Hội thảo được tổ chức với sự hợp tác của Học viện Khoa học - Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), Công ty Dongloi GmbH, Công ty tư vấn Ensymm (Đức); và nằm trong khuôn khổ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và
phát triển sản phẩm mới trong lĩnh vực khoa học sự sống giữa các bên.
Có "chiến lược khởi nghiệp" sẽ hạn chế được nhiều sai lầm không đáng có. Ảnh: INT
Theo TS Pedram Dehdari, Giám đốc điều hành
Công ty tư vấn về khoa học sự sống Ensymm (Đức), khi bắt đầu
khởi nghiệp cần có chiến lược quản lý khởi nghiệp. "Điều này sẽ giúp cho
người khởi nghiệp hạn chế được các sai lầm thường gặp, đồng thời cung cấp
cho họ tầm nhìn rộng hơn để quản lý khởi nghiệp," ông nói.
TS
Pedram Dehdari còn chia sẻ các giải pháp quản lý dự án như loại hình
quản lý/tư vấn, kết hợp quản lý kinh doanh và khoa học. Ông cho rằng, việc kết nối giữa khoa học và quản
lý sẽ giúp hai lĩnh vực này không bị tách biệt, “đẩy xa” và giúp tìm kiếm những giải pháp tổng thể.
Nói về hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học sự sống ở Đại học Bách khoa, PGS-TS Chu Kỳ Sơn, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, cho biết: "Nếu như trước đây, chúng tôi chỉ tập trung vào giảng dạy các quy trình công nghệ như nhiệt độ, áp suất, độ pH... mà không quan tâm tới sản phẩm tạo ra; thì đến nay, chúng tôi đã thay đổi phương pháp giảng dạy, bên cạnh việc giảng dạy quy trình công nghệ, chúng tôi cũng tìm hiểu xem thị trường cần những sản phẩm như thế nào để hướng dẫn các em sinh viên tập trung nghiên cứu".
Theo đó, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm đã thành lập nhóm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho các sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm cuối, sinh viên cao học..., có ý tưởng khởi nghiệp được đào tạo thêm và kết nối họ với các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp và các đối tác nước ngoài.
Trong khuôn khổ Hội thảo, TS. Hoàng Xuân Long - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng giới thiệu những nội dung chính của đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và ngoài nước” (Đề án 2395). Đây là đề án tập trung vào mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các cá nhân hoạt động KH&CN, nhóm nghiên cứu, cán bộ quản lý KH&CN ở các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức KH&CN và doanh nghiệp. Ông Long đã cung cấp các thông tin chung về Dự án như cách thức đào tạo, bồi dưỡng; điều kiện tham gia; quy trình tuyển chọn; và các loại kinh phí sẽ được Đề án hỗ trợ.