Tìm ra cách bào chế để thu được hoạt chất có lợi nhất cho sức khỏe cộng đồng, mang lại giá trị kinh tế lớn cho bà con nông dân và tạo nhiều công ăn việc làm là hướng đi đang được nhiều nhà khoa học quan tâm. Đây cũng là điều Ths Bá Thị Châm (Viện Hóa học) theo đuổi.

Tính đến nay, nhà khoa học nữ này đã có gần 20 sản phẩm về chăm sóc sức khỏe trong đó có bảy sản phẩm đã và đang chuyển giao cho doanh nghiệp, bao gồm viên thảo dược, viên gout, viên tiểu đường, viên dạ dày-tá tràng, viên giảm cân, tinh mầm đậu nành, nanocurcumin - tất cả đều được tổng hợp từ thảo dược.

“Điều khiến tôi tâm huyết với cây thuốc Việt là bởi, trong quá trình tiến hóa, cơ thể người sẽ tạo ra các enzym phù hợp và tiêu hóa được các hoạt chất tồn tại sẵn trong tự nhiên.Vì thế việc sử dụng các hợp chất tự nhiên sẽ phù hợp hơn là dùng các hợp chất từ tổng hợp hóa học. Chúng thường ít gây tác dụng phụ, và cũng có thể dùng được dài ngày, còn các sản phẩm từ tổng hợp hóa học thường gây tác dụng phụ, dị ứng, dùng ngắn ngày theo chỉ định của bác sĩ. Những công nghệ tách chiết, tổng hợp mà chúng tôi nghiên cứu ra, chính là để mọi người thấy được và khẳng định lại giá trị truyền thống của cây thuốc Việt Nam đã có từ bao đời nay”, Ths Bá Thị Châm chia sẻ.

"Mình không tin thì ai tin vào nghiên cứu của mình nữa!"

Sản phẩm đầu tiên Ths Châm giới thiệu với tôi là viên hỗ trợ giảm béo chiết xuất từ lá sen, táo mèo, hoài sơn, hành đen lên men, sản phẩm của chị Châm giúp giảm mỡ trong cơ thể, giảm mỡ nội tạng, làm săn chắc cơ thể, và hỗ trợ giảm cân, mà chị mới nghiên cứu và thử nghiệm trên chính mình.

“Sinh con xong, tôi nặng 65kg. Sẵn tiện sản phẩm mình nghiên cứu bào chế trong lúc bầu bì, tôi duy trì uống trong sáu tháng sau khi sinh và giảm được 10kg. Là sản phẩm hoàn toàn tinh chiết từ thảo dược nên tôi tự tin sử dụng dù đang cho con bú. Nếu tôi không tin thì ai sẽ tin vào nghiên cứu của tôi nữa”, chị Châm kể. “Vì thuốc làm hoàn toàn từ những thảo dược được người dân sử dụng như thực phẩm hằng ngày từ bao đời nay nên việc dùng thử là hết sức bình thường. Rất may mắn là có đến 50 người tình nguyện thử nghiệm sản phẩm của tôi và cũng cho kết quả giảm béo, giảm chỉ số đo vòng bụng, các vùng tích mỡ rất nhanh chóng ngay trong tháng đầu sử dụng.”

Điều khiến Ths Bá Thị Châm tự tin về sản phẩm của mình bởi, chị tự tay kiểm soát và tách chiết, bào chế các tinh chất từ cây cỏ đã được sử dụng trong dân gian và trên thế giới. Chị thường mua thảo dược tươi của người dân thay vì mua sản phẩm được làm khô. Việc thu hái và sơ chế, phơi chưa đúng cách sẽ làm giảm đáng kể chất lượng hoặc nhiễm nấm mốc, bẩn... chị cho biết.

“Với mỗi thảo dược, tôi thường nghiên cứu rất kỹ, tách chiết bằng phương pháp nào là phù hợp nhất, chứ không làm hàng loạt. Chiết riêng từng loại sẽ loại được tạp chất và độc tố trong từng cây” – chị Châm giải thích thêm.

Ths Bá Thị Châm và cộng sự tại xưởng sơ chế, lên men thảo dược. Ảnh: Minh Anh
Ths Bá Thị Châm và cộng sự tại xưởng sơ chế, lên men thảo dược. Ảnh: Minh Anh

Hoạt chất sau khi được tách chiết sẽ trải qua giai đoạn lên men để làm tăng hoặc làm mới hoạt chất rồi mới nano hóa. Chị Châm hồ hởi kể: “Thảo dược Việt mình có nhiều cây kỳ lạ lắm. Ví dụ như khi chiết xuất tinh chất từ cây cốt khí củ (Polygonum cuspidatum), tôi tiến hành lên men thì tạo thành chất Resveratrol là một hoạt chất quý chỉ tìm thấy trong quả nho nhập ngoại mà nho Việt Nam không có. Đây là hoạt chất được các nhà khoa học sử dụng trong việc phòng ngừa ung thư, phòng ngừa các bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp và làm trắng da do khả năng chống oxy hóa của nó rất mạnh.” Chị Châm cùng nhóm nghiên cứu đã đăng ký sở thành công hữu trí tuệ dưới dạng giải pháp hữu ích cho nghiên cứu này được hồi giữa năm ngoái.

Lợi thế nhờ kết hợp dữ liệu cả đông và tây

Trong quán café nhỏ nằm trong lòng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ths Bá Thị Châm mải mê kể với tôi về những nghiên cứu của mình. Hóa ra, nhà khoa học nữ “mát tay” với thảo dược từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Sản phẩm đầu tiên tôi làm vào năm 2000, khi đang là học viên cao học Khoa Hóa sinh, trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Đó là chế phẩm chữa bệnh đại tràng từ thổ phục linh, nấm sò, nghệ đen và một số thảo dược khác. Đây là kết quả theo đề tài nghiên cứu và chuyển giao được khoảng 20 triệu đồng. Hồi đó, tôi chưa nghĩ đến việc nhân rộng để phổ biến rộng hơn mà vì mục đích nghiên cứu nhiều hơn. Sắp tới, tôi muốn nano hóa sản phẩm này để tăng hiệu quả hấp thu của hoạt chất khi đưa vào cơ thể” – Ths Châm cho biết.

Khi ra trường, được phân về Phòng thử nghiệm hoạt tính sinh học, nay là Phòng Hóa sinh ứng dụng của Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chị được giao nhiệm vụ là người đầu tiên xây dựng phòng thí nghiệm này với sự giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu của một phòng thí nghiệm dược lý tại Vương quốc Bỉ.

Được gửi sang Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc nghiên cứu xây dựng các phép thử nghiệm về hoạt tính sinh học, Ths Châm như cá gặp nước, bởi lẽ, đây là nơi thử nghiệm hoạt tính của các hoạt chất tìm kiếm từ thiên nhiên và thậm chí cả tổng hợp hóa học được gửi đến từ khắp cả nước. Phòng thử nghiệm này đồng thời cũng là nơi thực hiện một dự án lớn kết hợp với hãng dược phẩm Tibotec của Bỉ về sàng lọc hoạt tính sinh học của thực vật Việt Nam trong nhiều năm.

Cùng với dữ liệu hệ thống của dự án Bỉ để lại và các dữ liệu riêng lẻ, người đặt hàng có thể chỉ sử dụng ở lĩnh vực của họ, nhưng Ths Châm lại thấy rằng, chị có cả một hệ thống ngân hàng dữ liệu thông tin về tác dụng của nhiều cây thuốc Việt Nam, kể cả những cây còn chưa được ghi trong từ điển chuyên ngành. Dụng công một chút, chị tìm hiểu về các hoạt chất trong thảo dược, từ sách tây đến sách ta, từ những nghiên cứu của thế giới tới những kinh nghiệm của ông cha. Nhờ sự kết hợp đó, Ths Châm nhận ra rằng “chị đang có chỗ thuận lợi hơn khi nghiên cứu” so với các nhà khoa học khác.

“Ví dụ khi tìm hiểu về các hoạt chất Isoflavone, tôi thấy rằng nó có nhiều trong tinh mầm đậu nành. Đây là hormon thực vật (phytohormon) được thế giới đặc biệt quan tâm và ưa chuộng, nhất là Nhật Bản. Đất nước này có tỷ lệ người mắc ung thư vú, ung thư phần phụ rất thấp trên thế giới một phần là do họ đã sử dụng nhiều sản phẩm từ đậu nành và đậu nành lên men. Công nghệ của tôi ra đời sẽ phát huy được thế mạnh của isoflavone bởi nó là hoạt chất tự nhiên. Người không có kinh nghiệm, mầm đậu mới nhú lên đã bán mà không biết rằng, khi mầm đậu dài từ 7-8cm, hoạt chất mới đạt chất lượng, hàm lượng tốt nhất” - Ths Châm giải thích.


Có thể giúp gì cho người dân?

Tiềm năng thảo dược có ngay trong những thực phẩm phổ biến hằng ngày, thậm chí cả trong những phụ phẩm, đơn cử như vỏ hạt đậu xanh và vỏ củ hành khô, những thứ thường bị loại bỏ khi chế biến nhưng lại cho ra những hoạt chất được Ths Châm ứng dụng trong bào chế viên gout và viên hành tỏi đen (chữa các bệnh về tim mạch). Tuy nhiên, để sản phẩm thực sự có ích cho cộng đồng, thì không thể tách rời vấn đề giá thành bởi thách thức nhiều khi nằm ở chi phí cao do quy mô sản xuất thấp.

Ví dụ, vỏ đậu xanh có nhiều chất giúp giải độc gan và giá chỉ khoảng 5.000 đồng/kg, nhưng công chiết xuất khá đắt đỏ, nếu sản xuất quy mô nhỏ, giá lên tới 200 nghìn đồng/kg. “Để có 1 kg hoạt chất đóng viên, phải dùng từ 5-7kg vỏ đậu. Nếu muốn giảm giá thành, cần làm ở quy mô lớn hơn, khoảng 2 tấn/mẻ” - chị Châm cho biết.

Ths Châm vừa nhận được lời mời tham dự một hội thảo về công nghệ bào chế thảo dược tại Mỹ vào cuối năm nay bởi chị đang thực hiện tinh chế hoạt chất zerumbone trong củ gừng gió – hoạt chất dùng để chữa bệnh ung thư đang được giới nghiên cứu đánh giá cao. Hiện nay, 1kg zerumbone tinh khiết có giá khoảng 100 triệu đồng.

“Các nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt ở Mỹ, đã đánh giá cao hoạt tính của zerumbone chiết xuất từ gừng gió trồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, do gừng gió có độc tố nên công nghệ tách chiết để loại bỏ độc tố là cần thiết, sau đó mới lấy ra hoạt chất tinh khiết nhất và chuyển chúng sang dạng nano. Tôi sẽ mang vật liệu nano này sang đó triển lãm, để giới thiệu về thành tựu khoa học của Việt Nam cho bạn bè quốc tế” – ánh mắt Ths Châm đầy hy vọng khi nói về dự định mà chị đang thực hiện.

Tại vườn thảo dược mà chị đầu tư tại tỉnh Hòa Bình, gừng gió là một trong những thảo dược được ưu tiên trồng bởi cây thu hái tại đây cho hàm lượng zerumbone cao hơn các khu vực khác như Sơn La, Yên Bái Nha Trang. Hiện nay, hoạt chất zerumbone trên thế giới chủ yếu là hoạt chất tổng hợp, hoạt chất tự nhiên không nhiều. Zerumbone tổng hợp thường tồn tại ở hai hoặc nhiều dạng khác nhau, trong đó có dạng gây độc. Hơn nữa “chúng ta chưa đủ năng lực để tổng hợp zerumbone nên việc phân biệt và loại bỏ đồng phân có hại là không thể. Trong khi đó, Việt Nam lại có đủ điều kiện để trồng gừng gió và tinh chiết zerumbone tự nhiên nên việc nghiên cứu trồng và tinh chế, bào chế zerumbone là việc hết sức ý nghĩa”, theo chị Châm.

“Tôi mong có thể góp phần làm giảm tỷ lệ nhập thuốc ngoại hoặc ít nhất là phục vụ nhu cầu trong nước. Để làm gì ư? Để người dân được hưởng lợi, cả về chất lượng lẫn giá thành” – Ths Châm nói.

Ths Bá Thị Châm (SN 1976), hiện đang công tác tại Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chị vừa nhận giải thưởng Phụ nữ sáng tạo 2017 cho hai sản phẩm tinh chất mầm đậu nành và viên tiểu đường (từ dây thìa canh, cam thảo đất, hoài sơn, tỏi đen được sản xuất bằng công nghệ lên men và bào chế dạng nano).

Chị là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm nhiều đề tài như Nghiên cứu hóa học và hoạt tính thần kinh trung ương của thực vật Việt Nam tiềm năng làm thuốc chữa bệnh Alzheimer (Bộ Khoa học và Công nghệ), Nghiên cứu công nghệ chiết tách resveratrol từ nguồn thực vật Việt Nam (Bộ Công thương), Nghiên cứu chuyển hóa hợp chất Astilbin trong cây Thổ phục linh (Smilax glabra) thành Taxifolin bằng enzim Beta-glucosidase (Viện Hóa học)… Ths Châm cũng là tác giả, đồng tác giả của các bài báo đăng trên nhiều tạp chí ISI như Current Applied Physics, New York- Synlett…