Sự tương tác giữa con người và robot; Robot và trí tuệ nhân tạo cho thành phố thông minh; Việt Nam trong thời đại robot và trí tuệ nhân tạo; Robot tháo rời: Yếu tố then chốt trong tái sản xuất tự điều khiển; Máy học dựa trên đồ thị;... là những chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị thường niên SHTP 2018.
Ngày 16/11 tại TPHCM, Hội nghị Quốc tế Thường niên Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) lần thứ V – 2018 với chủ đề “Robot và trí tuệ nhân tạo” đã diên ra với sự tham dự của PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cùng hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn tập trung vào việc phát triển KH&CN, xem KH&CN là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Vì vậy, những hội nghị, hội thảo như của SHTP tổ chức, luôn được Bộ KH&CN khuyến khích, chào đón nhằm nâng cao hoạt động KH&CN trong nước, từ đó tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống của nhân dân và thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
“Xu hướng công nghệ hiện nay là dựa vào robot và trí tuệ nhân tạo để phát triển, thông qua hội nghị, sẽ tạo được mối quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp trong, ngoài nước trong việc nghiên cứu, ứng dụng và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này” – Thứ trưởng nói.
Ông Lê Hoài Quốc - Trưởng ban Quản lý SHTP - cho biết, trải qua 4 lần tổ chức Hội nghị thường niên, SHTP đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đó là thúc đẩy, nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư vào SHTP, với tổng số vốn đến nay đã đạt hơn 100 triệu USD. Đồng thời, thiết lập được mạng lưới hợp tác giữa các chuyên gia, nhà khoa học ở nhiều nước trên thế giới nhằm chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, triển khai, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu.
“Hội nghị lần này đề cập đến chủ đề robot và trí tuệ nhân tạo là những công nghệ tiên tiến có thể hỗ trợ TP.HCM trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xây dựng thành phố thông minh” - ông Quốc nhấn mạnh.
Ông Quốc cho biết thêm, hiện nay tại SHTP, các doanh nghiệp đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và triển khai SHTP thực hiện các dự án về tự động hóa các quá trình sản xuất, trong đó có ứng dụng về robot. SHTP đặc biệt chú trọng việc đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng trên các thiết bị tự động và robot. Ngoài ra, SHTP cũng đang triển khai chương trình hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc để ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất công nghiệp. Trong đó, Trung tâm đào tạo công nghệ Việt – Nhật đang thúc đẩy quá trình đầu tư, hoàn thiện và tổ chức các lớp đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong SHTP. Thời gian tới, SHTP sẽ làm việc với Nhật Bản để kết nối cung cấp nguồn nhân lực này cho thị trường Nhật Bản.
Hội nghị gồm 1 phiên toàn thể và 3 phiên song song với 21 diễn giả trong và ngoài nước tham gia trình bày các tham luận như: Sự tương tác giữa con người và robot trong thời đại công nghiệp 4.0; Robot và trí tuệ nhân tạo cho thành phố thông minh; Việt Nam trong thời đại robot và trí tuệ nhân tạo; Robot tháo rời: Yếu tố then chốt trong tái sản xuất tự điều khiển; Máy học dựa trên đồ thị;...
Trong khuôn khổ hội nghị, triển lãm “Ứng dụng Robotics và Trí tuệ nhân tạo” đã thu hút sự hơn 20 doanh nghiệp, trường đại học, nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước trưng bày sản phẩm, giới thiệu các công trình nghiên cứu về robot và trí tuệ nhân tạo đã có và được phát triển tại Việt Nam.