Từ năm 2000 đến năm 2020, sự gia tăng của Salmonellae không thương hàn đã đi kèm với xu hướng gia tăng kháng kháng sinh ở một số chủng.

Nhiễm khuẩn salmonella trong thực phẩm. Ảnh minh họa: BV Tam An
Nhiễm khuẩn salmonella trong thực phẩm. Ảnh minh họa: BV Tam An

Nhóm các nhà nghiên cứu ở Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Oxford Việt Nam, ĐH Nông lâm, ĐH Walailak Thái Lan và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam đã trở thành nhóm tiên phong truy dấu gánh nặng bệnh tật của Salmonella không thương hàn.

Kết quả được họ nêu trong bài báo “A review and meta-analysis of non-typhoidal Salmonella in Vietnam: Challenges to the control and antimicrobial resistance traits of a neglected zoonotic pathogen”, xuất bản trên tạp chí One Health.

Salmonellae không thương hàn (NTS) là một bệnh qua đường ăn uống do mầm bệnh từ động vật truyền sang người, chủ yếu là nguyên nhân gây ra viêm dạ dày ruột, nhiễm khuẩn huyết và nhiễm trùng khu trú.

Tuy quan trọng nhưng ở Việt Nam, người ta vẫn còn chưa được rõ gánh nặng bệnh tật mà NTS gây ra. Do đó, nhóm các nhà nghiên cứu đã thực hiện một xem xét có hệ thống và đa phân tích để tìm hiểu về sự lưu hành và kiểu hình kháng kháng sinh (AMR) của NTS theo thời gian ở Việt Nam.

Khi tìm kiếm trên PubMed và Google Scholar, họ tìm thấy 42 bài báo về sự lưu hành của NTS, 26 dữ liệu về kiểu hình kháng. Sự lưu hành của NTS từ 2% đến 5% ở người và 30% đến 41% ở động vật, môi trường trang trại, lò mổ. Từ năm 2000 đến năm 2020, NTS gia tăng 27,3% ở đường ruột người và 12% ở mẫu ao hồ, hải sản.

Trong cùng thời kỳ, xu hướng gia tăng kháng kháng sinh với quinolones, cephalosporins, tetracyclines, sulfonamides, amphenicol và đa kháng. Một phạm vi gene AMR lớn ở cả người và động vật.

Hai phát hiện lớn này nhấn mạnh vào việc áp dụng chiến lược One Health ở Việt Nam để giải quyết thách thức của NTS.

Bài đăng số 1294 (số 22/2024) KH&PT