Thậm chí các nhà nghiên cứu lo lắng kinh phí còn bị cắt giảm nhiều hơn bởi trong quá khứ, các chính phủ cánh hữu có xu hướng cắt giảm đáng kể chi tiêu cho khoa học.
Cuộc tổng tuyển cử ở Ý vào ngày 25/9 đã dẫn đến chiến thắng cho liên minh cánh hữu, đưa nhà lãnh đạo cực hữu Giorgia Meloni trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của một quốc gia nơi hầu hết nam giới nắm giữ các vị trí chính trị hàng đầu.
Nhưng giới nghiên cứu không có nhiều hi vọng chính phủ mới sẽ thúc đẩy hệ thống nghiên cứu vốn đang thiếu hụt kinh phí của Ý. Một số nhà nghiên cứu còn lo lắng rằng các vấn đề như biến đổi khí hậu sẽ không nhận được sự quan tâm xứng đáng.
Khoa học ít xuất hiện trong các chiến dịch tranh cử, bao gồm cả chiến dịch của liên minh chiến thắng. Thậm chí, tới lúc này khi liên minh cánh hữu chuẩn bị thành lập chính phủ mới, vẫn chưa có ai được đề xuất làm lãnh đạo Bộ Đại học và Nghiên cứu - cơ quan tài trợ nghiên cứu quan trọng của Ý.
Vấn đề kinh phí
Ý chỉ chi khoảng 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho nghiên cứu và phát triển, tụt hậu so với mức trung bình khoảng 2,2% của các nước Liên minh châu Âu. Hầu hết kinh phí nghiên cứu đến từ ngành công nghiệp, đầu tư công chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP của Ý. Từ năm 2008 đến 2019, khoảng 14.000 nhà nghiên cứu Ý đã rời đất nước – một xu hướng có thể phần nào do tình trạng cắt giảm ngân sách nghiên cứu.
Một số nhà nghiên cứu hiện lo lắng rằng chính phủ mới còn cắt giảm tài trợ cho nghiên cứu công nhiều hơn nữa. Nhà kinh tế học Mario Pianta tại Scuola Normale Superiore, Florence, cho biết: “Các chính phủ cánh hữu trong quá khứ đã cắt giảm đáng kể chi tiêu cho khoa học”. Theo ông, chính phủ của bà Meloni sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn: nền kinh tế Ý đang chao đảo bởi chi phí năng lượng cao, lạm phát bùng nổ và nợ công tăng. Trong bối cảnh này, Pianta cho rằng, “việc cắt giảm chi tiêu cho nghiên cứu dễ đạt được đồng thuận về mặt chính trị hơn so với các đợt cắt giảm chi tiêu công khác”.
Một nhóm đặc nhiệm do chính phủ trước thành lập đã phát triển một kế hoạch nghiên cứu cơ bản, khuyến nghị tăng nguồn tài trợ công và thay đổi cách phân bổ ngân sách, bằng cách lập ra một cơ quan đánh giá các đề xuất dự án và “hoạt động theo các tiêu chuẩn quốc tế”. Bà Meloni cũng hứa hẹn một chiến lược tài trợ cho nghiên cứu trong 10 năm. Nhà kinh tế Alberto Baccini tại Đại học Siena, cho biết đây sẽ là một thay đổi đáng hoan nghênh, bởi vì nguồn tài trợ cho khoa học ở Ý rất thất thường và có xu hướng thiếu kế hoạch dài hạn. Tuy nhiên, ông nói thêm "nếu không tăng thêm kinh phí thì việc lập kế hoạch dài hạn sẽ không tạo ra nhiều khác biệt".
Bên cạnh đó, chính phủ trước cũng tìm cách sử dụng một phần ngân quỹ phục hồi đại dịch từ Liên minh Châu Âu để thúc đẩy khoa học Ý - theo kế hoạch, con số được phân bổ cho khoa học vào vào khoảng 11 tỷ euro. Trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Meloni cho biết có ý định "cập nhật" kế hoạch đó, giữa lúc giá cả tăng cao do chiến tranh ở Ukraine. Và các nhà nghiên cứu lo ngại một phần ngân sách nghiên cứu có thể sẽ bị chuyển sang chỗ khác - để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định hoặc hướng tới các ngành công nghiệp như du lịch.
Một số người còn lo ngại về thái độ của bà Meloni với các nhà khoa học. Mặc dù chính sách ngăn chặn và giãn cách xã hội đã thể hiện tầm quan trọng trong việc hạn chế lây truyền COVID-19 và giảm số ca nhập viện, nhưng tháng trước, bà Meloni vẫn chỉ trích những biện pháp hạn chế được áp dụng ở Ý.
Mối quan tâm về khí hậu
Trước cuộc bầu cử, tất cả các đảng chính trị lớn của Ý, bao gồm cả Đảng Những người anh em Italy do bà Meloni đứng đầu, đã đồng ý thành lập một hội đồng cố vấn để đánh giá các vấn đề khí hậu và môi trường, đồng thời tư vấn cho chính phủ mới.
Nhưng những vấn đề này dường như không phải là ưu tiên hàng đầu đối với Đảng của bà Meloni. Trong một phân tích độc lập về cam kết của các đảng đối với khí hậu và môi trường, Đảng Những người anh em Italyxếp hạng chót. Nhà khoa học khí hậu Stefano Caserini tại Đại học Bách khoa Milan, người đứng đầu phân tích, cho biết những lời hứa mà đảng này đưa ra về các ứng phó thực tiễn đối với cuộc khủng hoảng khí hậu là “không đủ”. Ông nói thêm: “Nhu cầu từ bỏ nhiên liệu hóa thạch không rõ ràng”.
Trong tuyên ngôn bầu cử, bà Meloni đề cập sẽ có ưu đãi cho các giải pháp đổi mới nông nghiệp. Các nhà di truyền học nông nghiệp hy vọng rằng các kỹ thuật chỉnh sửa gen, có thể giúp cây trồng tăng khả năng chống chịu với bệnh tật và điều kiện môi trường thay đổi, sẽ không còn bị hạn chế ứng dụng ở Ý. Theo nhà di truyền học thực vật Enrico Pè tại Trường Nghiên cứu nâng cao Sant’Anna ở Pisa, những kỹ thuật này có thể giúp nông nghiệp năng suất và bền vững hơn. Tuy nhiên, ông cho biết các kế hoạch của bà Meloni không đưa ra các đề xuất cụ thể.
Nguồn: