Từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20, các nhà săn tìm thực vật đã đi khắp thế giới, từ rừng sâu nhiệt đới cho đến những vùng núi cao hiểm trở, mang về quê hương những loài cây mới quý hiếm, làm phong phú thêm cảnh quan và mở ra kỷ nguyên mới cho nông nghiệp và y học.

Ảnh đồ họa: Quốc Hùng.
Ảnh đồ họa: Quốc Hùng.

Trong cuốn “La Suma de Geografía” (Địa lý tổng hợp) được xuất bản vào năm 1519, nhà địa lý người Tây Ban Nha Martín Fernández de Enciso đã viết về những trải nghiệm của ông ở châu Mỹ, ông đã mô tả một loại trái cây mới có hương vị thơm ngon. Ông viết rằng: “Khi chín, nó chuyển sau màu vàng. Phần thịt bên trong có vị giống như bơ, rất ngon và dễ chịu”.

Khi quả bơ lần đầu tiên xuất hiện tại Mỹ vào thế kỷ 19, người dân gọi chúng là “lê cá sấu”. Trong khi đó, các nhà thực vật học đặt tên cho chúng là Persea americana, theo danh pháp hai phần bao gồm chi (genus) và loài (species) do nhà khoa học người Thụy Điển Carl Linnaeus đề xuất vào thế kỷ 18. Hệ thống phân loại của Linnaeus đã đặt nền móng, giúp phân loại các loài thực vật và động vật trong tự nhiên.

Và thời kỳ hoàng kim của việc săn tìm thực vật mới đã bắt đầu diễn ra. Nhà tự nhiên học người Anh Joseph Banks đã đi cùng thuyền trưởng nổi tiếng James Cook vào thế kỷ 18, mang về các mẫu thực vật từ Nam Mỹ, New Zealand và Úc.

Bất chấp những định kiến về giới tính và truyền thống săn tìm thực vật do nam giới thống trị, nữ khoa học gia giàu có Marianne North đã du hành khắp thế giới suốt 14 năm (1871-1884), ghi chép lại các loài thực vật mới thông qua những bức tranh của mình. Bộ sưu tập tuyệt đẹp của bà gồm hơn 800 bức tranh đang được trưng bày tại Vườn thực vật Kew ở London.

Trong một bài viết trên tạp chí Popular Science vào tháng 11/1922, tác giả E.L.Jones đã ghi chép lại những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người đi săn thực vật vào đầu thế kỷ 20 nhằm đưa những loài cây mới và đầy tiềm năng trở về Mỹ, chẳng hạn như quả bơ Guatemala (một loại trái cây bổ dưỡng hơn bánh mì hoặc gạo), hoặc quả mâm xôi khổng lồ thơm ngon, có chiều dài lên tới 6,3cm.

Jones đã nêu bật ký kiến của Henry C. Wallace, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ lúc bấy giờ, về lợi ích kinh tế từ việc nhập khẩu và trồng các giống cây mới ở Mỹ, chẳng hạn như giống cam navel từ Brazil: “Tiểu bang California (Mỹ) lúc đó có thể bán ra hơn 13 triệu thùng cam navel mỗi năm, sau khi đưa giống cam này từ Brazil vào trồng trên quy mô lớn”, Jones viết. Một thế kỷ sau, con số này đã tăng lên 74 triệu thùng, theo Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA).

Jones thậm chí còn đề cập đến một số người săn tìm thực vật sẵn sàng hy sinh để khám phá những loài chưa biết, chẳng hạn như Frank N. Meyer – người đã làm việc cho USDA hơn một thập kỷ với vai trò là “Nhà thám hiểm Nông nghiệp” của Văn phòng Giới thiệu Hạt giống và Cây trồng nước ngoài. Meyer đã dành phần lớn thời gian để khám phá các vùng đất ở Nga và Trung Quốc nhằm thu thập các loài thực vật mới cho Mỹ.

“Meyer đã đi bộ một mình hơn 16.000km để tìm kiếm những loài cây quý giá. Ông thậm chí từng phải chiến đấu chống lại những kẻ cướp trên đường đi”, Jones viết. “Cuối cùng, Meyer đã qua đời vào năm 1918 do chết đuối trên sông Dương Tử trong một chuyến thám hiểm săn tìm thực vật”. Cho đến lúc đó, Meyer đã thu thập và chuyển về cho nước Mỹ hàng nghìn loài thực vật mới phục vụ canh tác nông nghiệp, mang lại lợi ích đáng kể cho nhiều nông dân.

Mặc dù thời kỳ vàng son của việc săn tìm thực vật đã giúp phát hiện và phân loại một lượng lớn các loài thực vật trên Trái đất, nhưng nó cũng có những mặt tối. Trong nhiều thế kỷ, các đế quốc hùng mạnh đã thu gom nhiều loại cây trồng quý giá từ các vùng đất khác nhau để trồng ở những nơi mà họ kiểm soát, chẳng hạn như các đảo trên vùng biển Caribe. Họ thường tận dụng lao động nô lệ và thu lợi từ đó.

Ngày nay, Nghị định thư Nagoya về Quyền Tiếp cận và Chia sẻ Lợi ích ngăn chặn việc chiếm đoạt “tài nguyên sinh học” của các quốc gia. Các nhà săn tìm thực vật vẫn có thể tìm kiếm những loài trên khắp thế giới, một hoạt động hiện tại được gọi là khảo sát sinh học, nhưng họ phải chia sẻ bất kỳ lợi ích nào với các quốc gia là quê hương của những loài cây này.

Cơn sốt của việc khám phá các loài thực vật mới đã kết thúc cách đây hơn một thế kỷ. Ở thời điểm hiện tại, những người săn tìm thực vật chủ yếu là các nhà thực vật học và các nhà làm vườn. Họ tập trung vào việc bảo vệ các loài nguy cấp và tìm kiếm những cây có tác dụng chữa bệnh để điều chế thuốc.

Trong một báo cáo vào năm 2023, Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew (Anh) đã công bố danh sách đầu tiên về các loài thực vật có mặt trên thế giới, bao gồm 350.386 loài thực vật đã được biết đến. Trong báo cáo này, các nhà nghiên cứu ước tính có ít nhất 15% số loài thực vật trên thế giới vẫn chưa được phát hiện và ghi nhận. Gần một nửa số loài thực vật có hoa đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Trong cuốn sách “The Plant Hunter: A Scientist’s Quest for Nature’s Next Medicines” (Thợ săn thực vật: Cuộc tìm kiếm những loại thuốc mới từ thiên nhiên của một nhà khoa học) được xuất bản vào năm 2022, nhà thực vật học Cassandra Quave đã tìm ra các loại thuốc tiềm năng bằng cách khám phá những loại cây thuốc được sử dụng ở những cộng đồng hẻo lánh trên toàn thế giới. Trong phòng thí nghiệm tại Đại học Emory (Mỹ), Quave đã nghiên cứu hơn 750 loài thực vật. Cô viết: “Chúng tôi tìm đến những loại thuốc từ thiên nhiên mà mọi người đã sử dụng và phân tích thành phần hóa học của chúng để xác định các phân tử có tính chất dược lý”.

Quave ước tính khoảng 35.000 loài thực vật có thể dùng làm thuốc trên Trái đất. Trong số này, chỉ một phần nhỏ được kiểm tra kỹ lưỡng trong các phòng thí nghiệm để hiểu đầy đủ về thành phần hóa học của chúng.

Ngày nay, bất kỳ ai dám mạo hiểm đi vào những vùng hẻo lánh trên thế giới, chẳng hạn như rừng rậm Amazon, để tìm kiếm những loài cây mới chắc hẳn sẽ phải chịu đựng ít nhiều những khó khăn mà các nhà săn tìm thực vật trước đây từng trải qua. Đó có thể là những con đường cheo leo trên vách núi, di chuyển bằng xuồng trên sông, bắt gặp sinh vật có độc trong rừng, thiếu nước uống,...và nhiều thách thức khác về mặt thể chất.

Ngay từ năm 1922, Jones đã than phiền rằng những người săn tìm thực vật không được đánh giá cao. “Mục tiêu duy nhất của các nhà săn tìm thực vật vào đầu thế kỷ 20, sau bao nhiêu gian khổ và thiếu thốn, chỉ là tìm ra một loài cây mới. Họ hy vọng loài cây này có thể được sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng cường nguồn lương thực và làm giàu cho đất nước”.

Có lẽ những người săn tìm thực vật ngày nay vẫn chưa được trân trọng đúng mức, nhưng nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, tập trung vào việc cải thiện phúc lợi chung của nhân loại khi tìm kiếm các loài cây tiềm năng.

Theo: Popular Science

Đăng số 1315 (số 43/2024) KH&PT