“Vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh” là một cuốn sách hữu ích cho những người muốn hiểu về viễn cảnh đất nước trong vòng 20 năm tới để từ đó khám phá những cơ hội mới.

Tọa đàm ra mắt cuốn sách Vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 2/12/2023. Ảnh: NH
Tọa đàm ra mắt cuốn sách Vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 2/12/2023. Ảnh: NH

Các vấn đề của Việt Nam ngày nay

Sáng ngày 2/12, tại hội trường Ngụy Như Kon Tun (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã diễn ra tọa đàm ra mắt sách Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh - một ấn phẩm có sự góp mặt của 23 tác giả uy tín, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và phát triển.

GS. Trần Văn Thọ (giáo sư danh dự ĐH Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản), đồng chủ biên cuốn sách, nói rằng cuốn sách ra đời vì hai mục đích.

Thứ nhất, vì thế hệ ông và những người đã lớn tuổi như ông vẫn luôn trăn trở với mục tiêu “Việt Nam trở thành một nước thu nhập cao vào năm 2045”. Cuốn sách được viết ra nhằm góp phần lý giải và trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để đạt được mục tiêu đó?”.

Mục đích thứ hai của cuốn sách, mang tính riêng tư hơn, là dành tặng cho hai người bạn mà ông gọi là hai “nữ lương kinh tế” của Việt Nam: nhà kinh tế Phạm Chi Lan và nhà báo Vũ Kim Hạnh.

Bà Phạm Chi Lan từng giữ chức Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trước khi trở thành thành viên Ban Nghiên cứu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cố Thủ tướng Phan Văn Khải (từ năm 1996 – 2006). Nhà báo Vũ Kim Hạnh là người khởi xướng và hiện vẫn đang gắn bó với chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao dưới cương vị chủ nhiệm CLB từn năm 1996 đến nay.

Cả hai bà đều là những người hoạt động xã hội nổi bật với nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam suốt từ những năm 1990 đến nay, và đã làm sáng lên trong tư tưởng và hành động của nhiều cuộc đổi mới về thể chế, chính sách cũng như cách làm đối với doanh nghiệp tư nhân.

Cuốn sách bắt đầu bằng việc đưa ra những góc nhìn sâu sắc về cải cách tổ chức Nhà nước và quy trình xây dựng chính sách. Các tác giả không chỉ phân tích vấn đề mà còn đề xuất những hướng đi mới để tối ưu hóa hiệu quả hệ thống chính trị. Chẳng hạn, có những rào cản khiến doanh nghiệp Việt Nam “không lớn nổi”, vậy làm sao để có thể hạ thấp những rào cản đó để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm số lượng lớn (98%) trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Phần 2 tập trung vào nông nghiệp, doanh nghiệp, và lao động. Các vấn đề quan trọng như liên kết tam nông, khởi nghiệp, và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được đặt ra và giải quyết trong phạm vi từng bài viết. Đồng thời, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cũng được nhấn mạnh để đảm bảo sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực. Một trong những thông điệp nổi bật nhất của phần này là cần phải tạo ra thật nhiều "doanh nông" hay doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, có khả năng kinh doanh linh động và nắm bắt các cơ hội thị trường, thay vì các nông dân vốn chỉ quen với khâu sản xuất trồng trọt như trước kia.

Phần 3 đề cập vấn đề hội nhập và tận dụng nguồn lực ngoại lực, định vị vai trò của nước ta trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong các bài viết, các tác giả đều đề xuất các giải pháp để tối ưu hóa cơ hội từ hội nhập quốc tế và tận dụng nguồn lực ngoại lực. Chẳng hạn, mặc dù khu vực FDI đang chiếm tỷ trọng khổng lồ (50-70%) trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, nhưng mối liên hệ giữa các doanh nghiệp nước ngoài này với doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu, mà nguyên nhân chủ yếu nằm ở phía doanh nghiệp Việt còn yếu kém. Vậy làm sao để doanh nghiệp nội địa có thể nâng cao vị thế và đồng hành được với các doanh nghiệp nước ngoài để đi xa hơn?

Sách Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh. Ảnh: NXB

Phần 4 nói về khía cạnh phát triển bền vững và bao trùm. Mặc dù số lượng bài viết ở phần này được các tác giả thừa nhận là “còn ít” và “có thể phát triển thêm nhiều nội dung”, nhưng cũng đủ cung cấp góc nhìn đa chiều về những giá trị nền tảng mà nền kinh tế Việt Nam cần phải nắm bắt được trong tương lai - như sự công bằng trong phân phối thu nhập, mối quan tâm đến sức khỏe và y tế công cộng; phát triển đô thị hài hòa với thiên nhiên, sự bình đẳng giới, và nhân văn trong xã hội.

Nói chung, nhiều đề tài của cuốn sách không mới nhưng vẫn rất thời sự và quan trọng đối với viễn cảnh 2045. Những giải pháp cụ thể và thiết thực mà các tác giả đưa ra có thể là nguồn cảm hứng cho những ai quan tâm đến nền kinh tế Việt Nam hiện nay và chuẩn bị cho tương lai.

Động lực từ thế hệ trẻ

Trong buổi ra mắt sách, các diễn giả đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam trên hành trình trở thành chủ nhân của đất nước vào năm 2045.

“Các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên đang ở độ tuổi 20-25 hiện nay, sẽ thực sự những động lực chính quyết định xem đất nước có đạt được vị thế dân giàu, nước mạnh sau 20 năm nữa hay không”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh. “So với thời chúng tôi, các bạn trẻ ngày nay có khả năng tiếp cận thông tin tốt hơn, có thể học hỏi từ hàng triệu người thầy trên thế giới và chọn lọc được những cách tiếp cận mới mà thời chúng tôi không dễ biết được, thậm chí vì thế mà chúng tôi bị bỏ lỡ thời cơ”.

Tương tự, bà Vũ Kim Hạnh bày tỏ chúng ta có nhiều điểm để hi vọng. Bà chỉ ra sự tương phản trong một số ngành để minh chứng cho năng lực thay đổi của thế hệ kinh doanh mới. Chẳng hạn, ở ngành thời trang, trong khi các công ty may ở TPHCM với hơn 4.000 công nhân giờ đang phải cắt giảm lao động chỉ còn 1/10 vì không thể theo kịp tiêu chuẩn xanh của thế giới để có được các đơn hàng, thì cũng ngay tại nơi này, các bạn trẻ Gen Z đang tạo ra các thương hiệu thời trang riêng (local brand) và làm ra sản phẩm để chinh phục một thế hệ người tiêu dùng mới.

Khi nói về viễn cảnh Việt Nam "giàu mạnh", chuyên gia lịch sử Trần Hữu Phước Tiến, đồng chủ biên của cuốn sách, cho rằng sự giàu có không gói gọn trong giàu có về tiền bạc hay trí tuệ, mà còn phải giàu về văn hóa.

“Văn hóa chính là quyền lực mềm của đất nước, và thực ra văn hóa cũng là môi trường để các bạn trẻ khởi nghiệp rất tốt. Chúng ta không chỉ cần khuyến khích các bạn trẻ học về chip, về công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, mà cũng cần học hỏi về Việt Nam như một môn học thực sự có ích”, ông tâm sự.