Đại học Hannam ở tỉnh Deajeon, Hàn Quốc được xem là có hai cái nhất liên quan đến khởi nghiệp: sở hữu trung tâm khởi nghiệp lớn nhất, và là nơi xuất hiện khẩu hiệu “Student First – Startup first” sớm nhất trong toàn bộ hệ thống trường đại học ở xứ sở kim chi này. Khoa học & Phát triển có một ngày tận mục sở thị nơi đây.

Khuôn viên Đại học Hannam với khẩu hiệu “Student first – startup first”. Ảnh: T.Bung
Khuôn viên Đại học Hannam với khẩu hiệu “Student first – startup first”. Ảnh: T.Bung

Tinh thần phục vụ

Chiếc xe buýt của trường đến bến tàu siêu tốc đón, từ xa đã thấy biển hiệu “Sinh viên trước nhất – khởi nghiệp trước nhất” to ơi là to. Xe chạy một mạch đến trước văn phòng hiệu trưởng, nơi có tấm biển ghi là “Văn phòng hiệu trưởng, nơi sẽ luôn lắng nghe mọi người bằng đôi tai, cảm nhận bằng trái tim và làm mọi thứ vì sinh viên và khởi nghiệp trên đôi chân mình”. Hóa ra, từ năm nay, giáo sư Duk-Hoon Lee, Hiệu trưởng Đại học Hannam – một trong những trường đại học tư nhân lớn nhất Hàn Quốc – chủ trương rằng cơ hội tiếp cận thông tin, khoa học công nghệ và cơ hội phát triển là đồng đều giữa hệ thống giảng viên, nhân viên và sinh viên trong nhà trường. Nên văn phòng hiệu trưởng, từ một nơi khá là “kín cổng cao tường” trước đây, đã chuyển thành văn phòng mở, nơi ai cũng có thể đến để trình bày nguyện vọng của mình.

Như hầu hết các trường đại học khác của Hàn Quốc, Hannam có khuôn viên rất rộng, bao gồm tổ hợp 5 trường đại học, 9 trường cao đẳng, 44 khoa, 10 tổ chức thành viên, 33 trung tâm nghiên cứu và 234 tổ chức con khắp 46 quốc gia. Thầy hiệu trưởng ngồi chờ trong phòng, cười rất tươi khi thấy đoàn Việt Nam đến. Ông bảo, mấy lần sang Việt Nam, ông luôn dành thời gian ngoài các buổi họp để đi… chợ Dân Sinh, một ngôi chợ chuyên bán đủ thứ đồ từ xưa cũ cổ cho đến vật dụng kỹ thuật ít người biết đến ở quận 1, TP.HCM. Ở đó, ông khoe mua được một cái đồng hồ cổ làm theo công nghệ pháp lam của Huế. “Mua cũng rẻ lắm, vì nó đã ngừng chạy rồi. Xong về đây, tôi đi hỏi thăm vòng quanh, bao nhiêu là giáo sư, kỹ sư trong trường cũng không sửa chữa được, may là còn có một ông thợ sửa đồng hồ già ngoài phố…”. Xong ông cười to, không phải trong mọi việc, công nghệ cao là đúng đâu, nhiều khi có những giá trị văn hóa cổ điển, những hiểu biết kiểu cũ cũng rất quan trọng…

Là một trường có nền tảng của những nhà truyền giáo từ Mỹ sang thành lập, nên buổi lễ ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ và startup giữa Hannam University và Saigon Innovation hub bắt đầu bằng sự chúc phúc của một phó hiệu trưởng. Sau đó, mọi người vui vẻ kể câu chuyện về sự hợp tác, ôm những củ sâm thật to và khoe rằng đó là thành tích của nhà trường trong việc tạo ra những đột phá mới trong quy trình trồng sâm…

Hiệu trưởng nhà trường hào hứng khoe cái đồng hồ cổ mua ở VN. Ảnh: T.Bung
Hiệu trưởng nhà trường hào hứng khoe cái đồng hồ cổ mua ở VN. Ảnh: T.Bung

Chúng tôi được dẫn đi thăm các không gian khởi nghiệp, chia làm nhiều phân khu khác nhau. Khu đầu tiên là dành cho những người chỉ mới chớm có sáng kiến gì đó để khởi nghiệp, có thể vào tra cứu tài liệu, tìm kiếm lời khuyên hoặc người đồng sáng lập. Khu vực thứ hai, là nơi các nhóm đã bắt đầu hình thành dự án, có đường đi tương đối rõ ràng, sẽ phải tham gia các chương trình đào tạo, huấn luyện và các thử thách khác nhau để được nhận các gói hỗ trợ của nhà trường. Đến khu vực thứ ba, là nơi doanh nghiệp đã thành hình, có sản phẩm và bắt đầu con đường chinh phục thị trường. Trước khu vực “chợ khởi nghiệp” này, là quán cà phê của các sinh viên Việt Nam mang tên “Cà phê sữa đá” khá đẹp và hiện đại. Ghé mua ủng hộ “đồng hương”, các bạn cho biết đang rất nỗ lực tìm cách mở thêm các quán khác ở những trường đại học lân cận…

Ông phó hiệu trưởng phụ trách khởi nghiệp dẫn đến tham quan “chợ khởi nghiệp” – nơi mà mỗi doanh nghiệp trong trường được cấp một phòng riêng để kinh doanh. Đầu tiên, đó là không gian của một nữ giáo sư ngành thiết kế trong trường. Bà cùng nhóm sinh viên tạo ra các mẫu thiết kế chuẩn của nón, khăn và chuyển giao các mẫu thiết kế này cho các đơn vị sản xuất và kinh doanh. “Đến nay, trong hầu hết các trung tâm thương mại lớn của Hàn Quốc đều có sản phẩm được tạo ra từ thiết kế của đơn vị này. Giáo sư thì có trải nghiệm thực tế, sinh viên thì biết cách theo đuổi các trào lưu thiết kế, thời trang mới nhất của thế giới. Và cũng không ngờ là doanh nghiệp này phát triển nhanh đến vậy” – thầy hiệu phó giải thích.

Loanh quanh khu đó, là các startup đủ thể loại. Có các cô gái ngành hóa dược làm ra các sản phẩm mỹ phẩm, đem hợp tác sản xuất với các doanh nghiệp bên ngoài để tạo ra dòng mỹ phẩm riêng cho mình. “Chúng tôi hiểu rằng ở vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu, thời tiết và khói bụi rất khác một vùng ôn đới như Hàn Quốc, nên chúng tôi đang tính toán lại các công thức để có thể tạo ra các sản phẩm mỹ phẩm phù hợp hơn với làn da phụ nữ Việt Nam” – một cô gái trẻ đứng giới thiệu các dòng sữa dưỡng da của mình cho biết. Lại có một nhóm chuyên tạo ra các đồ ốp lưng điện thoại di động bằng công nghệ in sơn mài, lúc nào cũng có danh sách khách hàng dài dằng dặc. Lại có công ty làm về dữ liệu lớn, theo dõi cách ăn mặc của những người đi xem bóng đá để tìm ra công thức và xu hướng thời trang của đám đông…

Chúng tôi lên xe, đi đến một khu vực thứ hai của trường, được xem là “lò sản xuất khởi nghiệp Hannam”. Ở cửa ra vào, có một khẩu hiệu bằng tiếng Việt rất to chiếu trên cửa kính của toà nhà. Nhiều thành viên ngạc nhiên khi phát hiện ra là dòng chữ chào mừng này được phát ra từ một máy chiếu thông thường đặt bên trong. “Công nghệ nằm ở loại sơn mà chúng tôi đã sáng chế ra và được bảo hộ toàn cầu. Chỉ cần sơn lên bất kỳ chất liệu gì, là đã có thể trở thành một màn chiếu di động, rất tiện dụng cho các cửa hàng, văn phòng…” – một cậu thạc sỹ hóa học đứng giải thích, không giấu được sự tự hào khi công trình nghiên cứu của mình đã đi được đến đoạn thương mại hóa như vậy.

Và định hướng ứng dụng

Đón đoàn, là ông giám đốc trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Ông dẫn đi xem, mỗi giáo sư có một gian phòng riêng, đúng kiểu một cái lab khởi nghiệp. Bên ngoài các bức tường là chi chít các bài báo khoa học, công trình nghiên cứu mà mỗi năm, họ tiêu tốn nhiều chục triệu USD để tạo ra, và giờ là thời điểm để đem những công trình đó vào cuộc sống. Ở một phòng, là cái máy in 3D với kích thước khổng lồ, đang in những mảnh lưới để tạo ra dòng sản phẩm mới của giày thể thao. Ông chủ của gian phòng này, là người sở hữu công trình nghiên cứu in 3D bằng vật liệu hữu cơ, chứ không phải in 3D trên các loại plastic thông thường nữa. Kế bên, là phòng của giáo sư hóa dược, nơi ông đang cùng nhóm sinh viên và nghiên cứu sinh của mình chiết xuất ra các tinh chất của một loài cây quý. Không ngờ, đó chính là cây đinh lăng, vô cùng thường gặp ở Việt Nam. “Thứ chúng tôi chiết xuất, là cố gắng tạo ra nồng độ tinh chất cao nhất. Sẽ tách ra nhiều lớp: loại nào dùng để làm thuốc chữa bệnh, loại ít tinh chất hơn thì làm thực phẩm chức năng, có loại thì làm thực phẩm thường và mớ bã còn sót lại có thể làm thức ăn chăn nuôi…” – ông giải thích. Có chút ngậm ngùi khi nhớ tới các cuộc thi khởi nghiệp địa phương luôn xuất hiện các startup đem cây dược liệu ở địa phương mình băm nhỏ, phơi khô, và bán dạng túi trà hoặc ngâm rượu, chẳng có mấy hàm lượng khoa học công nghệ hay giá trị gia tăng…

Còn lại, là mênh mông những ứng dụng khoa học đang dần đi đến gần hơn với thị trường. “Chúng tôi không những là đơn vị ứng dụng chuyển giao công nghệ, mà chúng tôi cũng tham gia vào quá trình hoạch định nghiên cứu khoa học của giáo sư và sinh viên trong trường, theo đuổi những yêu cầu mới của thị trường để các công trình nghiên cứu có thể mang tính ứng dụng cao nhất” – ông giám đốc trung tâm cho hay…

Trên đường ra về, trời thì lạnh, nhưng có một cái nhà máy thật to đang sản xuất thứ gì đó có chữ tiếng Việt trên bao bì. Hóa ra, là một chế phẩm sinh học dùng để nuôi tôm đang thương mại hóa rất thành công ở các vùng nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long… Ừ, thứ cần phải ghi ngay vô sổ tay, là một công trình nghiên cứu khoa học trong một trường đại học của Hàn Quốc có thể trở thành sản phẩm bán cho người nuôi tôm ở Việt Nam.