Nghiên cứu của các nhà khoa học ĐH Công thương TPHCM, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), ĐH Nguyễn Tất Thành đã mở ra một cơ hội mới khai thác cây hành tăm Quảng Trị một cách kinh tế và hiệu quả.

Hành tăm (Hay củ nén) là một đặc sản của Quảng Trị. Ảnh: VDK
Hành tăm (hay củ nén) là một đặc sản của Quảng Trị. Ảnh: VDK

Hành tăm (Allium schoenoprasum L. bulb) là một loài cây thuộc họ Hành, vẫn được sử dụng như một thứ gia vị hoặc thuốc nam chữa các chứng sổ mũi, nhức đầu, ho khan… Việc tìm hiểu cách chiết xuất tinh dầu từ cây hành tăm được quan tâm vì nó có tiềm năng ứng dụng trong dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm.

Do hoạt tính sinh học và thành phần hóa học của tinh dầu hành tăm tùy thuộc vào các yếu tố như điều kiện của quá trình chiết xuất, loại dung môi và thời gian trồng nên các nhà nghiên cứu mong muốn khảo sát các điều kiện của quá trình chưng cất lôi cuốn hơi nước (hydro-distillation), thành phần hóa học trong dung môi xylen, đặc tính hóa lý và hoạt tính sinh học của tinh dầu tại Quảng Trị, hướng tới tạo tiền đề chiết xuất tinh dầu hành tăm ở mức độ thí điểm và ứng dụng thực tế.

Họ đã xác lập được phương pháp tách chiết bằng thiết bị chưng cất thủy phân trong điều kiện thích hợp về nồng độ NaCl 5−10 %, tỷ lệ nguyên liệu/dung dịch NaCl là 1,5−2, thời gian chiết là 3 giờ. Tinh dầu được phát hiện có hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn cao, nồng độ ức chế tối thiểu đối với E. Coli và phế cầu khuẩn S. pneumoniae ở mức 0,156 μg/mL.

Phát hiện này cho thấy tinh dầu củ hành tăm có các ứng dụng trị liệu tiềm năng cũng như một chất chống oxy hóa và kháng khuẩn tự nhiên.

Kết quả được công bố trong bài báo “Extraction conditions, chemical composition and biological activity of essential oil of Allium schoenoprasum L. bulbfrom Quang Tri province, Vietnam”, xuất bản trên tạp chí Food Chemistry Advances.https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2772753X23003957