Ô nhiễm không khí gây ung thư phổi không phải bằng cơ chế tạo ra các đột biến mới, mà là gây tình trạng viêm kéo dài mãn tính, tạo điều kiện cho các tế bào đột biến trong phổi phát triển thành khối u - theo nghiên cứu được công bố trên Nature ngày 5/4.

Ước tính ô nhiễm không khí gây ra hàng triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm, trong đó có hơn 250.000 ca là ung thư biểu mô tuyến - một loại ung thư phổi. Nhưng khó phát hiện cơ chế ô nhiễm không khí gây ra ung thư, một phần vì tác động của nó không rõ rệt như các chất gây ung thư khác, ví dụ khói thuốc lá hoặc tia cực tím.

Ô nhiễm không khí từ xe cộ và các nguồn khác có liên quan đến hàng triệu ca tử vong mỗi năm.

Để giải mã cơ chế này, nhà nghiên cứu ung thư Charles Swanton tại Viện Francis Crick, London, và các đồng nghiệp đã khai thác dữ liệu môi trường và dịch tễ học từ Vương quốc Anh, Canada, Hàn Quốc và Đài Loan. Để giảm bớt tác động của khói thuốc lá vào dữ liệu, nhóm tập trung vào các ca ung thư phổi mang đột biến gen EGFR. Đột biến này phổ biến hơn ở những người chưa bao giờ hút thuốc nhưng lại mắc ung thư phổi.

Kết quả, nguy cơ ung thư phổi mang đột biến EGFR có liên quan đến mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí dạng hạt nhỏ hơn 2,5 micromet. Dạng ô nhiễm này được phát ra từ động cơ đốt trong, nhà máy điện than, và quá trình đốt gỗ.

Để tìm hiểu cơ chế, nhóm Swanton thiết kế chuột trong phòng thí nghiệm mang đột biến EGFR. Nhóm chuột được cho tiếp xúc với ô nhiễm hạt mịn có nhiều khả năng phát triển khối u phổi hơn so với nhóm chuột đối chứng không tiếp xúc với ô nhiễm.

Mặc dù tỷ lệ ung thư phổi cao hơn, những con chuột tiếp xúc với ô nhiễm không bị tăng số lượng đột biến trong tế bào phổi. Thay vào đó, dấu hiệu phân biệt giữa 2 nhóm là phản ứng viêm kéo dài hàng tuần ở nhóm chuột tiếp xúc ô nhiễm hạt mịn. Ở nhóm này, một số tế bào miễn dịch đổ xô đến phổi, làm tăng một loại protein thúc đẩy quá trình viêm là IL-1β. Điều trị chuột bằng kháng thể ngăn chặn IL-1β thì tỷ lệ mắc ung thư phổi giảm.

Từ các kết quả này, nhóm nghiên cứu cho rằng ô nhiễm không khí không gây đột biến, nhưng thúc đẩy sự phát triển của các tế bào đột biến đã tồn tại sẵn trong phổi. “Ô nhiễm không khí gây ra ung thư không phải bằng cơ chế tạo ra các đột biến mới, mà là gây tình trạng viêm kéo dài mãn tính, tạo điều kiện cho các tế bào đột biến phát triển thành khối u", Allan Balmain, nhà nghiên cứu ung thư tại Đại học California, San Francisco, cho biết.

Các phát hiện mới khớp với các kết quả trước đây của nhóm Balmain. Họ đã thử nghiệm 20 chất gây ung thư ở người và phát hiện hầu hết chúng không làm tăng số lượng đột biến DNA ở chuột. Theo Balmain, ngày càng có nhiều người nhận thức được rằng các chất thúc đẩy ung thư không nhất thiết phải hoạt động bằng cách thay đổi trực tiếp trình tự DNA, và phòng thí nghiệm của ông đang nghiên cứu để phát triển các xét nghiệm tìm chất gây ung thư mà không dựa vào việc tìm kiếm các đột biến.

Câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để giữ cho các tế bào mang đột biến không bị kích hoạt bởi các yếu tố môi trường như ô nhiễm không khí. Với hàng triệu người tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao, việc điều trị bằng thuốc ức chế IL-1β là không khả thi vì tốn kém và thuốc có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn, theo Balmain. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu gợi ý rằng chế độ ăn uống để giúp chống viêm có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Nguồn: