Một nghiên cứu mới đây, công bố trên tạp chí The International Journal of Life Cycle Assessment xác định sự đóng góp của các yếu tố nông học và đầu vào vào tổng lượng khí thải carbon (C) của sản xuất lúa gạo để xác định các giải pháp có thể giảm phát thải khí nhà kính (GHG) trong nông nghiệp ở Đông Bắc Việt Nam.
Các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp đánh giá vòng đời đối với dấu chân Carbon của quá trình sản xuất lúa gạo từ khi trồng đến khi thu hoạch. Các thông số nông học và dữ liệu đầu vào trong cả vụ xuân và vụ hè được thu thập thông qua phỏng vấn người dân trồng lúa tại Bắc Giang bằng bảng câu hỏi. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu để thu thập thông tin về quá trình chuẩn bị đất và thu hoạch.
Nghiên cứu cho thấy, phát thải khí nhà kính chủ yếu là do phát thải khí mêtan trực tiếp trong quá trình sinh trưởng của cây lúa, chiếm 80,5% đến 89,5% tổng lượng khí thải tùy vào vụ xuân hoặc vụ hè. Phát thải phân bón cũng đóng góp đáng kể, lần lượt chiếm 5,4% và 10,4%. Gần 75% từ phát thải phân Nitơ. Dấu chân Carbon cao hơn thường liên quan đến việc sử dụng rơm rạ, tưới ngập liên tục, thời gian sinh trưởng của lúa dài hơn và năng suất lúa thấp hơn, cho thấy tầm quan trọng của việc quản lý trồng trọt, nước, phân, lựa chọn giống và trồng trọt.
Nghiên cứu khuyến nghị các giải pháp tránh vùi rơm rạ vào đất, áp dụng tưới gián đoạn ướt - khô, giảm lượng phân Nitơ, sử dụng các giống lúa ngắn ngày (đặc biệt là vụ hè) có tiềm năng năng suất cao cũng như biện pháp quản lý nông học tối ưu.
Đăng số 1301 (số 29/2024) KH&PT
Bảo Như