Diễn ra vào ngày 15/2/2023, seminar “Nguồn động đất ngày 6/2/2023 gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và tai biến liên quan” đem lại cái nhìn tổng quan về trận động đất kinh hoàng này.

Theo nhận xét của giáo sư Phan Trọng Thịnh (Viện Địa chất, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), động đất xảy ra trong vùng ranh giới hai mảng kiến tạo đang hoạt động dọc theo một đứt gãy trượt bằng trái đất đã từng hoạt động trong Kỷ Đệ tứ và Holocene. Đáng chú ý là động đất có độ lớn 7.8 và 7.5 magnitude xảy ra ở tầng nông, đi kèm với việc kích hoạt hóa lỏng nền đất đã gây sụp đổ hàng loạt các ngôi nhà lớn ở Gaziantep và Kahmaranmaras. Do ở vùng này đứt gãy trượt bằng là cơ bản nên không xảy ra sóng thần.

Trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng đem lại một số bài học cho Việt Nam, một quốc gia về cấu trúc kiến tạo nằm giữa ba mảng kiến tạo có mức độ hoạt động mạnh (châu Úc, Philipines và Thái Bình Dương) và trong lịch sử đã xảy ra động đất. Giáo sư Phan Trọng Thịnh cho biết, nếu nhìn vào các tai biến liên quan trong đợt động đất này ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thì Việt Nam cần quan tâm đến hiện tượng nền đất hóa lỏng do nền trầm tích trẻ khi xây dựng các công trình kiên cố; hiện tượng trượt đất có thể đi kèm với động đất, nhất là nơi có hoạt động kiến tạo trẻ; thay đổi ứng suất Colomb kích hoạt một số đứt gãy lân cận; cháy do chập điện…

Seminar do Tạp chí Các khoa học về trái đất, Hội Kiến tạo Việt Nam, Hội Đệ tứ - Địa mạo Việt Nam, Hội KHKT Địa vật lý Việt Nam và Hội trầm tích Việt Nam phối hợp tổ chức.