Sản phẩm do nhóm sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM điều chế từ chất tiết của tế bào gốc.

Chất tiết từ tế bào gốc này có tên exosome, đã được giới khoa học chứng minh hiệu quả trong điều trị các bệnh tắc nghẽn mạch máu, vỡ mạch máu với bệnh đột quỵ và một số bệnh khác như tiểu đường, tim mạch, miễn dịch,... Từ cơ sở này, nhóm đã xây dựng quy trình nuôi cấy exosome, bổ sung các chất để tạo ra viên nang dạng uống.

Thuốc vào cơ thể sẽ đi qua thành ruột vào mạch máu và di chuyển tới não. Exosome có thể vượt qua hàng rào mạch máu não, kích thích tế bào bị tổn thương, tái tạo mạch máu mới và cứu sống các tế bào thần kinh. Điều này giúp thúc đẩy hình thành thần kinh và mạch máu mới cho bệnh nhân đột quỵ.

Ngoài giải Nhất 20 triệu đồng, Ban tổ chức còn trao giải nhì (10 triệu đồng) cho Dự án “Hệ thống đồng nuôi cấy giữa tế bào nhu mô gan và biểu mô ống mật trong sản xuất mật gấu” của nhóm sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM.

Theo nhóm nghiên cứu, mật gấu là phương thuốc dân gian được sử dụng phổ biến ở các quốc gia. Tuy nhiên, quy trình thu nhận mật gấu truyền thống vướng phải một số vấn đề về đạo đức sinh học và quyền động vật. Do đó, việc phân lập và nhân dòng các tế bào gốc trung mô có nguồn gốc từ gấu Ursidae trong sản xuất dịch mật là hoàn toàn cần thiết.

Theo đó, nhóm phân lập và tinh sạch các hợp chất có hoạt tính sinh học, từ hệ thống đồng nuôi cấy giữa tế bào nhu mô gan và tế bào biểu mô ống mật (được tạo ra từ quá trình biệt hóa in vitro của TBG trung mô). Qua đó, thu được hỗn hợp acid mật và muối mật có độ tinh sạch cao.

Nhóm sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM đoạt giải Nhất.  Ảnh: BTC
Nhóm sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM đoạt giải Nhất. Ảnh: BTC

Ý tưởng đoạt giải Ba (5 triệu đồng) thuộc về dự án “Kính áp tròng chứa exosome giúp phòng chống biến chứng mù ở bệnh nhân quáng gà” của nhóm học sinh trường Phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM và THPT Trần Đại Nghĩa.

Với ý tưởng này, nhóm đã phân lập và nuôi cấy tế bào biểu mô sắc tố võng mạc, để thu dung dịch exosome. Sau đó ngâm kính áp tròng vào dung dịch này, kính được sử dụng nhằm giảm nguy cơ mù màu và mù lòa cho người bị quáng gà.

Ngoài ra, Ban tổ chức trao còn 9 giải khuyến khích (1 triệu đồng/giải) cho các nhóm dự thi và các video giới thiệu có lượt yêu thích cao nhất.

Các nhóm dự thi đạt giải cao được tài trợ các khóa ươm tạo, đào tạo, thực tập để nuôi dưỡng đam mê, biến ý tưởng thành sản phẩm tại Viện Tế bào gốc.

Cuộc thi Sáng tạo tế bào gốc do Viện tế bào gốc thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM tổ chức thường niên từ năm 2012, dành cho học sinh, sinh viên yêu thích lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học, y học, các lĩnh vực có liên quan đến tế bào, tế bào gốc trên người và động vật trên cả nước.

Cuộc thi năm nay thu hút hơn 260 dự án của các đội đến từ 30 trường đại học và 20 trường THPT trên toàn quốc. Sau các vòng loại, Ban tổ chức chọn chọn 10 dự án vào vòng chung kết diễn ra ngày 3/12 tại Bình Dương.