Gần 10 nghìn lượt học sinh, sinh viên các trường trung học, đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM và khu vực phía Nam đã được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng mềm, tư vấn tâm lý học đường,… do Viện Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (IAPE) tổ chức trong năm qua.

IAPE là một tổ chức KH&CN trực thuộc Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, được thành lập vào tháng 4/2021. Viện đã liên kết với các Sở Giáo dục và Đào tạo, trường THPT, trường trong và ngoài địa bàn TPHCM như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Công nghệ, Đại học Sư phạm kỹ thuật, Cao đẳng Kinh tế TPHCM, Trường THPT Trần Nhân Tông,…. xây dựng các chương trình giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên.
Kết quả, hơn một năm qua, hơn 10 ngàn lượt học sinh, sinh viên đã được tham gia các khóa học trực tiếp và trực tuyến miễn phí, với nhiều chủ đề khác nhau như kỹ năng giao tiếp, học tập hiệu quả, lập kế hoạch và quản lý thời gian,… Đặc biệt là những kiến thức liên quan đến giới tính, nhận biết các dấu hiệu liên quan đến sức khỏe tâm thần, qua các chuyên đề như kỹ năng ứng phó trầm cảm, giáo giục giới tính, kỹ năng quản trị stress,…

v
Sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng tham gia chuyên đề về ứng phó với trầm cảm. Ảnh: IAPE

Tại lễ kỷ niệm 1 năm ngày thành lập IAPE hôm 22/4 tại TPHCM, ông Phạm Văn Giào, Viện trưởng IAPE, chia sẻ, ngày nay, nhiều bậc phụ huynh vì mải lo kinh tế gia đình mà không có thời gian lắng nghe, tâm sự, thấu hiểu con mình. Từ đó, nhận thức tiêu cực của giới trẻ không được phát hiện để điều chỉnh kịp thời. Theo ông Giào, hiện tượng trầm cảm thanh thiếu niên ngày càng diễn biến phức tạp, dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc. Do đó, các em cần được trang bị sớm các kỹ năng mềm, kỹ năng sống, kiến thức liên quan đến sức khỏe tâm thần,…

Trong năm 2022, IAPE tiếp tục phối hợp với các nhà trường tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm, trang bị các kiến thức về sức khỏe, tâm, sinh lý,... cho học sinh sinh viên. Ngoài ra, Viện cũng tập trung nghiên cứu những biến đổi tâm, sinh lý ở lứa tuổi học đường và một vài lứa tuổi khác trong bối cảnh thời đại mới; nghiên cứu về kỹ năng sống, kỹ năng mềm cần hình thành và phát triển ở lứa tuổi học đường;…