Ngày 18/5 tại buổi lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018, ba nhà khoa học đoạt giải đã có những lời phát biểu đáng suy nghĩ về ý nghĩa của công việc nghiên cứu, cùng những dự định, ước mơ về chặng đường nghiên cứu tiếp theo.
TS Trần Đình Phong (Đại học KH&CN Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) – Giải chính: Giấc mơ đẹp xứng đáng để chúng tôi cố gắng hết mình
Công trình được lựa chọn trao giải là một nghiên cứu trong chuỗi những nghiên cứu mà tôi và đồng nghiệp đang tiến hành với mục đích chế tạo được một chiếc lá nhân tạo có thể chỉ với năng lượng mặt trời và nước biển tạo ra nhiên liệu sạch H2. Với chúng tôi, đây là một giấc mơ đẹp, nó xứng đáng để chúng tôi cố gắng hết mình. Hiện nay đang có nhiều các trung tâm lớn trên thế giới thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực này. Có khá nhiều tiến bộ đã được thực hiện trong vài năm qua nhưng con đường đi tới công nghệ dùng nhiên liệu H2 thay thế xăng dầu còn rất xa. Cũng có lúc, bên lề các hội thảo quốc tế, những người làm nghiên cứu tự hỏi nhau liệu chúng tôi có đang “mơ” một giấc mơ quá lớn hay không? Có thể, trong tương lai khi chiếc lá nhân tạo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sản xuất công nghiệp được chế tạo thành công thì một công nghệ khác ưu việt hơn được phát triển và ứng dụng. Tôi muốn nói rằng, những người làm nghiên cứu, dù có cho mình một định hướng ứng dụng thật lớn, thật hoàn hảo thì cũng hiểu rằng con đường đi tới nó nhiều khi không hẹn trước và chúng tôi cũng chuẩn bị cho mình tinh thần của người không thành công.
Tuy nhiên trên con đường đi đó rất có thể chúng tôi có những phát hiện khác, bất ngờ và hữu ích. Chúng ta cũng biết rằng có những phát minh được đưa ra một cách hoàn toàn bất ngờ không được chuẩn bị. Điện cực Clark để đo nồng độ O2 trong máu là một ví dụ như vậy. Nó được Leland Clark, một nhà hóa học tại Ohio Mỹ, phát triển năm 1953 khi ông đang mải miết chế tạo các máy tạo O2 phục vụ cho các ca mổ tim. Nó được phát triển khi các nghiên cứu của Clark về máy tạo O2 bị từ chối nhận công bố vì ông đã không thể đo được nồng độ O2 trong máu sau khi chạy qua chiếc máy của mình. Nhờ điện cực Clark đó chiếc máy đo đường trong máu đầu tiên được phát minh sau đó, vào năm 1962. Những phát kiến kể trên hoàn toàn ngoài mong muốn ban đầu của Clark.
Nhưng cho dù không có những khám phá công nghệ nổi bật như vậy thì vẫn có một giá trị chắc chắn mà các nghiên cứu nghiêm túc đem lại: đào tạo con người, những người có đầu óc phân tích và sáng tạo trong việc tìm kiếm và giải quyết vấn đề.
Ở đây, những người làm chính sách và lãnh đạo khoa học công nghệ có vai trò quyết định. Có lẽ cần phải chuẩn bị đủ lâu và đủ rộng để có những khám phá bất ngờ. Tôi mong rằng có một sự thấu hiểu và tin tưởng giữa các nhà quản lí khoa học và các nhà khoa học. Có niềm tin, các nhà khoa học sẽ chỉ có nhiệm vụ duy nhất làm tốt hơn nữa công việc của mình mà không phải bận tâm tìm hiểu các nguyên nhân khác, dù có dù không, khi nghiên cứu của mình chưa nhận được tài trợ. Có niềm tin, các nhà quản lí có thể dần đơn giản hóa các thủ tục hành chính giúp các nhà khoa học bớt thời gian làm các việc ngoài khoa học. Tôi tin rằng khi đó hiệu quả đầu tư cho khoa học công nghệ sẽ cao.
Tôi rất trân trọng và cảm ơn Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia và các Hội đồng khoa học của Quỹ. Với Quỹ, những người làm khoa học chúng tôi có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn tài trợ nghiên cứu, tự do đưa các vấn đề nghiên cứu của mình với chỉ một trách nhiệm duy nhất, theo tôi hiểu, là thực hiện các nghiên cứu nghiêm túc, có trình độ ngày càng cao hướng tới trình độ quốc tế cao nhất. Tài trợ của Quỹ đã giúp tôi nhanh chóng triển khai các nghiên cứu của mình và dần xây dựng nhóm nghiên cứu. Tôi tha thiết mong rằng sẽ có nhiều các Quỹ tài trợ nghiên cứu tương tự, các Quỹ học bổng cho nghiên cứu sinh, sinh viên giỏi được xây dựng trong thời gian tới. Được như vậy tôi tin rằng năng lực nghiên cứu của các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu và cá nhân các nhà khoa học sẽ dần được nâng cao. Từ đó những khám phá được chuẩn bị và không được chuẩn bị phục vụ xã hội sẽ được tạo ra.
Trước khi dừng lời, cho phép tôi được tri ân những người thầy của tôi, những người không chỉ truyền cho tôi kiến thức mà còn truyền cho tôi niềm đam mê và cách nuôi dưỡng niềm đam mê công việc nghiên cứu của mình. Tôi xin được cảm ơn Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, Trường Đại học khoa học và Công nghệ Hà Nội đã luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho tôi xây dựng nhóm nghiên cứu của mình. Tôi rất trân trọng sự giúp đỡ và động viên của các nhà khoa học đàn anh tại Viện Hàn lâm và Trường Đại học khoa học và Công nghệ Hà Nội. Với tôi, những tháng ngày đầu tiên xây dựng nhóm nghiên cứu tại USTH thật đặc biệt. Tôi thật hạnh phúc khi gia đình tôi luôn ủng hộ các quyết định của tôi trong đó có quyết định trở về Việt Nam làm việc. Đặc biệt người bạn đời của tôi, người đã từng là đồng nghiệp, đã hiểu và chia sẻ một cách tuyệt đối ước mơ khoa học của tôi. Và cuối cùng nhưng không kém quan trọng, tôi rất trân trọng và cảm ơn quyết tâm, tinh thần làm việc của các đồng nghiệp và các bạn sinh viên trong nhóm nghiên cứu của tôi. Họ chính là những người hàng ngày sáng tạo và chăm chỉ làm việc cùng với tôi dần hình thành một nhóm nghiên cứu trẻ.
PGS Phạm Văn Hùng (Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM) – Giải chính: Nhà khoa học cần được tự chủ trong nghiên cứu để được tự do sáng tạo
“Việt Nam là một nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Việt Nam có những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới cũng như hàng ngàn các loại cây thuốc quý hiếm. Trong khi đó tỷ lệ các bệnh mãn tính như tiểu đường, béo phì, tim mạch, ung thư ở Việt Nam đang ngày càng trở lên trầm trọng. Do đó, với tôi, nhiệm vụ của một nhà khoa học trong lĩnh vực Sinh học nông nghiệp là phải nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu của mình để cho ra những sản phẩm có giá trị phục vụ sức khỏe cộng đồng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, không chỉ được “ăn ngon, mặc đẹp” mà còn “ăn để khỏe, ăn để chữa bệnh”. Ở thời đại công nghiệp 4.0, người dân có quyền được biết thông tin về giá trị dinh dưỡng, về truy xuất nguồn gốc, về mức độ an toàn của các sản phẩm thực phẩm và dược phẩm.
Là một nhà khoa học, tôi nhận thấy rằng mỗi công trình nghiên cứu, dù là cơ bản hay ứng dụng, để có được các kết quả xuất sắc, đều phải xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê công việc. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cần được tự chủ trong nghiên cứu để được tự do sáng tạo. Vừa qua, việc thành lập và triển khai mô hình tài trợ đề tài nghiên cứu khoa học qua quỹ Nafosted của Bộ Khoa học và Công nghệ với đặc điểm nổi bật là sự công bằng và tính minh bạch trong quá trình xét chọn, nghiệm thu và thanh quyết toán đề tài đã được các nhà khoa học đánh giá cao. Các nhà nghiên cứu trẻ có năng lực đã không còn băn khoăn làm thế nào để có được kinh phí nghiên cứu. Nhờ đó, số lượng công bố khoa học của Việt Nam trên các tạp chí thuộc danh mục ISI đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Chúng tôi mong muốn Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đổi mới các cơ chế, chính sách để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và tăng tính tự chủ trong công tác nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao và có các công bố khoa học xuất sắc; mong muốn có điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học để đưa những ý tưởng, những kết quả nghiên cứu trở thành các sản phẩm ứng dụng trong thực tế.
Công trình nghiên cứu qua đó tôi được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu là một trong những sản phẩm của đề tài nghiên cứu cơ bản được Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia NAFOSTED, tài trợ giai đoạn 2013-2015, do nhóm nghiên cứu hoàn toàn là người Việt Nam thực hiên. Tôi xin cám ơn Quỹ đã tài trợ kinh phí cho nghiên cứu này. Tôi cũng xin cám ơn Ban Giám đốc Đại học Quốc Gia Tp Hồ Chí Minh và Ban Giám Hiệu trường Đại học Quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi thực hiện đề tài nghiên cứu. Xin cám ơn sự đóng góp của các thành viên nhóm nghiên cứu, đặc biệt là: PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Phi của trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh và học viên cao học Huỳnh Thị Châu.
Để có được những thành công trong nghiên cứu khoa học ngày hôm nay, tôi xin cám ơn và tri ân đến thầy PGS. TS Mai Văn Lề của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và GS Naofumi Morita của trường Đại học Phủ Osaka, Nhật Bản. GS Mai Văn Lề là người đã phát hiện và hướng dẫn tôi những bước đi đầu tiên trên con đường nghiên cứu khoa học khi tôi còn là một cậu sinh viên năm thứ 5 của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. GS Morita là giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh của tôi khi tôi bắt đầu bước chân sang Nhật để đi tìm những kiến thức mới. Giáo sư đã nhiệt tình giúp đỡ và định hướng cho tôi đi theo hướng nghiên cứu về các sản phẩm thực phẩm chức năng có khả năng phòng chống các bệnh mãn tính của con người. Khi biết tin được nhận giải thưởng này, cũng là lúc tôi nhận được tin Giáo sư Morita đã qua đời tại quê nhà ở Nhật Bản. Tôi xin dành những tình cảm trân trọng nhất để tri ân Giáo sư Morita nhân sự kiện này.
Con đặc biệt cám ơn bố mẹ đã luôn tin tưởng và dõi theo từng bước đi của con trên con đường khoa học những năm qua. Cám ơn vợ và các con đã luôn quan tâm và dành nhiều thời gian để tôi có thể tập trung nghiên cứu. Cám ơn các đồng nghiệp trường Đại học Quốc tế, các thầy cô các thế hệ đã dạy dỗ, những người thân và bạn bè luôn động viên tôi thời gian vừa qua.
TS Đỗ Quốc Tuấn (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) – Giải Nhà khoa học trẻ: Hôm nay tôi đã có trọn niềm vui nho nhỏ
Nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng, Andrew Strominger của đại học Harvard từng nói trong lễ trao giải thưởng Đột Phá về Vật lý Cơ bản năm 2017 với đại ý như sau: “niềm vui của một nhà khoa học đó là tạo nên những khám phá thú vị, chia sẻ chúng với người thân và đồng nghiệp, và cuối cùng là được ghi nhận xứng đáng”. Hôm nay, dường như tôi đã có trọn niềm vui nho nhỏ của một nhà khoa học với sự nghiệp nghiên cứu còn non trẻ.
Hôm nay, ngày 18/5, ngày được Chính phủ chọn để tôn vinh các nhà khoa học với những công việc nghiên cứu, giảng dạy khoa học thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng. Ngày hôm nay là dịp để cả xã hội nghĩ về những cống hiến của các nhà khoa học với sự biết ơn sâu sắc. Hãy cùng tôi điểm lại một vài nhà khoa học mà các nghiên cứu cơ bản của họ đã góp phần thay đổi nền văn minh của loài người. Chân dung của họ được treo trang trọng không những ở trong hội trường này mà còn ở khắp nơi trên thế giới: Nếu không có Newton với ba định luật cơ học, chúng ta không có những cơ sở lý thuyết vững chắc để chế tạo ra những thiết bị cơ khí, máy móc, phương tiện đi lại, giải phóng sức lao động của con người; Nếu không có Maxwell với các phương trình điện từ, chúng ta không có các thiết bị liên lạc, truyền tín hiệu không dây, thứ làm cho mọi người trên thế giới trở nên gắn kết với nhau; Nếu không có Planck với thuyết lượng tử, chúng ta không có các thiết bị điện tử bán dẫn như tivi, điện thoại, máy tính nhỏ gọn, không có pin mặt trời – nguồn năng lượng xanh như hôm nay; Nếu không có Einstein với thuyết tương đối chúng ta chưa chắc đã có những hiểu biết sâu rộng về vật chất và vũ trụ như bây giờ.
Tôi tin chắc rằng ngay cả các nhà khoa học vĩ đại vừa nêu trên cũng không thể hình dung ra hết những ứng dụng to lớn sau này cho nhân loại từ các kết quả nghiên cứu của họ. Như nhà khoa học đoạt giải Nobel về Sinh lý học và Y học năm 1993, Richard Roberts, đã từng nói “Vẻ đẹp của nghiên cứu ở chỗ đó là bạn không bao giờ biết được nó sẽ dẫn đến đâu”. Hay như nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 2012, Serge Haroche, đã từng nói “Ngay cả những người thông minh nhất cũng không thể hình dung ra hết các hệ quả của nghiên cứu mà họ tiến hành”. Có thể nói, mọi đột phá về khoa học – công nghệ đều bắt nguồn từ những nghiên cứu hết sức cơ bản.
Với việc xây dựng nên giải thưởng mang tên vị bộ trưởng, nhà khoa học tài ba, Tạ Quang Bửu, để vinh danh các nghiên cứu cơ bản xuất sắc của các nhà khoa học làm việc trong nước, Bộ KH&CN đã cho xã hội thấy sự quan tâm sâu sắc tới sự phát triển của khoa học cơ bản nước nhà. Đây là một việc làm hết sức kịp thời và đúng đắn, nhất là trong bối cảnh khoa học cơ bản dường như đang bị xem nhẹ hơn so với khoa học ứng dụng. Tôi xin cảm ơn hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu đã tin tưởng trao tặng tôi giải thưởng danh giá này.
Hôm nay quả thực là một ngày đặc biệt trong sự nghiệp khoa học của tôi. Hôm nay, tôi có thể tự tin nói với bố mẹ mình rằng con đã làm được điều mà bố mẹ đã mong chờ từ lâu. Hôm nay, tôi có thể tự tin nói với vợ thân yêu rằng em đã có một sự lựa chọn không tồi.
Để kết thúc bài phát biểu, cho phép tôi được bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới các thầy, các cô, những người đã dạy tôi qua các cấp học; đặc biệt là GS Kao Wen Fong (W. F. Kao), Viện Vật lý, Đại học Quốc gia Chiao Tung, Đài Loan. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đồng nghiệp tại Bộ môn Tin học Vật lý nói riêng và Khoa Vật lý nói chung vì những gì họ đã giúp đỡ tôi trong suốt thời gian qua.