Trong danh sách hơn 3.300 nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất thế giới năm 2017 - theo thông báo của Clarivate Analytics hôm 15/11, có bốn nhà nghiên cứu người Việt.

Bốn tên tuổi không xa lạ

Đây không phải là lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu người Việt lọt vào danh sách này, riêng GS-TS Nguyễn Sơn Bình và PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng bốn năm liên tiếp có mặt.

GS-TS Nguyễn Sơn Bình (Đại học Northwestern, Mỹ) là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực hóa học như hóa học vô cơ/hữu cơ kim loại, tổng hợp hữu cơ, polymer và đi sâu vào các nghiên cứu về vật liệu như các vật liệu xốp (porous materials), graphene/graphene oxide và vật liệu sinh học. Một trong những công bố được trích dẫn nhiều nhất của ông ở thời điểm này là “Các vật liệu composite gốc graphene” (Graphene-based composite materials) xuất bản trên Nature năm 2006, đến nay có gần 9.400 lượt trích dẫn.

Tương tự, GS-TS Nguyễn Thục Quyên (Đại học California ở Santa Barbara, Mỹ) cũng có nhiều công bố trong lĩnh vực khoa học vật liệu. Các nghiên cứu của bà chủ yếu tập trung vào các thiết bị điện tử hữu cơ (như pin năng lượng mặt trời hữu cơ, đèn LED hữu cơ, transistor hữu cơ); polymer liên hợp có chứa ion (conjugated polyelectrolytes) và vật liệu sinh học trong các thiết bị điện tử sinh học phục vụ cho lĩnh vực năng lượng, môi trường và y học.

TS Phan Hùng - một thành viên trong nhóm nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Thục Quyên - cho biết, một trong những yếu tố quan trọng để các công trình của bà được nhiều đồng nghiệp trích dẫn là do bà cộng tác với nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới ở các nghiên cứu quan trọng.

Việc GS-TS Võ Văn Ánh (Đại học Công nghệ Queensland, Australia) hai năm liền lọt vào tốp các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất đã đem lại sự ngạc nhiên thú vị bởi thông thường, các công bố toán học ít được “để ý” hơn so với các lĩnh vực khác. GS Ánh hoạt động trên lĩnh vực rất rộng là hoa học toán học, toán học tính toán và ứng dụng. Ông tập trung vào phát triển các phương pháp mới về lý thuyết và ứng dụng của các trường ngẫu nhiên hình cầu (spherical random fields), mô hình ngẫu nhiên của quá trình khuếch tán phi tuyến (spatiotemporal nonlinear diffusion processes) với những đặc điểm đa hệ fractal, ước lượng thống kê và phép xấp xỉ của khuếch tán dị thường…

Những phương pháp tính toán của ông có thể ứng dụng vào phân tích sự xâm nhập mặn trong tầng nước ngầm, tín hiệu tế bào tim hay những thăng giáng vi mô của trường bức xạ nền vũ trụ.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng (Đại học Công nghệ TP.HCM) trong một chuyến công tác tại Bỉ năm 2016. Ảnh do nhân vật cung cấp
PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng (Đại học Công nghệ TP.HCM) trong một chuyến công tác tại Bỉ năm 2016. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong số bốn nhà nghiên cứu, PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng (Đại học Công nghệ TP.HCM) không chỉ là người trẻ tuổi nhất (1976) mà còn là nhà nghiên cứu duy nhất làm việc tại Việt Nam. Nghiên cứu trong hai lĩnh vực khoa học máy tính và cơ học tính toán, ông phát triển các công cụ tính toán và mô phỏng trên máy tính để tạo ra các mô hình số, có thể ứng dụng vào những lĩnh vực rất đa dạng như cơ kỹ thuật, cơ sinh học, khoa học vật liệu…

Chỉ tính riêng trên tạp chí ISI, ông đã có hơn 120 công bố, được trích dẫn hơn 4.400 lần. Song song với nghiên cứu, ông còn triển khai nhiều ứng dụng trên thực tế, trong đó có công trình phòng chống sạt lở cho Đồng bằng sông Cửu Long do Quỹ VLIR-UOS (Bỉ) tài trợ.

PGS-TS Lê Văn Cảnh - bộ môn Kỹ thuật xây dựng, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng, PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng được trích dẫn nhiều bởi phần lớn các công bố đều được xuất bản trên các tạp chí uy tín thuộc nhóm Q1 và Q2 của lĩnh vực cơ học tính toán; ngoài ra, các công bố đó đề xuất những mô hình mô phỏng được xây dựng trên cơ sở kết hợp các công cụ rất mạnh của khoa học máy tính và cơ học tính toán nên có phạm vi ứng dụng rất rộng trong các ngành kỹ thuật truyền thống như xây dựng, cơ khí, thủy lợi… cũng như những ngành khác như khoa học vật liệu, y sinh…

Ý nghĩa của danh sách

Danh sách những nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất thế giới năm nay do Clarivate Analytics xây dựng dựa trên số liệu của Web of Science trong vòng 10 năm (2005-2015). Hơn 3.300 nhà nghiên cứu thuộc 21 lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có tên trong danh sách là tác giả của những bài báo thuộc tốp 1% các bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong cùng một năm và cùng một lĩnh vực.

Năm nay số nhà nghiên cứu Trung Quốc có mặt trong danh sách tăng 40%, mức tặng cao nhất trong số các nước. Mặc dù chỉ tăng 20%, Phần Lan và Singapore gây ấn tượng bởi phần lớn các nhà nghiên cứu của họ đều ở độ tuổi dưới 30.

Clarivate Analytics còn công bố một danh sách những nhà nghiên cứu “hot” nhất, gồm những người kể từ năm 2014 đã công bố ít nhất 14 bài báo ngay lập tức được trích dẫn nhiều sau khi xuất bản. Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học về sự sống hay công nghệ sinh học chiếm 11 người trên tổng số 21 người trong danh sách, trong đó Eric Lander thuộc Viện Broad (Mỹ) - người tham gia dự án Bản đồ di truyền học ung thư - đứng đầu với 21 bài báo.

Ngoài ra có thể kể đến Feng Zhang - thuộc MIT, một trong những người đi tiên phong về công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR-Cas9, hay Caroline Robert - thuộc Viện Gustave Roussy ở Villejuif, Pháp, người đang thử nghiệm các liệu pháp chống ung thư như điều trị khối u ác tính bằng chất ức chế điểm kiểm soát của kháng thể đơn dòng.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, bản danh sách của Clarivate Analytics chỉ là một trong những cách để đánh giá hiệu suất nghiên cứu khoa học. Việc được trích dẫn nhiều chỉ nói lên rằng, công trình đó nhận được sự quan tâm của đồng nghiệp quốc tế chứ chưa nói lên đầy đủ tầm vóc, ý nghĩa của công trình trong dài hạn, nhất là khi “công trình giải quyết vấn đề càng khó thì càng ít trích dẫn” như PGS - TS Nguyễn Sum (Đại học Quy Nhơn) - giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 - từng nhận định.

Những nước dẫn đầu

Mỹ: 1.661 người
Anh: 350 người
Trung Quốc: 237 người

Những viện nghiên cứu/ trường đại học dẫn đầu

Đại học Harvard: 109 người
Đại học Stanford: 64 người
Hiệp hội Max Planck: 47 người
Viện Hàn lâm KH&CN Trung Quốc: 45 người