Kể từ năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em tại ít nhất 35 quốc gia. Tổng cộng có 46 trẻ cần ghép gan và 22 trẻ tử vong.
Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature vào ngày 30/3/2023, các nhà khoa học tại Đại học California, San Francisco (Mỹ) đã tiến hành một số phương pháp xét nghiệm khác nhau để tìm virus gây bệnh viêm gan bí ẩn trên 16 trẻ em Mỹ, bao gồm phương pháp xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR), giải trình tự metagenomic và xét nghiệm phân tử.
Họ phát hiện các trường hợp viêm gan ở trẻ em có mối liên hệ với một số loại virus. Cụ thể, virus adeno gây bệnh ở người (HAdV) xuất hiện trong mẫu bệnh phẩm của tất cả các bệnh nhân, virus AAV2 hiện diện ở 93% số bệnh nhân. Thêm vào đó, hiện tượng đồng nhiễm virus Epstein-Barr, herpes và enterovirus xảy ra ở 85,7% các ca bệnh.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằngsự kết hợp giữa virus adeno và AAV2 có mối liên hệ rõ ràng nhất với sự bùng phát của bệnh viêm gan bí ẩn.
AAV2 không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh cho con người.Tuy nhiên, chúng có thể gây ra vấn đề về sức khỏe khi bám vào các loại virus “trợ giúp” khác, chẳng hạn như virus adeno gây cảm lạnh và cúm.Trong trường hợp này, dường như AAV2 đã “chiếm đoạt” virus adeno để cho phép chúng nhân lên trong gan và gây ra tổn thương.
Quốc Hùng - Bá Lộc thực hiện (Nguồn: Nature, iflscience)