Một nhóm nghiên cứu tại Trường y khoa Weill Cornell Medicine vừa thành công trong việc lấy tế bào gốc từ dạ dày người và biến chúng thành các tế bào sản xuất insulin – có khả năng phản ứng trước sự thay đổi của nồng độ glucose trong máu giống như những tế bào tuyến tụy khỏe mạnh.

Mặc dù y học chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh tiểu đường nhưng nó được cho là một phản ứng tự miễn dịch của cơ thể khi tấn công và phá hủy các tế bào beta (sản xuất insulin) trong tụy, khiến chúng ngừng hoặc không sản xuất đủ insulin. Giới nghiên cứu bấy lâu nay đã thực hiện rất nhiều nỗ lực hòng tìm cách “chữa khỏi” bệnh tiểu đường bằng liệu pháp tế bào gốc – ý tưởng là tạo ra những tế bào sản xuất insulin thay thế cho các tế bào beta bị hệ thống miễn dịch phá hủy.

.

Phần lớn bệnh nhân tiểu đường nặng trên thế giới đang sống phụ thuộc vào việc tiêm insulin.

Tế bào gốc dạ dày được ghi nhận là có khả năng thúc đẩy sự tái tạo mạnh mẽ của lớp niêm mạc ruột, đồng thời có thể phát triển thành nhiều mô đặc thù và nhất là tế bào enteroendocrine (EECs) tiết hormone. Việc có thể tạo ra những tế bào EECs tiết insulin thay thế cho các tế bào beta, hứa hẹn sẽ mang đến hy vọng cho những bệnh nhân tiểu đường type 1 và cả type 2.

GS. Joe Zhou, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Các tế bào gốc dạ dày và tuyến tụy có mối liên hệ mật thiết ngay từ giai đoạn thai nhi phát triển. Vì thế, ở một khía cạnh nào đó thì chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên nếu tế bào gốc dạ dày có thể chuyển hóa thành những tế bào có chức năng giống tế bào beta”. Đây là hướng nghiên cứu đã được ông theo đuổi trong suốt 15 năm qua với vô số thử nghiệm trên chuột.

Theo ước tính, toàn thế giới có khoảng 8,4 triệu người sống chung với bệnh tiểu đường type 1 vào năm 2021, con số này đến năm 2040 dự kiến sẽ tăng lên gần 17,4 triệu; và phương án điều trị duy nhất cho đến giờ vẫn là tiêm insulin bổ sung. Việc cấy ghép các tế bào có chức năng tiết insulin được tạo ra từ tế bào gốc của bệnh nhân sẽ là một giải pháp tự nhiên hơn và giúp giảm thiểu những phản ứng tiêu cực (đào thải) do cấy ghép.

.

Các cơ quan bào (organoid) do tế bào gốc dạy dày phát triển thành được nhóm nghiên cứu sử dụng để kiểm chứng mức độ phản ứng trước sự thay đổi của nồng độ glucose trong máu.

Thời gian tới, nhóm của GS. Zhou sẽ tiếp tục hoàn thiện và tối ưu hóa phương pháp trước khi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Một ưu tiên nữa là các tế bào cần được chỉnh sửa để trở nên ít nhạy cảm hơn trước những đợt tấn công của hệ thống miễn dịch.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Cell Biology.