Theo một nghiên cứu mới, những con sóc xám sống càng gần trung tâm London càng bị tổn thương phổi nặng hơn.

Nghiên cứu – được công bố mới đây trên tạp chí Environmental Pollution – nhấn mạnh mức độ ô nhiễm không khí ở các thành phố và gợi ý rằng nhiều loài khác, bao gồm cả động vật hoang dã và chim cũng như chó mèo, có thể bị ảnh hưởng bởi các hạt bụi mịn trong không khí, phát ra từ giao thông và các nguồn khác.

Nhà nghiên cứu Patricia Brekke thuộc Hiệp hội Động vật học London cho biết: “Trong những năm gần đây đã có sự sụt giảm mạnh về quần thể các loài vốn đã thích nghi khá tốt với cuộc sống thành phố, bao gồm bướm, ong, chim sẻ và nhím."

Một giả thuyết là do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, tuy nhiên chưa có bằng chứng trực tiếp cho thấy ô nhiễm ảnh hưởng đến động vật hoang dã. Nghiên cứu về sóc xám nhằm lấp đầy khoảng trống này.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Loài sóc xám (Sciurus carolinensis) có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, du nhập vào Anh vào cuối những năm 1800 và kể từ đó đã lan rộng ra hầu hết nước Anh và xứ Wales, thay thế cho loài sóc đỏ bản địa (Sciurus Vulgaris).

Ngoài việc to lớn hơn, sóc xám thường mang virus bệnh đậu mùa, loại virus hiếm khi ảnh hưởng đến chúng nhưng lại giết chết sóc đỏ. Do đó, hiện nay sóc xám được coi là loài gây hại và việc tiêu hủy được tiến hành thường xuyên. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng những con vật bị tiêu hủy làm đối tượng cho nghiên cứu của họ.

Nhóm đã nghiên cứu 106 con sóc bị tiêu hủy đến từ 5 quận của London (Camden, Greenwich, Haringey, Richmond Upon Thames và Westminster) và 2 địa điểm nông thôn là Alice Holt, Surrey và Lâu đài Penrhyn, phía bắc xứ Wales. Những con sóc được kiểm tra các triệu chứng của bệnh phổi, sự hiện diện của các hạt carbon đen trong mô phổi và các dấu hiệu tổn thương mô niêm mạc. Carbon đen là một thành phần của vật chất dạng hạt và chất gây ô nhiễm không khí, được hình thành trong quá trình đốt cháy không hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, sinh khối và nhiên liệu sinh học.

“Chúng tôi phát hiện những con sóc đến từ nội thành có nhiều carbon đen hơn trong mô phổi, đồng thời phổi của chúng có ít mô bạch huyết hơn so với những con sóc ở các khu vực bên ngoài của London. Tóm lại, phổi của những con sóc bị tiêu hủy ở trung tâm London kém hơn nhiều so với phổi của những con sóc đến từ vùng ngoại ô. Và tất nhiên, ô nhiễm không khí ở trung tâm thành phố tệ hơn vùng ngoại ô”, Simon Priestnall - nhà nghiên cứu tại Đại học Royal Veterinary, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Một nghiên cứu gần đây ước tính ô nhiễm không khí đã góp phần gây ra thêm khoảng 6.000 ca tử vong ở London vào năm 2019, so với nếu không có ô nhiễm không khí.

"Chúng ta cũng biết rằng các bệnh thoái hóa thần kinh có tỷ lệ xảy ra cao hơn ở những người sống ở trung tâm thành phố so với những người sống ở nơi khác”, Brekke nói thêm. “Câu hỏi đặt ra là: các loài khác có bị ảnh hưởng theo cách này không?”

Các nhà nghiên cứu hiện tìm cách kiểm tra não của sóc để xác định xem nhận thức hoặc hành vi của chúng có bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí hay không.

Nhóm cũng muốn xem xét tác động của ô nhiễm đến vật nuôi, đặc biệt là chó. “Khi chúng ta dắt chó đi dạo hằng ngày, nó đang chia sẻ không khí hít thở với con người”, Priestnall nói với tờ Observer. “Do đó đây là một vấn đề khác mà chúng tôi muốn nghiên cứu".

“Động vật là một cảnh báo khác cho chúng ta về sự nguy hiểm của ô nhiễm không khí”, Brekke nói.

Nguồn: