Địa chỉ nhận hồ sơ là Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia. Thời gian xét chọn giải thưởng từ tháng 1/2019 đến hết tháng 4/2019; lễ trao giải thưởng sẽ diễn ra vào tháng 5/2019. Theo điều lệ, Giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ được trao cho tối đa ba tác giả chính và một tác giả trẻ (dưới 35 tuổi) là nhà khoa học có công trình xuất sắc ở tầm quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chúc mừng 3 nhà khoa học được Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018. Ảnh: Đoàn Dung
Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và Công nghệ trao hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển.
Giải thưởng được xét tặng cho các công trình thuộc 4 lĩnh vực: Khoa học tự nhiên (toán học, khoa học máy tính và thông tin, vật lý, hóa học, khoa học trái đất và môi trường, sinh học, khoa học tự nhiên khác); Khoa học kỹ thuật và công nghệ; Khoa học y, dược; và Khoa học nông nghiệp.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu được tổ chức lần đầu năm 2014 và đến nay đã tôn vinh 13 nhà khoa học. Trong đó, có đến 11 nhà khoa học được trao giải nhờ các công trình thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên (4 công trình toán học, 4 công trình vật lý, 1 công trình khoa học máy tính và thông tin, 1 công trình khoa học trái đất và môi trường, và 1 công trình hóa học). Đặc biệt, GS Nguyễn Hữu Việt Hưng (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và PGS-TS Nguyễn Sum (Đại học Quy Nhơn) là hai thầy trò và cùng được trao giải với các công trình thuộc lĩnh vực toán học lần lượt vào năm 2014 và 2017.
Trong khi đó, ở lĩnh vực Khoa học nông nghiệp có 2 nhà khoa học được trao giải.
Như vậy, tính đến nay, chưa có nhà khoa học nào được trao giải với các công trình thuộc 2 lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ, và Khoa học y, dược.