Biến đổi hoạt động của doanh nghiệp
Trong một hội nghị
CTO’s Talk của BK Fund về mô hình kinh doanh bằng AI mới đây, một nhóm các nhà đầu tư, doanh nhân và nhà công nghệ đã chia sẻ cách họ phát triển các công ty và hoạt động kinh doanh của mình với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo. Tín hiệu rất lạc quan, bởi vì đa số mọi người đều có mức độ “cởi mở” khác nhau đối với việc ứng dụng AI. Không một ai tỏ ra phản đối hoặc từ chối bước tiến công nghệ này.
Mặc dù vẫn có khá nhiều người bối rối chưa biết có thể ứng dụng AI như thế nào - bằng chứng là gần một nửa thời gian các diễn giả giải thích với nhau về các dạng AI cơ bản và vị trí sử dụng của nó - nhưng nhìn chung các bên tham gia đều thấy rằng AI “có thể có khả năng nào đó” giúp ích cho doanh nghiệp.
Là một nhà tư vấn và ươm tạo các startup AI, ông Phan Văn Hòa hiểu rõ sự cám dỗ của một công nghệ mới. Ông chỉ ra, AI đã được áp dụng âm thầm trong một số doanh nghiệp Việt Nam, nhưng ít người biết đến vì chỉ một bộ phận nhỏ hoặc chuyên gia trong công ty mới được tiếp cận và hiểu rõ về công nghệ này. Nhưng ChatGPT ra đời khiến người ta liên tục nghĩ về AI và khám phá ra một loạt cách ứng dụng AI (thường là AI tạo sinh) để cải thiện tất cả hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các hoạt động tiếp thị và kinh doanh.
Theo ông, việc ứng dụng AI tạo sinh trong kinh doanh có thể xếp vào ba dạng:
đối thoại (là trường hợp được sử dụng nhiều nhất hiện nay, để hỏi đáp và khai thác thông tin dựa trên kiến thức mà AI đã được đào tạo),
tạo nội dung mới (ví dụ, tự động viết các bài mô tả sản phẩm cho website, hoặc bài viết tăng SEO), và
tự động hóa các tác vụ thường ngày (ví dụ: trả lời các câu hỏi thường gặp, hướng dẫn người dùng thực hiện các quy trình đăng ký cơ bản..) giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực cho doanh nghiệp. Khảo sát của Microsoft cho thấy 88% lao động tri thức ở Việt Nam có sử dụng AI tạo sinh, cao hơn mức 75% của thế giới.
Nhưng với tư cách là một nhà nghiên cứu công nghệ, TS. Đinh Viết Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo
BK AI, chỉ ra rằng AI tạo sinh có thể tạo ra những câu trả lời không thực tế. Các công ty sẽ không chấp nhận quá nhiều rủi ro như vậy. Đó là lý do tại sao ông khuyên doanh nghiệp nên kết hợp cả AI dự đoán (Predictive AI) có khả năng phán đoán và AI tạo sinh (Generative AI) có khả năng sáng tạo nội dung mới khi áp dụng các công cụ AI.
Chẳng hạn, để tự động khuyến nghị sản phẩm cho khách hàng, các mô hình AI dự đoán sẽ phân tích sâu dữ liệu quá khứ và hiện tại của khách hàng để nắm bắt được “insight” hữu ích và dự đoán sản phẩm họ sẽ quan tâm. Thông tin này sau đó sẽ được chuyển cho các mô hình AI tạo sinh để tạo ra các nội dung quảng cáo cá nhân hóa, trao đổi và giao tiếp với khách hàng theo cách “giống hệt” như con người.
Trước khi AI tạo sinh bùng nổ vào năm 2022, AI phán đoán chiếm ưu thế và đã có ảnh hưởng nhất định tới một số doanh nghiệp. Có không ít AI do doanh nghiệp tự phát triển. Đôi khi, chúng chỉ dừng ở mức thử nghiệm, nhưng cũng có khi, chúng được triển khai vào sản phẩm thương mại thực tế.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc BKAV, cho biết họ đã xây dựng các AI dùng trong
phần mềm quét virus, và hiện tất cả sản phẩm phần mềm diệt virus mà công ty bán ra đều được quét và bảo vệ tự động bằng AI. Các phầm mềm diệt virus đóng góp khoảng 70% doanh thu của BKAV, giúp họ gánh vác được chi phí cho những dự án chưa sinh lời khác. Không lâu sau đó, BKAV cũng kết hợp với Qualcomm để phát triển một trong những dòng
camera AI tại biên (xử lý thông tin trên thiết bị thay vì gửi đến một trung tâm dữ liệu để xử lý) đầu tiên trên thế giới. Những chiếc camera AI này đang được xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Trong khi đó, các công ty công nghệ nhỏ cũng có những AI riêng của mình.
Apicoo, một công ty khởi nghiệp về robotics, đang phát triển một AI tại biên để giúp cánh tay cobot gắp đồ vật chính xác hơn. Trước đây, họ chưa tính đến công nghệ này. Nhưng AI giúp họ xử lý các hình ảnh thu được và quyết định tại chỗ việc điều hướng robot gắp vật thể. Điều này làm cho sản phẩm của Apicoo đáp ứng được những đòi hỏi gắt gao nhất về độ chính xác của các phòng thí nghiệm quốc tế.
Các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, nông nghiệp, y tế, sản xuất v.v cũng đã bắt đầu xem xét việc đưa AI vào trong các quy trình nghiệp vụ nhằm tối ưu hóa, tiết kiệm thời gian, chi phí và sức lao động. Sự cân nhắc về AI này đi cùng với làn sóng
chuyển đổi số mà nhiều doanh nghiệp đang buộc phải áp dụng.
Theo
báo cáo của Bộ KH&ĐT, các doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức giữa và ngày càng tiệm cận mức nâng cao về chuyển đổi số, nghĩa là họ đã bắt đầu số hóa và tích hợp chuyển đổi số vào hoạt động của tổ chức, nhưng việc quản lý thực hiện vẫn còn gặp thách thức và phải đối mặt với các khó khăn trong quá trình mở rộng quy mô hoặc triển khai thành công ở các bộ phận.
“AI là sự xuất hiện thứ hai của phần mềm”, Trang Trần, một mentor chuyên về chuyển đổi số giải thích. “Đó là một dạng phần mềm tự đưa ra quyết định, có thể hành động ngay cả trong những tình huống mà các lập trình viên không lường trước được. AI có phạm vi khả năng ra quyết định rộng hơn so với phần mềm truyền thống và sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển nếu được chuẩn bị tốt”.
Tạo mô hình kinh doanhĐa số các doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay đã xác định mô hình kinh doanh của riêng mình và tìm cách cải thiện nó bằng các đưa thêm AI vào để nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa quy trình và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, AI cũng có tiềm năng sinh ra những mô hình kinh doanh và dòng doanh thu mới.
“Cá thể hóa trải nghiệm người học là bài toán nhức nhối của ngành giáo dục và AI đang giúp tầm nhìn đó đến nhanh hơn”, Bùi Thị Hoàng Diệp, Giám đốc Điều hành của nền tảng học tiếng Anh trực tuyến eJoy, nhận xét.
eJoy sử dụng các thuật toán AI để trao quyền cho người học tự chủ quyết định nội dung mình muốn học thông qua YouTube, Netflix, Coursera và các nền tảng khác. Chúng bao gồm các hệ thống AI tự động dịch để chuyển đổi qua lại mượt mà giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ khác, và một số hệ thống AI phân tích thói quen, đặc điểm, động lực học tập của người học để gợi ý những kế hoạch học tập phù hợp. Startup này hiện có khoảng 2 triệu người dùng toàn cầu, và người dùng trả tiền hằng tháng để được truy cập vào các app và extension gắn trên trình duyệt của eJoy.
N2TP là một ví dụ khác. Startup này đang đi tiên phong trong lĩnh vực y học chính xác ở Việt Nam. Nền tảng
SmartDose dựa trên AI của họ phân tích các đặc điểm sinh lý của người bệnh, lịch sử dùng thuốc, dữ liệu theo dõi nồng độ thuốc trong máu và mô hình dược động học quần thể của thuốc để đưa ra chế độ liều lượng chính xác nhất cho từng cá thể.
“Bí quyết quan trọng nhất đối với N2TP là luôn cập nhật nghiên cứu của các trường đại học trên thế giới. Từ đó, chúng tôi có được ý tưởng và điều chỉnh tham số của mô hình để phù hợp với điều kiện ở Việt Nam”, ông Đỗ Ngọc Tuấn, Giám đốc Công nghệ của N2TP và có chuyên môn sâu trong lĩnh vực sinh học phân tử, chia sẻ.
Theo báo cáo, đã có hơn 45 bệnh viện tại Việt Nam sử dụng dịch vụ này, bao gồm các bệnh viện tuyến cuối như bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Thanh Nhàn. Mô hình theo dõi nồng độ thuốc cá nhân hóa dựa trên AI này cho phép N2TP tạo ra một dịch vụ độc đáo trong ngành y tế. Mặc dù hiện tại N2TP đang cho phép các bệnh viện sử dụng miễn phí dịch vụ này, nhưng trong tương lai họ có thể cân nhắc đến việc thu phí truy cập vào hệ thống, hoặc của các sản phẩm dựa trên hệ thống SmartDose này.
Ngoài các mô hình kinh doanh như eJoy và N2TP, các công ty cũng có thể khám phá những mô hình kinh doanh mới, chẳng hạn như các dịch vụ trả tiền cho mỗi lần sử dụng, mô hình giải pháp, mô hình định giá dựa trên kết quả v.v để tận dụng các đổi mới do AI điều khiển.
Những mô hình kinh doanh này không chỉ biến đổi ngành công nghiệp mà họ tham gia, mà còn mở đường cho những giá trị mới. Nhưng nhìn chung, các mô hình kinh doanh mới dựa trên AI vẫn đang ở thời kỳ đầu và cần một thời gian nữa để có thể khẳng định được chúng có khả năng kiểm soát lợi nhuận lâu dài hay không.