Được cảnh báo về vị thế đang trên đà suy giảm của các trường đại học Nhật Bản, chính phủ nước này đang lên kế hoạch đầu tư 2,3 tỉ USD/năm cho một số trường có hy vọng thúc đẩy năng lực của mình lên.
Trở lại vị trí dẫn đầu?
Kế hoạch mới này đã được chấp thuận vào ngày 18/5 vừa qua, “hướng tới mục tiêu đem lại cho các nhà nghiên cứu trẻ nhiều triển vọng môi trường nghiên cứu của các trường đại học hàng đầu thế giới, để tăng cường một cách cao nhất các hợp tác quốc tế, và thúc đẩy tuần hoàn chất xám giữa trong nước và quốc tế”, theo Takahiro Ueyama, một chuyên gia về chính sách khoa học tại Hội đồng KHCN và ĐMST (CSTI) - cơ quan cố vấn cao nhất về khoa học ở Nhật Bản – và là một trong những người xây dựng chương trình này.
Hiện tại, Nhật Bản đang theo đuổi mục tiêu lập chương trình trường đại học quốc tế xuất sắc, kinh phí vào khoảng 10 nghìn tỉ yên (78 tỉ SD), có thể sẽ được rót hằng năm cho bảy trường đại học hàng đầu là 2,3 tỉ USD. Bắt đầu từ cuối năm nay, các trường sẽ được mời trình bày các kế hoạch cải cách và các đề án nghiên cứu để chính phủ lựa chọn.
Tuy vậy chương trình này đã làm dấy lên tranh cãi giữa giới học thuật về khả năng đảo ngược tình thế của nghiên cứu khoa học trong các trường đại học Nhật Bản.
Theo Guojun Sheng, nhà sinh học phát triển người Trung Quốc đang làm việc tại trường Đại học Kumamoto Nhật Bản cho rằng, với kinh nghiệm từng làm nghiên cứu ở Trung Quốc, Mỹ và Anh, ông cho rằng kế hoạch mới không thể giải quyết được những vấn đề cơ bản ở các cơ sở nghiên cứu: quá ít nhà khoa học nữ và nhà khoa học nước ngoài tại các cơ sở này. Để có được những kết quả tốt nhất, Nhật Bản phải thay đổi văn hóa nghiên cứu.
Vào tháng 8/2021, phân tích của Viện Nghiên cứu chính sách KH&CN Nhật Bản (NISTEP) cho thấy, Nhật Bản xếp hạng tư trong top các quốc gia được trích dẫn nhiều nhất từ năm 1997 đến 1999 nhưng từ năm 2007 đến năm 2009, rơi xuống vị trí thứ năm và năm 2017 - 2019 là hạng mười. Một phần của nguyên nhân là sự vươn lên ngoạn mục của Trung Quốc. Thậm chí, Canada, Pháp, Italy, Australia và Ấn Độ đều vượt qua Nhật Bản.
Điều thực sự thu hút các nhà chính trị là sự giảm sút trong bảng xếp hạng đại học, ĐH Tokyo là trường duy nhất của Nhật Bản có trong bảng xếp hạng của Times Higher Education nhưng bản thân nó cũng thụt lùi khi rơi từ vị trí 23 trong năm 2015 xuống 35 vào năm nay.
Cần đa dạng môi trường học thuật
Trong quá khứ, Nhật Bản từng có nhiều chính sách khôi phục sức mạnh của khoa học Nhật Bản. Vào năm 2007, Bộ Giáo dục, Thể thao, KH&CN (MEXT) đã thiết lập Sáng kiến Trung tâm nghiên cứu (WPI) “để thu hút các nhà khoa học xuất sắc tới Nhật Bản” đi kèm với những cải cách khác. Ý tưởng này là để tạo ra “một cơ sở nghiên cứu quản lý khoa học theo một cách hoàn toàn khác biệt trong trường đại học”, theo Harayama, một thành viên trong CSTI khi lập chương trình WPI. Theo kế hoạch này, 14 viện nghiên cứu WPI đã được ưu tiên tuyển dụng nhà khoa học quốc tế hơn là tuyển dụng nhà khoa học sẵn có ở trường đại học đặt các viện này, và có hai giám đốc WPI không phải là người Nhật Bản. Nhưng rút cục các tổ chức này đều không tạo ra ảnh hưởng với các trường đó như hy vọng của MEXT, Harayama nói.
Vào năm 2015, Nhật Bản hình thành Cơ quan nghiên cứu và phát triển Y khoa để tạo ra sự đột phá trong nghiên cứu y sinh, với ngân sách hằng năm là 980 triệu USD. Và một chương trình cỡ lớn, được lập vào năm 2019, với ngân sách phân bổ trong vòng 5 năm là 780 triệu USD để “tài trợ cho những R&D có tác động lớn và rủi ro cao”, tập trung vào bảy mục tiêu, bao gồm “chẩn đoán và can thiệp bệnh tật siêu sớm” và “trở thành một nhà cung cấp toàn cầu bền vững” các công nghệ này.
Dẫu vậy thì quy mô và tính chất của các chương trình được thiết kế từ trên xuống như vậy dẫn đến sự phản hồi chính sách chồng chéo và đánh giá hiệu quả vô cùng phức tạp, Toshio Suda, một nhà khoa học về tế bào gốc Nhật Bản tại ĐH Quốc gia Singapore, nhận xét. Mặt khác, chúng tại nhấn mạnh vào các ứng dụng hơn là nghiên cứu cơ bản, ông lưu ý.
Trong khi đó, kinh phí dành cho các nhà nghiên cứu trẻ thông qua chương trình Grants-in-Aid của MEXT dù rất quan trọng nhưng lại được phân bổ hết sức chậm chạp và dưới mức 2 tỉ USD một năm, Suda nói. Tệ nhất là các trường đại học Nhật Bản do kinh phí đã được ấn định sẵn nên “dừng việc trao các vị trí biên chế cho nhà khoa học trẻ”, Hitoshi Murayama, một nhà vật lý lý thuyết ở trường Đại học California, Berkeley, nói. Hiếm khi có nhà khoa học trẻ nào đủ may mắn để được bổ nhiệm và trao tài trợ để bắt đầu nghiên cứu, khiến họ phải trông chờ vào “sự tử tế của các giáo sư”, ông cho biết thêm, “việc thiếu độc lập khiến họ khó khăn trong việc khởi động nghiên cứu của chính mình”.
Rất nhiều dự báo tăm tối về nghề nghiệp đang dần lái con người rời khỏi khoa học. Số lượng sinh viên làm nghiên cứu sinh sau khi có bằng thạc sĩ đã sụt giảm 25% trong vòng 20 năm, theo dữ liệu của MEXT. Và một số người có được bằng tiến sĩ đang tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp ngoài nước. Nhà sinh học phát triển Kinya Ota, một trong số đó, đã tìm được một vị trí tại Viện Hàn lâm Khoa học ở Đài Loan khi gần kết thúc một giai đoạn được bổ nhiệm trong một phòng thí nghiệm trong mạng lưới phòng thí nghiệm quốc gia ở RIKEN. Ở Đài Loan, Ota được hỗ trợ thành lập phòng thí nghiệm của riêng mình từ lúc bắt đầu và quan trọng nhất là “tôi có thể quyết định hướng nghiên cứu của riêng mình”.
Thay vì thiết lập những siêu chương trình nghiên cứu từ trên xuống, Sheng nghĩ Nhật Bản có thể khuyến khích các sáng kiến từ các trường đại học và viện nghiên cứu để tạo ra những nguồn lực lớn hơn trong các phòng thí nghiệm, ở cấp quốc gia và giới. Phụ nữ hiện chỉ chiếm 17% nguồn lực lao động của Nhật Bản, thấp hơn so với mức trung bình 40% của các quốc gia OECD.
MEXT đang nghiên cứu các đề xuất để gia tăng quy mô hỗ trợ các trường đại học vùng, đem lại học bổng cho sinh viên, mở rộng các cơ hội cho phụ nữ, Takuya Saito, giám đốc chính sách nguồn nhân lực của bộ này, nói. Chính phủ cũng nhận thức được kế hoạch mới không thể chạm đến tất cả các vấn đề trong nghiên cứu ở Nhật Bản được. Saito nói: “Việc cải thiện năng lực nghiên cứu ở Nhật Bản theo cách hỗ trợ một số trường đại học sẽ không bao giờ đủ cả”.
Nguồn: science.org