệp sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, không trà trộn những sản phẩm không rõ chất lượng được chuyển vào từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.