Trung bình một sinh viên Việt Nam hiện đang trả gần 30 triệu đồng mỗi năm cho chi phí đào tạo và hơn 80% sinh viên sẵn sàng trả thêm học phí thay vì đi học thêm và đào tạo thêm bên ngoài, nếu trường đang theo học có thể cung cấp các khóa học tương tự ở cùng mức giá – nghiên cứu mới cho thấy.

Kinh tế thị trường thúc đẩy sự chuyển biến của giáo dục đại học Việt Nam kể từ những năm đầu thế kỉ 21. Trong đó, các trường đại học trở thành những đơn vị cung cấp dịch vụ, và người học trở thành khách hàng lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ phù hợp.

Mặt khác, các cơ sở giáo dục đại học còn thực hiện các chức năng khác như kiến tạo và phổ cập tri thức, đảm bảo quyền tiếp cận tri thức của các nhóm yếu thế và thúc đẩy công bằng xã hội. Để thực hiện những mục tiêu này, Chính phủ đã áp dụng cơ chế chia sẻ chi phí đào tạo đại học với phụ huynh và sinh viên.

Ảnh minh họa: Giờ học của sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Nguồn: baocantho.com.vn

Đáng buồn là chất lượng đào tạo của Việt Nam không đạt những kỳ vọng của xã hội với khoảng 250.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không có việc làm sau khi ra trường trên 1 triệu lao động thất nghiệp, theo thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2015.

Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chi phí đào tạo đại học - bao gồm trợ cấp của Chính phủ và học phí - đang thấp hơn so với thực tế. Mức học phí đại học tại Việt Nam cơ bản không thay đổi trong những năm đầu Đổi mới cho đến năm 1993. Về sau, cùng với các quy định của Nhà nước, mức học phí đại học tăng dần theo từng giai đoạn. Trong năm học 2018-2019, mức học phí của sinh viên tại các trường đại học công dao động từ 8,1 triệu đồng đến 11,8 triệu đồng/năm, tùy chuyên ngành đào tạo.

Từ đó, có ý kiến cho rằng, học phí đại học tại Việt Nam phải tăng và tăng ở mức đảm bảo chi phí đào tạo được tính đúng của các trường đại học. Mặt khác, những khoản học bổng, hỗ trợ sinh viên cũng cần tăng cùng với học phí để đảm bảo nhóm sinh viên yếu thế có thể duy trì việc học.

Từ năm 2010, những cuộc tranh luận về cơ chế học phí của các trường đại học đã bắt đầu râm ran, tuy nhiên chúng lại chưa đề cập chi phí thực tế mà sinh viên phải trả trong quá trình học và họ sẵn sàng chi trả ở mức độ nào. Đây cũng là những câu hỏi mà bài báo “Investigating Vietnamese undergraduate students’ willingness to pay for higher education under the cost-sharing context” tìm kiếm câu trả lời. Bài báo vừa được công bố vào cuối tháng Tư trên tạp chí Policy Futures in Education (Q2 Scopus) thuộc nhà xuất bản SAGE.

Sử dụng dữ liệu về GDP đầu người, chi phí đầu tư trên đầu sinh viên của nhà nước, học phí trung bình ở các trường công ở 30 nước trên thế giới, TS Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia, và các cộng sự từng tính ra con số chi phí hợp lý ở Việt Nam trong năm 2013 là 56 triệu đồng/sinh viên và năm 2018 là 61 triệu đồng/sinh viên. Khảo sát do nhóm TS Hiệp thực hiện cho thấy, chỉ có một số chương trình tại các đại học tư, đại học quốc tế hoặc chương trình tiên tiến của Bộ GD&ĐT mới có mức chi phí đơn vị tương đương hoặc hơn so với mức hợp lý mà nhóm ước tính.

Thông qua khảo sát trực tuyến sinh viên trên địa bàn Hà Nội, nhóm tác giả đã thu thập những thông tin liên quan đến đặc điểm nhân khẩu học, kinh tế - xã hội cũng như chi phí giáo dục của các đối tượng tham gia. Trong số 285 sinh viên hoàn thành bảng khảo sát, 237 sinh viên (hơn 80%) đồng ý trả thêm học phí thay vì đi học thêm và đào tạo thêm bên ngoài, nếu trường đang theo học có thể cung cấp các khóa học tương tự ở cùng mức giá. Qua phân tích sâu nhóm sinh viên này, các tác giả giả định, chương trình đào tạo hiện nay của các trường đại học không đáp ứng được nhu cầu của sinh viên nên họ sẵn sàng chi trả thêm các khoản phí cho các lớp học thêm (tiếng Anh, kỹ năng mềm…) - hay nói cách khác, họ sẵn sàng chi trả thêm cho học phí tại các trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu của bản thân và đạt được lợi ích trong tương lai dưới góc nhìn kinh tế.

Phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) được sử dụng để phân tích các yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức chi trả học phí của sinh viên. Cuối cùng, nhóm tác giả sử dụng phân tích hồi quy bội nhằm ước tính mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tiềm ẩn được xác định thông qua phân tích nhân tố đối với tổng mức chi trả của sinh viên.

Kết quả cho thấy, trung bình một sinh viên hiện đang trả 27,09 triệu đồng mỗi năm cho chi phí đào tạo - bao gồm 17,64 triệu đồng học phí tại các trường đại học và 9,45 triệu đồng học phí ở các lớp học thêm. Có sự chênh lệch trong số tiền phải trả giữa nhóm sinh viên được Nhà nước hỗ trợ và nhóm sinh viên phải trả toàn bộ học phí; theo đó, nhóm sau có xu hướng chi ít hơn cho các lớp học thêm. Tuy nhiên, tổng mức phí chi trả của sinh viên không được Nhà nước hỗ trợ vẫn cao hơn so với sinh viên được Nhà nước hỗ trợ.

Khi các yếu tố liên quan đến học thuật - bao gồm giá trị giáo dục mà sinh viên cảm nhận được so với mức học phí hay kết quả học tập của sinh viên - càng cao thì mức độ sẵn sàng chi trả học phí của sinh viên càng thấp. Ngược lại, giới tính và các yếu tố liên quan đến kinh tế - bao gồm khả năng tiếp cận công việc bán thời gian, khả năng tiếp cận các chương trình cho vay, mức lương tương lai của chuyên ngành hoặc sự sẵn sàng hỗ trợ chi trả học phí của gia đình - không ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng chi trả của sinh viên.

Bên cạnh đó, các biến kiểm soát - như năm học, chuyên ngành, thu nhập bình quân hằng tháng của gia đình, loại hình đào tạo - có tác động lớn đến mức độ sẵn sàng chi trả của sinh viên. Cụ thể, sinh viên chuyên ngành kinh tế - kinh doanh có xu hướng chi trả nhiều hơn so với sinh viên các chuyên ngành khác. Sinh viên năm cuối có mức độ sẵn sàng chi trả thấp hơn so với sinh viên năm đầu. Ngoài ra, sinh viên có điều kiện kinh tế gia đình tốt sẵn sàng chi trả nhiều hơn so với sinh viên đến từ gia đình có điều kiện kinh tế thấp hơn. Đáng chú ý là cả hai đối tượng này đều không phản đối ý định tăng học phí của các đơn vị đào tạo đại học. Theo nhóm tác giả, đây là một kết luận phản trực giác, đối lập với niềm tin rằng tăng học phí dễ vấp phải phản đối từ các sinh viên có điều kiện kinh tế thấp.

Từ các phát hiện trên, nghiên cứu kết luận, không có sự khác biệt về mức độ sẵn sàng chi trả học phí của sinh viên được Nhà nước hỗ trợ và không được Nhà nước hỗ trợ. Điều này củng cố quan điểm nên đa dạng hóa các khoản học phí cho từng nhóm ngành, ví dụ như sinh viên thuộc nhóm ngành kinh tế - kinh doanh sẵn sàng chi trả nhiều hơn so với sinh viên các nhóm ngành khác, trong khi học phí của nhóm ngành này đang ở mức thấp nhất hiện nay. Tuy nhiên, để giảm thiểu sự thiếu công bằng trong tiếp cận tri thức khi học phí đại học tăng, cần có thêm những quy định đi kèm về hỗ trợ học phí, hỗ trợ vay vốn ngân hàng dành cho sinh viên và lộ trình tăng học phí cần được thiết kế linh hoạt. Bên cạnh đó, do sinh viên các trường đại học khác nhau có mức độ sẵn sàng chi trả học phí khác nhau, các trường và các cơ sở đào tạo cần có những khảo sát tương tự của riêng mình để xem xét mức học phí hợp lý cho từng khối ngành trong trường. Một điểm cần lưu ý là mức độ sẵn sàng chi trả của sinh viên không thể là cơ sở duy nhất để xác định học phí bởi sự phức tạp về chính sách cũng như vai trò của học phí trong giáo dục đại học. Do đó, cần nghiên cứu thêm những khía cạnh khác của vấn đề học phí đại học tại Việt Nam để có góc nhìn toàn diện hơn.