Sống ở Lebanon - quốc gia nhỏ vùng Trung Đông theo đạo Hồi, một tôn giáo quy định địa vị rất thấp cho phụ nữ, tiến sĩ (TS) Sanaa Sharafeddine gặp muôn vàn khó khăn để theo đuổi đam mê nghiên cứu. Tuy nhiên, nhà khoa học 35 tuổi này vẫn vươn lên giành giải thưởng Nhà khoa học trẻ tiềm năng thế giới, với công trình nghiên cứu về cách thức các tế bào thần kinh nhỏ bé thực hiện những nhiệm vụ phức tạp nhận được từ mắt.
Thiếu nghiên cứu đột phá
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - Giám đốc truyền thông và đối ngoại của Công ty L’Oreal Việt Nam, đơn vị đồng tổ chức giải thưởng L'Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học - chia sẻ câu chuyện về TS Sanaa Sharafeddine - giảng viên khoa Toán - Tin Đại học LAU (Lebanese American University) tại Beyrouth, thủ đô Lebanon - với khát vọng, rồi đây Việt Nam sẽ có nhiều nhà khoa học nữ trẻ chinh phục được đỉnh vinh quang thế giới.
Mỗi khi ra khỏi nhà, Sanaa Sharafeddine phải dùng khăn che mặt như bất cứ người phụ nữ nào. Ở đất nước này, phụ nữ muốn ra đường còn phải nhận được sự cho phép và tháp tùng của nam giới trong gia đình, thế nên chuyện tự do nghiên cứu, phát biểu ý kiến trước hội đồng khoa học toàn nam giới càng là chuyện khó khăn, hiếm có. Nhưng Sanaa Sharafeddine đã tạo nên kỳ tích khi lọt vào danh sách 15 nhà khoa học nữ được trao giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” - được lựa chọn từ 236 người nhận học bổng cấp quốc gia của Quỹ L’Oreál-UNESCO vào năm 2015.
Nghiên cứu của Sanaa Sharafeddine đã đóng góp quan trọng cho sự hiểu biết về chức năng của não và có ý nghĩa quan trọng đối với các lĩnh vực khác như trí thông minh nhân tạo, thiết bị y khoa thu nhỏ.
“Từ năm 2010, năm nào cũng có một nhà khoa học nữ Trung Đông đoạt giải thưởng của Quỹ L’Oreál-UNESCO. Hoàn cảnh sống và định kiến xã hội quá nặng nề nhưng họ vẫn vượt qua tất cả bằng đam mê” - bà Tuyết Trinh chia sẻ.
Thừa nhận nữ giới theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học là dũng cảm, song bà cho rằng ở Việt Nam, sự khó khăn đến từ định kiến xã hội về giới tính đã giảm nhiều, chính sách dành cho phụ nữ cũng được đánh giá là tiến bộ so với mặt bằng chung thế giới.
Tuy nhiên hơn 10 năm qua, trong các nhà khoa học nữ trẻ được L’Oreál tìm kiếm và trao giải Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học, duy nhất có công trình của TS Trần Hà Liên Phương - giảng viên bộ môn Kỹ thuật y sinh, Đại học (ĐH) Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM được hội đồng giải thưởng “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” lựa chọn và vinh danh với đề án “Nghiên cứu làm tăng hiệu quả điều trị ung thư bằng việc kết hợp fucoidan và các thuốc kháng ung thư khó tan để tạo các hạt nano”.
Lý giải điều này, bà Trinh cho biết, đề tài đưa lên hội đồng quốc tế bắt buộc phải có tính mới, bứt phá và mạo hiểm: “Rất tiếc, đề tài nghiên cứu của nhà khoa học Việt Nam thường chọn hướng giải quyết vấn đề nhỏ trong cuộc sống, lặp đi lặp lại nên các đề cử thường bị lẫn, không nhìn thấy sự nổi bật. Các đề tài của Việt Nam thường rất an toàn”. Trong khi đó, cũng là quốc gia châu Á song Trung Quốc năm nào cũng có nhà khoa học nữ trẻ giành được giải Nhà khoa học trẻ tiềm năng và còn giành luôn cả giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc.
“Những đề tài họ đưa ra rất mới, rất ngạc nhiên. Và đề tài của họ mỗi năm đều khác nhau. Đặc biệt, nữ giáo sư của Trung Quốc khá trẻ. Nếu nhìn ở góc độ châu Á, họ cũng có trách nhiệm xã hội như Việt Nam. Phải chăng do đặt trọng tâm theo hướng khác - nghiên cứu, thay vì ưu tiên gia đình - nên các nhà khoa học nữ của Trung Quốc nhận giải thường chỉ ở độ tuổi 35-40, độ tuổi đủ trẻ, khỏe, minh mẫn để có những nghiên cứu đột phá” - bà Trinh nói và nhắc tới giáo sư trẻ Yi Xie (Trung Quốc) với đề tài tạo ra vật liệu nano có các ứng dụng đầy hứa hẹn trong việc chuyển hóa nhiệt lượng hoặc ánh nắng thành điện năng.
Không thể toàn tâm ở tuổi sung sức nhất
Từng theo sát các nhà khoa học nữ trẻ hơn 10 năm qua, bà Trinh nhiều lần tổ chức các diễn đàn để lắng nghe tâm tư của họ và khó khăn được các chị chia sẻ bao gồm chuyện gia đình, sự thông cảm, cơ chế chính sách.
“Thực ra chúng ta không nên tự ru ngủ bằng những khó khăn. Phụ nữ yêu khoa học rất đáng phục, song không nên bào chữa để họ đi xa dần phẩm chất đúng của một nhà khoa học là đam mê và dũng cảm” - bà Trinh nói và lấy dẫn chứng về tinh thần khoa học của các nhà khoa học nữ ở nước ngoài - thường là đạp hết rào cản xuống, luôn nhìn mọi sự theo hướng tích cực, dành phần lớn thời gian của lứa tuổi trẻ trung, sung mãn nhất cho việc nghiên cứu. Trong khi đó ở Việt Nam, ưu tiên số một trong khoảng thời gian dễ tạo sức bật nhất là lấy chồng, sinh con, khi đã ổn định mới tập trung cho khoa học.
Giám đốc truyền thông và đối ngoại của L’Oreal Việt Nam cho rằng, bên cạnh những rào cản như cơ chế, định kiến xã hội, rào cản lớn nhất nằm trong chính con người mình; và chỉ khi phá bỏ được rào cản của bản thân mới tính đến các yếu tố khách quan.
Đồng tình với quan điểm trên, song TS Vũ Thị Ngân - Đại học Quy Nhơn - cũng chỉ ra nhiều lý do khiến nhà khoa học nữ Việt Nam bị phân tâm: “Thực tế, phụ nữ ở đâu cũng quan tâm nhiều tới gia đình, con cái. Nhưng ở Việt Nam, các dịch vụ trong cuộc sống buộc họ phải lo lắng. Hồi ở nước ngoài, tôi đưa con tới trường là hoàn toàn yên tâm để vào lab làm việc; còn ở Việt Nam, tôi vẫn phải lo lắng hôm nay con đi học thế nào, học những gì và về nhà phải dạy thêm cho con. Về y tế, ở nước ngoài bác sỹ kê đơn thuốc con cho uống là mình an tâm, nhưng ở Việt Nam thì không. Thế nên phụ nữ vừa mất nhiều thời gian, vừa khó tập trung, trong khi điểm khác biệt của công việc nghiên cứu là phải hoàn toàn tập trung, không suy nghĩ tới những việc khác mới có thể đi đến đột phá”.
Bà Ngân khẳng định, nếu hoàn toàn không phải lo lắng chuyện con cái, gia đình, toàn tâm toàn ý cho khoa học thì phụ nữ Việt Nam có thể có các nghiên cứu đột phá: “Hãy nhìn những phụ nữ Việt ở nước ngoài, họ vẫn đạt điều đó. Thời gian ở nước ngoài, tôi đã có những nghiên cứu ở trình độ cao hơn so với trong nước. Ngoài điều kiện nghiên cứu thì cái tâm của mình được giải phóng rất nhiều. Không phải ra nước ngoài thì không lo cho gia đình, mà môi trường đó giải phóng suy nghĩ của nhà khoa học nữ. Đã làm khoa học thì chắc chắn rất đam mê, nhưng họ cần được giải phóng về tư tưởng”.
Ở một góc nhìn khác, TS Trần Hà Liên Phương thẳng thắn: “Trong nghiên cứu khoa học, không nên có sự phân biệt nam hay nữ. Đã là nhà khoa học thì ai cũng như nhau, dù nữ giới thường tốn nhiều thời gian hơn cho gia đình. Tuy nhiên, không như ngày xưa, bây giờ nữ giới được quan tâm và ưu tiên hơn bởi ở hầu hết các quốc gia và nhiều tổ chức lớn trên thế giới dành nhiều giải thưởng, học bổng đặc biệt cho nữ”.
Bằng chứng cho những cơ hội đó là giải thưởng L’Oreál vẫn đangđi tìm những gương mặt nhà khoa học nữ trẻ xuất sắc, đột phá của Việt Nam để vinh danh mỗi năm, chờ đợi những nghiên cứu mới, hướng đi mới, đặc biệt là đưa ra những kiến thức mới thách thức giới khoa học quốc tế tiếp nối để nghiên cứu sâu hơn.