Lần đầu tiên, một nhóm nhà nghiên cứu đã xem xét các chỉ số quản lý bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam và tính toán khả năng đạt được các mục tiêu về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân ở cấp quốc gia và địa phương vào năm 2030.
Các bệnh không lây nhiễm, còn được gọi là bệnh mãn tính, chiếm tới 74% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong của Việt Nam. Trong số đó, những bệnh gây thiệt hại nặng nề nhất gồm tim mạch, ung thư, hô hấp mãn tính, đái tháo đường và các rối loạn thần kinh.
Từ lâu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 80% dân số thế giới được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng mà không gặp khó khăn về tài chính, bất kể tình trạng kinh tế xã hội hay khu vực địa lý. Theo báo cáo của WHO năm 2015, chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (Universal Health Coverage – UHC) của Việt Nam hiện là 73%.
Việc quản lý tốt các bệnh không lây nhiễm là nền tảng quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho dân số và giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân đạt 80% vào năm 2030.
Tuy nhiên, trong bài báo mới công bố trên tạp chí
eClinicalMedicine – The Lancet Discovery Science (IF=17), các nhà nghiên cứu y tế công cộng chỉ ra rằng, Việt Nam sẽ không đạt được mục tiêu đối với phần lớn các chỉ số bệnh không lây nhiễm ở cấp quốc gia hoặc cấp địa phương vào năm 2030.
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu thứ cấp của 37.595 hộ gia đình từ bốn cuộc điều tra đại diện trên toàn quốc từ năm 2010 đến năm 2015 để đánh giá 9 chỉ số quản lý bệnh không lây nhiễm theo khuyến nghị của WHO, bao gồm: (1) không sử dụng thuốc lá, (2) sử dụng rượu không đến mức gây hại, (3) hoạt động thể chất đầy đủ, (4) sử dụng đủ trái cây, rau quả; (5) không thừa cân, (6) sàng lọc ung thư cổ tử cung, (7) điều trị tiểu đường, (8) điều trị tăng huyết áp, (9) điều trị cholesterol cao.
Thông qua mô hình thống kê Bayes, nhóm nghiên cứu đã dự báo và ước tính xác suất để chỉ số tổng hợp và từng chỉ số quản lý bệnh không lây nhiễm đạt được mục tiêu UHC vào năm 2030.
Bức tranh không mấy khả quan. Xác suất để đạt mục tiêu của chỉ số tổng hợp về quản lý bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam rất thấp, chỉ ở mức 18,1%.
BS.TS. Nguyễn Thế Phương tại Đại học Quốc tế St. Luke và Trung tâm ung thư quốc gia Nhật Bản, tác giả chính của nghiên cứu, nhận xét. "Hầu hết các chỉ số đều không đạt mục tiêu 2030 (xác suất 0%), ngoại trừ việc sử dụng đủ rau quả và không sử dụng thuốc lá [...] Không những thế, mức độ bao phủ trên phạm vi toàn quốc của các chỉ số về không lạm dụng rượu bia, hoạt động thể chất đủ, và không thừa cân béo phì còn có xu hướng giảm dần trong tương lai.”
Khi xem xét khía cạnh bất bình đẳng trong quản lý bệnh không lây nhiễm, nhóm tác giả cũng phát hiện khoảng cách lớn.
Dân tộc thiểu số và những người sống ở khu vực nông thôn vẫn bị tụt lại so với nhóm dân tộc Kinh và những người sống ở khu vực thành thị trong hầu hết các chỉ số, ngoại trừ hai tiêu chí về hoạt động thể chất và không thừa cân béo phì.
Những người nghèo nhất và ít học nhất cũng bị bỏ lại phía sau ở hầu hết các chỉ số về quản lý bệnh không lây nhiễm.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, để đạt được mức độ bao phủ UHC 80% vào năm 2030, Việt Nam cần liên tục cải thiện hệ thống và cơ sở chăm sóc sức khỏe, phân phối lại nguồn lực một cách hợp lý hơn giữa các khu vực địa lý, đồng thời lồng ghép các chương trình và can thiệp kinh tế, giáo dục và giới.
“Ngoài ra, điều quan trọng là phải phát triển hệ thống giám sát, đánh giá ở cấp quốc gia và địa phương, và cung cấp dữ liệu có sẵn công khai. Từ đó, các nhà nghiên cứu có thể đưa ra được các thông tin dựa trên bằng chứng, giúp chính phủ phản ứng hoặc ra quyết định nhanh chóng”, nhóm nghiên cứu viết.
Nghiên cứu này là một phần trong dự án “Tiến độ đạt được Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân ở Việt Nam: Ai vẫn đang bị bỏ lại phía sau?”.
Trước đó, nhóm tác giả đã công bố một nghiên cứu đánh giá bao phủ trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam trên tạp chí
The Lancet Regional Health – Western Pacific (IF=8,56), cho thấy 9 trong số 17 chỉ số dịch vụ y tế (tương đương 53%) có thể sẽ đạt được các mục tiêu năm 2030 ở cấp quốc gia.
Sắp tới, họ sẽ công bố kết quả một nghiên cứu khác về đo lường mức độ bao phủ bảo vệ rủi ro tài chính trong sử dụng dịch vụ y tế.