Làm việc tại Trung tâm Dự án Trí tuệ tiên tiến (AIP) của Viện nghiên cứu Hóa lý Nhật Bản (RIKEN), TS Hà Quang Minh tập trung vào việc hiểu cách máy móc trích xuất dữ liệu hình ảnh từ thế giới thực.

TS. Hà Quang Minh. Ảnh: Nature
TS. Hà Quang Minh. Ảnh: Nature

Trả lời phỏng vấn Nature, TS. Hà Quang Minh cho biết, nền tảng nghiên cứu của anh là toán học. “Tôi bị thu hút bởi tính chính xác và nghiêm ngặt của toán học cũng như những ứng dụng tuyệt vời của nó. Niềm đam mê của tôi là phát triển nền tảng lý thuyết cho máy học”.

Làm việc tại AIP, Hà Quang Minh dẫn dắt các đồng nghiệp trong Đơn vị Học tập Phân tích Chức năng, thực hiện các nghiên cứu theo hai hướng chính có liên quan chặt chẽ với nhau. Đó là các phương pháp phân tích chức năng trong học máy, bao gồm các phương pháp cụ thể từ lý thuyết ma trận và toán tử, và lý thuyết về các không gian Hilbert nhân tái tạo có giá trị vector (RKHS); các phương pháp hình học trong máy học, bao gồm các phương pháp cụ thể từ hình học Riemann và các lĩnh vực liên quan.

“Trọng tâm nghiên cứu của tôi về hình học của các toán tử hiệp biến RKHS và các ứng dụng của nó”, anh viết trên trang cá nhân của mình. “Tôi quan tâm đến cả nền tảng toán học và phát triển các thuật toán trong máy học, AI, thị giác máy tính, hình ảnh và xử lý tín hiệu, và các bài toán trong phân tích hàm ứng dụng và tính toán, và hình học vi phân tính toán và ứng dụng”.

Là một chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực này, TS. Hà Quang Minh từng sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam trong một gia đình bốn anh chị em, “bố mẹ đã phải hi sinh rất nhiều để chúng tôi được học hành đầy đủ”. Khi điều kiện gia đình khó khăn thì chính “toán học trở thành hộ chiếu cho tôi bước ra thế giới. Cuộc hành trình này của tôi bắt đầu khi nhận được một học bổng theo học ĐH Monash, Australia, sau đó là Mỹ, Áo, Đức”, anh kể.

Nhà nghiên cứu Hà Quang Minh nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Brown, Mỹ dưới sự hướng dẫn của giáo sư Steve Smale, với luận văn về Tái tạo không gian Hilbert (RKHS). Sau khi làm việc ở ĐH Viena, ĐH Humboldt, anh tới Viện Công nghệ Ý và làm việc ở đây 7,5 năm trong Nhóm Phân tích mẫu và Thị giác Máy tính (PAVIS).

Khao khát những chân trời mới, anh gia nhập RIKEN vào tháng 6/2018, một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu về AI. “RIKEN-AIP là một trung tâm nghiên cứu thuộc RIKEN, đưa ra nhiều giải pháp cho các vấn đề quan trọng của đời sống như khả năng phục hồi sau thảm họa, chăm sóc sức khỏe người già, cũng như các vấn đề đạo đức, pháp lý và xã hội khi phát triển và sử dụng AI. RIKEN-AIP có 11 nhóm nghiên cứu các công nghệ lõi của AI, 17 nhóm nghiên cứu các công nghệ AI hướng đích, và 6 nhóm nghiên cứu các vấn đề của AI và xã hội…”, GS. Hồ Tú Bảo từng nhận xét như vậy trên Tia Sáng vào năm ngoái.

Do đó, dù đặt tại Nhật Bản nhưng RIKEN-AIP thực sự là một môi trường quốc tế hoàn hảo. “Các đồng nghiệp của tôi ở đây đều từ Trung Quốc, Đức, Pháp Áo, Ba Lan và nhiều quốc gia khác’, TS. Hà Quang Minh nói.

Nhóm nghiên cứu của anh được phân thành ba đội khác nhau. Anh cho biết “Tôi dẫn dắt một nhóm nghiên cứu cơ bản về AI, nhóm khác tập trung vào các ứng dụng của nó và về các khía cạnh pháp lý và xã hội của AI”.

Trong thời gian gần đây, anh tìm hiểu về hình học của thông tin: dữ liệu thông thường chứa vô vàn các cấu trúc hình học. Trong lĩnh vực thị giác máy tính, nơi cho phép các cỗ máy hiểu được hình ảnh số, con người thường sử dụng dữ liệu nằm dưới những chiều không gian bậc cao, bên ngoài mô hình hóa 3D thông thường và phân tích hình dạng.

Anh khao khát sử dụng các giao diện não – máy (BCIs), tạo những mối liên hệ giữa bộ não và máy tính để một ngày nào đó có thể giúp những người bị liệt vận động trở lại.

“Mục tiêu của giao diện não – máy giờ đang mã hóa các tín hiệu não để kiểm soát các chuyển động của cơ thể, có lẽ với sự hỗ trợ của robot thông qua ý nghĩ”, anh cho biết.

Đăng số 1315 (số 43/2024) KH&PT