Gần đây trên nhiều diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh thông điệp về tinh thần đổi mới sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm và cải cách tối đa thủ tục hành chính để tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

Gần đây trên nhiều diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh thông điệp về tinh thần đổi mới sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm và cải cách tối đa thủ tục hành chính để tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng luôn nhắc nhở doanh nghiệp và các nhà khoa học phải có mối liên kết hợp tác chặt chẽ để không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý nhằm tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong nước và thị trường ngoài nước.

Cán bộ tại phòng thí nghiệm của Công ty cổ phần dược Danapha. Ảnh: Thanh Xuân
Cán bộ tại phòng thí nghiệm của Công ty cổ phần dược Danapha. Ảnh: Thanh Xuân

Quán triệt tinh thần đó, nhiều năm qua, trong công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN), với phương châm lấy doanh nghiệp là trung tâm của mọi hoạt động đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều hoạt động môi giới, tư vấn, giám định, đánh giá, kiểm tra, kiểm định công nghệ… cùng nhiều giải pháp để thúc đẩy một cách hiệu quả mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà khoa học. Từ những kết nối này, đã có nhiều mối “nên duyên”, doanh nghiệp thì tìm được công nghệ như ý, còn nhà khoa học cũng tìm được địa chỉ chuyển giao thành công.

Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã đặt mục tiêu: Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2011-2015 đạt 10-15% và giai đoạn 2016-2020 đạt 20%.

Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, Bộ KH&CN, các sở KH&CN, ngành KH&CN tiếp tục tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp quan trọng. Trong đó việc phát triển các tổ chức trung gian truyền thống hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; tổ chức xúc tiến chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức môi giới công nghệ… sẽ được đẩy mạnh nhằm thúc đẩy thương mại hóa, đưa công nghệ, sản phẩm công nghệ vào thực tiễn; đồng thời các doanh nghiệp cần tăng kinh phí dành cho đổi mới công nghệ (Theo thống kê của Bộ KH&CN, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay mới chỉ dành khoảng 0,4% doanh thu hằng năm cho công tác đổi mới công nghệ, trong khi tại Hàn Quốc là 10%).