Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng bị đe dọa bởi nhiều nguy cơ như xâm nhập mặn ngày càng tăng, nguồn nước ngọt giảm dần, sụt lún đất và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Xâm nhập mặn và nước mặn có thể tích tụ trên ruộng lúa tác động tiêu cực tới canh tác lúa, làm giảm năng suất, sản lượng lúa.

.
Ảnh minh họa: CC.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Agronomy and Crop science, đánh giá độ mặn của lớp đất mặt và kiểm tra mối liên hệ tiềm năng giữa độ mặn của lớp đất mặt và hệ thống sản xuất lúa gạo trong một nghiên cứu điển hình ở tỉnh Trà Vinh. Để đánh giá được, nhóm nghiên cứu đã áp dụng hai phương pháp địa vật lý là chụp cắt lớp điện trở suất 3D (ARES II) và cảm ứng điện từ (EM38-MK2). Các phép đo 3D ARES II với các khoảng cách điện cực khác nhau được so sánh với các phép đo lớp đất mặt EM38-MK2 để đánh giá tiềm năng của hai phương pháp trong việc theo dõi độ mặn của lớp đất mặt và mối quan hệ giữa các loại hình sử dụng đất và độ mặn của lớp đất mặt.

Kết quả cho thấy EM38-MK2 là một công cụ hiệu quả và nhanh chóng để xây dựng bản đồ độ mặn lớp đất mặt có độ phân giải cao cho ruộng lúa. Với dữ liệu ARES II, có thể tạo bản đồ 3D có độ sâu lên tới 40 m, nhưng so với bản đồ lớp đất mặt EM38-MK2, độ mặn của lớp đất mặt bị đánh giá thấp do hạn chế về độ phân giải. Nhiễm mặn trên 300 mS m−1 được phát hiện ở một số ruộng lúa hai vụ, trong khi ở ruộng lúa ba vụ, độ mặn dưới 200 mS m−1. Kết quả cho thấy rõ mối quan hệ giữa độ mặn của lớp đất mặt và nguồn nước mặn ở gần; tuy nhiên, chưa tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa sản xuất lúa gạo và độ mặn của lớp đất mặt. Nghiên cứu đã chứng minh rằng các phương pháp địa vật lý là công cụ hữu ích để đánh giá và giám sát độ mặn của lớp đất mặt ở quy mô ruộng nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đăng số 1301 (số 29/2024) KH&PT