Gần 62% người dân Chile bỏ phiếu chống bản dự thảo hiến pháp do những nhà nghiên cứu soạn thảo với những ưu tiên về chính sách kinh tế, khí hậu, môi trường, khoa học và quyền của người bản địa, khiến nhiều nhà khoa học thất vọng.

Ngày 4/9/2022, người Chile bỏ phiếu và loại bỏ một bản dự thảo Hiến pháp do một nhóm người gồm 155 thành viên, phần lớn là nhà khoa học, soạn thảo bản hiến pháp mới với mong muốn thiết lập đất nước Chile là “quốc gia sinh thái”, “quốc gia đa sắc tộc”…, trong đó đề xuất việc chính phủ phải đầu tư cho KH&CN – điều tối quan trọng với một quốc gia trong suốt một thập kỷ qua đầu tư cho khoa học luôn luôn ít hơn 0,4% GDP. Không chỉ có vậy, dự thảo còn có thêm những quy định về các giải pháp KH&CN có thể hữu dụng trong việc cải thiện đời sống người Chile.

Phòng thí nghiệm Khám phá Hành tinh và Vũ trụ (LEEP) của Đại học Chile
và Đại học Santiago, Chile.

Bản dự thảo được xây dựng để phi tập trung hóa nghiên cứu. “Các trường đại học lớn nhất đều nằm ở thủ đô Santiago”, Ximena Báez, chủ tịch Hiệp hội các nhà nghiên cứu sau đại học quốc gia, nói, “vì các trường này đều là những trường nhận được tỉ lệ phần trăm các nguồn lực đầu tư cao nhất”. Bản dự thảo cũng ngụ ý nhà nước tạo các điều kiện cần thiết để phát triển khoa học khắp Chile cũng như trao quyền tự do cho nghiên cứu, theo nhận xét của nhà xã hội học José Ortiz Carmona, có thể ngăn chặn xảy ra tình trạng “áp lực quá mức” từ các nhân vật có ảnh hưởng về kinh tế, chính trị lên khoa học.

Một trọng tâm khác của dự thảo là giáo dục. Bắt đầu từ những năm 1980, Chile ban hành các chính sách ủng hộ giáo dục tư. Điều đó dẫn đến kết quả là một hệ thống “bất bình đẳng, phân lớp và không hiệu quả một cách sâu sắc”, theo nhận xét của Cristián Bellei Carvacho, một nhà nghiên cứu giáo dục tại trường Đại học Chile ở Santiago. Bản dự thảo hiến pháp mới, theo cái nhìn của ông, có thể đảo ngược tình thế và khiến cho giáo dục trở nên phổ quát và cởi mở cho tất cả mọi người.

Thiệt hại cho khoa học

“Tôi cảm thấy vô cùng mất mát”, Andrea Vera Gajardo, một nhà toán học tại trường Đại học Valparaíso tham gia vào cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến toàn dân trong vai trò người quan sát nói với Nature. “Tôi không hiểu điều gì dẫn đến sự lựa chọn của người Chile”. Còn Olga Barbosa, nhà sinh thái học tại trường Đại học Chile Austral ủng hộ dự thảo Hiến pháp thì trao đổi với Science “Tôi vẫn còn bị sốc. Hóa ra vẫn còn quá nhiều người Chile sợ hãi sự thay đổi”.

Kết quả cuộc thăm dò ý kiến ​​trước khi bỏ phiếu cho thấy người dân Chile sẽ bác bản dự thảo với 388 hạng mục của nó, bất chấp nỗ lực vào cuối tháng 8/2022, của hơn 1.200 nhà khoa học - trong đó có các nhà nghiên cứu chính, các postdoc, trợ lý nghiên cứu - cùng ký vào một lá thư khuyến khích mọi công dân thông qua dự thảo.

Nếu được chấp thuận, bản dự thảo hiến pháp có thể được thay thế bản hiến pháp hiện hành, vốn được thông qua vào năm 1980 dưới thời chế độ độc tài quân sự Augusto Pinochet. Hiện tại, con đường của nó vẫn còn chưa rõ ràng. Tổng thống Chile Gabriel Boric, một nhà chính trị cánh tả và người đứng đầu chính phủ đồng thuận với nhiều ý tưởng trong bản dự thảo, cho biết quá trình này vẫn có thể không kết thúc sau cuộc trưng cầu dân ý vừa qua. Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý, ông đã gặp những người đứng đầu các đảng phái chính trị Chile và cả Quốc hội để tìm những đường khác hướng đến một bản hiến pháp mới. Và ông cũng thay thế các thành viên trong nội các của mình, bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Khoa học.

Trên thực tế thì cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý đã kết thúc với khoảng 62% cử tri làm điều ngược lại.

Một dự thảo quá quyết liệt

Sự bác bỏ dự thảo “không phải là điều chúng tôi mong đợi”, theo nhận xét với Nature của Cristina Dorador Ortiz, một nhà vi sinh vật học ở trường Đại học Antofagasta và thành viên của Hội đồng soạn thảo. Các nguyên nhân là do quá trình cải cách vẫn chưa tạo ra được sự ổn định, bà cho biết thêm.

Với Laura Ramajo, một nhà khoa học khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến về các khu vực khô cằn ở La Serena, cuộc bỏ phiếu với kết quả không chấp thuận dự thảo không phải là điểm chấm hết. “Nhiều điều khoản trong dự thảo hiến pháp liên quan đến môi trường và là điều cần thiết cho quốc gia này”, cô nói.

Chile là quốc gia chịu nhiều tổn thương trước ảnh hưởng của một khí hậu đang dần nóng lên. Ở miền Bắc Chile, an ninh lương thực và tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã trở thành vấn đề chính. Ở miền Trung Chile, các đợt sóng nhiệt diễn ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn đã đem đến một thiệt hại lớn: kể từ năm 2010, tình trạng thiếu mưa đã tạo ra một đợt “siêu hạn hán” tại đây, ảnh hưởng đến sinh kế của hơn 10 triệu người. Còn ở miền Nam, Patagonia, số lượng các đợt cháy rừng ngày một gia tăng tới mức độ đáng báo động.

Nhưng những người Chile đã bỏ phiếu chống lại bản soạn thảo này vì họ cho rằng những thay đổi sẽ đem đến sự bất ổn cho quốc gia. Một số người khác lại thấy ban soạn thảo hiến pháp phần lớn là những nhà khoa học, nghệ sĩ và đại diện các nhóm dân tộc thiểu số nên không hoàn hảo. Theo kết quả cuộc khảo sát vào tháng 8/2022 do Ipsos, công ty điều tra thị trường có trụ sở ở Paris, thực hiện cho thấy người dân dễ chấp nhận bản dự thảo hiến pháp do các chuyên gia luật pháp soạn với sự hỗ trợ của các công dân hơn. Nhiều người bất đồng với một số điều khoản trong bản soạn thảo – nhiều điều khoản bảo vệ quyền sinh sản, trao quyền tự trị cho ít nhất 11 nhóm dân tộc hay loại bỏ thượng viện.

Vẫn có người Chile muốn thay đổi

Felipe Paredes, nhà hóa sinh Chile tại trường Đại học Emory ở Atlanta, Georgia, là một trong số hàng triệu người không thích bản dự thảo. Ông chỉ đồng ý một số điểm trong đó như về cách ưu tiên quyền con người và xã hội và cảm thấy có những điều không được nhắc đến. “Tôi cần một tín hiệu rõ ràng hơn về gia tăng đầu tư. Tôi không thấy điều đó”, Paredes nói. Ông cũng muốn thấy quan điểm dứt khoát về việc bảo vệ bằng sáng chế và quyền sở hữu công nghiệp, vốn đã được nhắc đến trong hiến pháp hiện hành. Không có điều đó, các đầu tư từ khối tư nhân có thể không còn rót vào khoa học Chile, ông nhận xét.

Tuy vậy, ông vẫn ủng hộ sự thay thế hiến pháp 1980. Dẫu cho bản dự thảo đã không được chấp thuận thì ông vẫn hy vọng các nhà chính trị nhận ra là người Chile vẫn muốn thay đổi.
Ít nhất, các nhà nghiên cứu cho rằng, quá trình soạn thảo bản hiến pháp mới đã được bắt đầu nói về khoa học và cách nó tham gia vào quá trình phát triển của đất nước như thế nào. “Tất cả những gì chúng tôi thảo luận về vai trò của khoa học trong tình trạng khí hậu nguy cấp, cách chúng tôi làm khoa học, từng bước một điều này chưa từng diễn ra trước đây”, Vera Gajardo nói. “Chúng ta không muốn mất điều đó”.

Nguồn: nature, science