Quỹ Novo Nordisk, một quỹ tập trung vào nghiên cứu và điều trị y khoa lớn nhất thế giới, đã hỗ trợ các nhà khoa học ngành y khởi nghiệp thông qua Viện Nghiên cứu Đổi mới sáng tạo sinh học (BII).

Nhóm các nhà khoa học Dandelion Diagnostics đang tận dụng sức mạnh của AI để chẩn đoán nhiều loại bệnh nhanh hơn. Ảnh: Viện Bioinnovation
Nhóm các nhà khoa học Dandelion Diagnostics đang tận dụng sức mạnh của AI để chẩn đoán nhiều loại bệnh nhanh hơn. Ảnh: Viện Bioinnovation

Chẩn đoán một bệnh là bước đầu tiên giúp người ta có được một phương thức điều trị bệnh hiệu quả nhưng cho đến nay không dễ cho nhiều người có thể tiếp cận các phương pháp chẩn đoán. Vào năm 2021, Hội đồng Lancet phát hiện ra là 47% dân số toàn cầu ít có cơ hội tiếp cận chẩn đoán bệnh.

Molly Stevens, giáo sư ngành khoa học nano sinh học tại trường ĐH Oxford, từ lâu đã đưa được nhiều công nghệ chẩn đoán siêu nhạy, giá rẻ ra thị trường toàn cầu. Tuy nhiên làm thế nào mà một nhà nghiên cứu có được một ý tưởng, ngay cả là một ý tưởng xuất sắc có thể cứu mạng sống của nhiều người, thành lập được một doanh nghiệp?

Một câu trả lời đã có từ BII với hỗ trợ tài chính từ quỹ Novo Nordisk, một trong những quỹ từ thiện lớn nhất thế giới, khi tăng cường và hỗ trợ các nhà nghiên cứu cũng như các nhà đổi mới sáng tạo có thể thương mại hóa phát hiện của họ, góp phần giải quyết các thách thức xã hội và sức khỏe.

BII đã lựa chọn rất cẩn thận các nhà khoa học xuất sắc từ khắp mọi nơi trên thế giới với hiểu biết rất thấu đáo trong lĩnh vực nghiên cứu của họ. Sự hợp tác với BII cho phép sản phẩm của họ có được sự trưởng thành về công nghệ sớm hơn nhiều so với sự hỗ trợ của các chương trình khác, giáo sư Stevens nói.

Khi nói điều đó, Stevens hàm ý đến chương trình Công xưởng sinh học của BII, một chương trình được thiết kế để giúp thành lập các công ty khởi nguồn dựa trên nghiên cứu chuyển giao. Hiện nay, Chương trình Công xưởng sinh học đã tài trợ cho 14 dự án lập công ty nhằm giải quyết một phạm vi vấn đề lớn từ nạn đói đến biến đổi khí hậu với giải pháp thay thế thịt từ nấm men đến các liệu pháp dựa trên RNA chữa trị bệnh đơn gene.

MarkusHerrgård, người phụ trách công nghệ tại BII, nói. Dù chương trình này cung cấp các khoản hỗ trợ cho các dự án kéo dài ba năm, mỗi năm tới một triệu euro nhưng những gì chương trình đem lại còn giá trị hơn cả tiền; nó có một cách tiếp cận đa hướng để tăng tốc thương mại hóa. Nó có những hình thức hỗ trợ rất sáng tạo có thể giúp đem lại thành công.

Một cách ươm tạo mới


Không giống nhiều vườn ươm khởi nghiệp, chương trình Công xưởng sinh học không gắn với bất cứ trường đại học nào. Các thành viên của chương trình là những nhà nghiên cứu ở nhiều cơ sở nghiên cứu khắp châu Âu và Bắc Mỹ, qua đó có điều kiện bước vào một mạng lưới toàn cầu.

Một rào cản có thể khiến khó thương mại hóa từ các trường đại học, theo Herrgård, là thành công phụ thuộc vào nhà nghiên cứu sở hữu công nghệ có kỹ năng của một doanh nhân không. “Chúng tôi cố gắng đem lại một dạng hỗ trợ kết hợp việc hiểu công nghệ và hiểu kinh doanh”, ông nói, vì vậy “nhà khoa học không cần phải trở thành CEO”.

Một phần trải nghiệm của chương trình là mỗi dự án đều được giao cho một doanh nhân của chương trình (EIR), một CEO thực thụ và có thể giúp dự án tới một giai đoạn thực sự trở thành công ty khởi nguồn. Các doanh nhân EIR theo dõi tiến triển hằng ngày của các dự án khởi nguồn, tạo ra các kết nối với những cơ hội nhận vốn, giúp các nhà nghiên cứu tinh chỉnh chiến lược thương mại hóa và tầm nhìn của họ.

“Các dự án từ trường đại học đều xuất phát từ một tư duy khác biệt với kinh doanh”, Barfod Andersen - người đã có kinh nghiệm quản lý danh mục ung thư Nordics của AstraZeneca nhận xét. “Vì vậy chúng tôi chuyển đổi dự án một cách cẩn trọng để đưa vào một tư duy thương mại hóa”.

Trong khi nhiều vườn ươm có thể không hào hứng với các khởi nghiệp ở giai đoạn siêu sớm, BII lại quan tâm đến những giai đoạn này.

“Thật là trải nghiệm độc đáo vì chúng tôi được làm việc tại một trong số nhiều thung lũng chết của đổi mới sáng tạo dựa trên kết quả nghiên cứu, khi nhà nghiên cứu có thể mới có một ý tưởng mang tiềm năng trở thành sản phẩm có giá trị thương mại nhưng họ lại không thể tự lập công ty”, Herrgård nói. “Chúng tôi hỗ trợ tất cả”, bao gồm chứng minh khái niệm, thành lập được nhóm và phát triển các kế hoạch kinh doanh.

Barfod Andersen cho biết thêm, “Nhiều dự án của chúng tôi có thể không bao giờ nhận được tài trợ của các quỹ đầu tư mạo hiểm vì đơn giản là quá rủi ro”.

Cần lưu ý là các bằng sáng chế được tạo ra trong quá trình thực hiện dự án vẫn thuộc về các viện nghiên cứu của các nhà khoa học nên các công ty khởi nguồn có thể xin cấp phép sử dụng.

“Chúng tôi không có mặt ở đây để đem lại lợi nhuận cho chính mình”, Herrgård nói, “việc tham gia cho phép chúng tôi có lựa chọn dựa trên nhu cầu của xã hội và con người mà chúng tôi làm việc thay vì các khoản đầu tư”.

Thành công và thất bại

Hiện tại, Stevens và nhóm nghiên cứu của mình đã tiến thêm một số bước để đánh giá ý tưởng cốt lõi là AI có thể đánh giá được các dấu phân tử trong nền tảng chẩn đoán giá rẻ để cải thiện việc chăm sóc sức khỏe lâm sàng không. Họ đã chứng minh được nền tảng của minh có thể phân biệt được các mẫu xét nghiệm từ người có bệnh và không bệnh.

Xa hơn nữa, họ đã cho thấy công nghệ này có thể hoạt động tốt với các mẫu lâm sàng, một cơ hội tốt để sản phẩm của họ có tiềm năng ra đến thị trường. “Chương trình Công xưởng sinh học đem lại một khung xuất sắc để nuôi các ý tưởng trưởng thành từ ống nghiệm đến giai đoạn lâm sàng”, Stevens nói.

Với sự kết nối giữa cộng đồng rộng lớn và ngày một lớn mạnh của BII, bao gồm 130 công ty khởi nguồn và dự án nghiên cứu thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng như các nhà đầu tư, các nhà công nghiệp và cả các tổ chức chính trị. “Các tầm nhìn đa dạng từ cộng động này là điều quan trọng trong cuộc hành trình chuyển đổi kết quả nghiên cứu thành sản phẩm hàng hóa có thể làm chuyển đổi xã hội”, Stevens nói.


Hình thành một doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu là một dự án mạo hiểm vì bạn có thể không bao giờ biết là kết quả trong phòng thí nghiệm có thực sự hiệu quả trong thực tế hay không.MarkusHerrgård


Nguồn: www.science.org

Đăng số 1315 (số 43/2024) KH&PT