Nguyên nhân dẫn tới giảm trầm tích và thay đổi hình thái dòng chảy chủ yếu là do xây dựng thủy điện và khai thác cát.

Ảnh: Báo Chính phủ.
Ảnh: Báo Chính phủ.

Đó là kết quả nghiên cứu "Quantifying the consequences of unsustainable sand mining and cascade dams on aspects in a tropical river basin", được công bố trên tạp chí Scientific Reports. Công trình giúp định lượng hậu quả của việc khai thác cát và thủy điện không bền vững đang diễn ra và có giá trị quan trọng trong việc thu thập dữ liệu về tải lượng trầm tích và quản lý địa mạo thủy văn.

Trong nghiên cứu này, các tác giả sử dụng phương pháp quan trắc, thống kê và mô hình thủy văn (SWAT) liên tục và dài hạn toàn diện để định lượng những thay đổi trầm tích, dòng chảy theo không gian, thời gian từ năm 1996 đến năm 2020 ở sông Vu Gia và Thu Bồn.

Kết quả cho thấy, sau khi xây dựng đập thủy điện, trầm tích trung bình năm trên sông Vu Gia và sông Thu Bồn giảm 57,3% (trước khi xây dựng đập thủy điện, lượng trầm tích giảm 23,8%). Từ năm 2010 đến năm 2021, cao trình thalweg (đường đáy sâu nhất) giảm tại các trạm đo Ái Nghĩa và Giao Thủy lần lượt là 1,8 m và 3,9 m. Mực nước giảm 21,1% tại Ái Nghĩa và 44,3% tại Giao Thủy. Việc xây dựng các đập thủy điện, khai thác cát là các nguyên nhân gây ra sự thay đổi dòng chảy và giảm lượng trầm tích này. Nghiên cứu cũng cung cấp bằng chứng về việc khai thác cát là yếu tố chính tạo nên các vết rạch đáy sông.

Thay đổi hình thái đã dẫn tới tình trạng xói lở, cũng như thiếu nước do xâm nhập mặn trong thời kỳ hạn hán hằng năm ngày càng tăng nặng.

Bài đăng số 1290 (số 18/2024) KH&PT