Nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM, đã nuôi cấy hai loại tế bào gốc trung mô và biểu mô từ nang tóc người, có thể dùng làm nguyên liệu để phát triển các sản phẩm phục hồi, phát triển và ngăn ngừa rụng tóc.
Rụng tóc là hiện tượng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, ngoại hình và tâm lý người bệnh. Mặc dù cơ chế rụng tóc vẫn chưa được phát hiện rõ ràng nhưng hiện tượng chung là sự teo nang tóc theo thời gian. Trong nang tóc có chứa các loại tế bào gốc nang tóc và tế bào nhú bì. Hai loại tế bào này liên quan mật thiết với nhau và đóng vai trò tái tạo nang tóc, kiểm soát chu kỳ tăng trưởng của tóc.
Các dòng tế bào này nếu bị tác động, suy giảm số lượng lẫn chất lượng, sẽ dẫn tới hiện tượng teo nang tóc và mất tóc trong nang. Việc sở hữu tế bào gốc nang tóc, là nền tảng cơ bản đối với những nghiên cứu về phục hồi và phát triển nang tóc. Tuy nhiên, nguồn tế bào nang tóc thương mại hiện nay vẫn chưa phổ biến trên thế giới.
Nhận thấy việc phân lập và nuôi cấy tế bào gốc nang tóc tại Việt Nam là rất cần thiết, giúp chủ động nguồn tế bào gốc nang tóc, nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM đã thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình phân lập, nuôi cấy tế bào gốc nang tóc người và đánh giá khả năng tăng sinh của chúng dưới tác dụng của phycocyanin”.
Theo nhóm nghiên cứu, nhiều hoạt chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên có thể chữa trị rụng tóc như vitamin C, huyết tương giảm tiểu cầu, caffeine,... Ngoài ra, có thể sử dụng những hợp chất tổng hợp như minoxidil, finasteride,… Tuy nhiên, hiệu quả của các loại thuốc này không đồng nhất giữa các bệnh nhân và đa phần đều có tác dụng phụ.
Trong khi đó, phycocyanin là một protein có khả năng chống oxi hóa mạnh trong tảo Spirulina, được ứng dụng chữa trị rụng tóc và kích thích tăng sinh tế bào gốc nang tóc, giúp ngăn chặn hiện tượng teo nang tóc. Do vậy, nhóm thực hiện tiến hành phân lập và nuôi cấy tế bào gốc biểu mô (HF-EpSC); tế bào gốc trung mô (HF-MSC); tế bào trung mô ở dưới đáy nang tóc, hay tế bàonhú bì (HF-DPC). Đồng thời, đánh giá tác động của phycocyanin chiết xuất từ tảo Spirulina lên tế bào gốc và tế bào nhú bì nang tóc người.
Theo đó, nang tóc được thu từ vùng da cắt bỏ của bệnh nhân ở Bệnh viện Quân y 7A hoặc bằng kỹ thuật sinh thiết đục lỗ từ những người tình nguyện. Các mẫu nang tóc được lựa chọn theo tiêu chuẩn như được xét nghiệm âm tính với HIV, HBV, mẫu da nguyên vẹn, chứa biểu bì,...
Quá trình nuôi cấy tế bào gốc biểu mô HF-EpSC cho thấy, ở ngày thứ 4 – 7 nuôi cấy, tế bào bắt đầu xuất hiện và bám trên bề mặt nuôi cấy, hình dạng tế gần giống với hình thoi. Quần thể tế bào tiếp tục phát triển cho đến ngày 21 – 28, đạt mật độ 70 – 90%. Đánh giá đặc điểm của HF-EpSC cho thấy, có đặc trưng của tế bào biểu mô, biểu hiện đặc trưng tế bào gốc nang tóc người và có khả năng biệt hóa thành tế bào sừng.
Đối với tế bào gốc trung mô HF-MSC, sau 14 ngày nuôi cấy, các tế bào từ vùng vỏ nang tóc đã mọc và bám trải trên vùng nuôi cấy. Những tế bào này có dạng hình thon dài, giống hình dạng của nguyên bào sợi. Sự tăng sinh của tế bào này được ghi nhận rõ ràng ở ngày 21.
Để phân lập và nuôi cấy tế bào nhú bì HF-DPC, nang tóc chứa phần nhú bì được thu nhận từ phía dưới đáy nang chân tóc. Sau 7 ngày nuôi cấy, tế bào mọc ra có dạng hình thoi dài giống nguyên bào sợi. Sau 14 ngày, tế bào bao phủ hơn 90% bề mặt nuôi cấy. Tế bào này có các đặc điểm đặc trưng như giống tế bào gốc trung mô.
Nhóm cũng chiết xuất phycocyanin từ tảo Spirulina dưới dạng bột, để sử dụng đánh giá tác động của phycocyanin lên tế bào gốc và tế bào nhú bì nang tóc. Kết quả thử nghiệm cho thấy, phycocyanin là một chất có độc tính thấp, khi được sử dụng ở dãy nồng độ từ 0 – 200 µg/ml không ức chế sự tăng sinh tế bào. Tế bào gốc nang tóc người tăng sinh mạnh khi xử lý với phycocyanin, ở các nồng độ thử nghiệm từ 0 – 200 µg/ml. Tỉ lệ tế bào sống ở các nồng độ đều cao hơn so với nhóm đối chứng (không xử lý với phycocyani), cao nhất là nhóm xử lý với phycocyanin nồng độ 75 µg/ml. Kết quả này là cơ sở để ứng dụng chế phẩm phycocyanin trong các sản phẩm kích thích mọc tóc dạng nhũ, gel, serum hoặc dầu ủ.
Theo nhóm nghiên cứu, các tế bào gốc trung mô HF-MSC ở thân nang sẽ phát triển thành các nhóm tế bào vỏ nang tóc. Các tế bào gốc biểu mô HF-EpSC sẽ phát triển thành tế bào sừng, giúp tiết chất keratin tạo nên sợi tóc. Phần tế bào nhú bì HF-DPC có vai trò tạo tín hiệu kích hoạt chu kỳ phát triển nang tóc. Nguồn các tế bào này có thể dùng làm nguyên liệu để phát triển các sản phẩm phục vụ cho những người bị rụng tóc, hói đầu hoặc có mong muốn tóc được khỏe mạnh.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.