Giải pháp IoT của Công ty Cổ phần BenKon có thể giúp các cửa hàng, văn phòng giảm từ 20-40% lượng điện năng điều hòa tiêu thụ, tiết kiệm đáng kể chi phí làm mát vào mùa hè.

Điều hòa không khí tự động

“Tại sao mất điện thường xảy ra vào ngày nóng?” Câu trả lời là vì sử dụng điều hòa! Khi cái nóng đạt đến đỉnh điểm,có một hệ thống điều hòa không khí mát mẻ là điều ai cũng muốn. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng cài đặt nhiệt độ điều hòa một cách tối ưu - đôi khi quá lạnh, đôi khi lại quá nóng. Điều đó dẫn đến lãng phí năng lượng và tạo sức ép cho cả hệ thống.

Đối với các doanh nghiệp, tiết kiệm năng lượng đã trở thành mối quan tâm lớn trong thời gian gần đây, bởi họ không chỉ cân nhắc đến việc giảm khí thải carbon và bảo vệ môi trường cho các mục tiêu lớn như Net Zero, mà còn để đạt được những mục tiêu đơn giản sát sườn hơn như giảm hóa đơn tiền điện cần chi trả mỗi tháng. BenKon, một công ty khởi nghiệp ở TPHCM được thành lập vào năm 2020, đang tạo ra làn sóng với giải pháp IoT đột phá để tối ưu hóa hiệu quả điều hòa và chất lượng không khí cho những doanh nghiệp như vậy.

“Chúng ta không thể ngừng sử dụng điều hòa, nhưng điều chỉnh điểm đặt nhiệt độ sẽ giúp ích rất nhiều. Ngay cả khi chỉ thay đổi 1oC, nó cũng có thể tiết kiệm khá nhiều điện năng mà không làm thay đổi cảm giác thoải mái của mọi người trong phòng”, anh Trương Minh Đạt, Giám đốc và Đồng sáng lập của BenKon, nói. Họ đã phát triển một hệ thống có thể tương thích với hầu hết các mẫu máy lạnh trên thị trường và được điều khiển từ xa thông qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Chúng gồm một thiết bị phần cứng có thể gắn cạnh máy điều hòa, chứa các các cảm biến về nhiệt độ, độ ẩm, và đo lường điện năng tiêu thụ theo thời gian thực. Các thông số này được cập nhật lên đám mây và được phần mềm xử lý. Với phần mềm này, người dùng có thể điều khiển điều hòa và cài đặt các tùy chỉnh như chế độ hoạt động, thời gian mở tắt, nhiệt độ...

Thiết bị phần cứng (trái) để gắn cạnh điều hòa và giao diện điều khiển trên điện thoại của BenKon. Ảnh: BenKon
Thiết bị phần cứng (trái) để gắn cạnh điều hòa và giao diện điều khiển trên điện thoại của BenKon. Ảnh: BenKon

Anh Trương Minh Đạt giải thích, nếu chỉ cung cấp cho người dùng toàn quyền kiểm soát thiết bị từ xa qua điện thoại thì BenKon cũng chẳng khác gì những ứng dụng nhà thông minh hiện có trên thị trường. Nhưng họ muốn biến những chiếc điều hòa bình thường thành điều hòa tiết kiệm điện, thậm chí nó còn có thể tự biết khi nào cần vệ sinh, bảo trì để thông báo với người dùng. Do vậy, ứng dụng của họ còn có một thuật toán AI tích hợp để quan sát hành vi của người dùng trong vài tuần và sau đó đề xuất kế hoạch tiết kiệm năng lượng dựa trên mô hình sử dụng, nhiệt độ thoải mái và mức trả tiền điện cho các chủ sở hữu.

Chẳng hạn, nếu một cửa hàng có nhiều tầng và nhân viên thường phải bật điều hòa từ lúc 8h đến 22h, khách hàng của họ thường cảm thấy thoải mái ở 25oC, và thường đến đông nhất vào lúc 11h30 trưa đến 13h30 chiều thì thuật toán sẽ học được rằng nó có thể tự thay đổi nhiệt độ khoảng 1-2oC vào sáng sớm hoặc chiều tối mà không ảnh hưởng tới sự thoải mái của mọi người. Cảm biến giúp các thiết bị theo dõi cả sự hiện diện của mọi người trong phòng để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Nếu điều hòa tốn nhiều điện nhưng không làm mát được, hệ thống sẽ đưa ra thông báo. Chúng còn có thể tự động bật, tắt điều hòa theo lịch, đề phòng trường hợp nhân viên cửa hàng quên kiểm tra trước khi đóng cửa.

BenKon tuyên bố rằng giải pháp được cấp bằng sáng chế này của họ có thể giúp điều hòa tiết kiệm ít nhất 20% so với lượng điện tiêu thụ trước khi sử dụng giải pháp tự động. Con số giảm có thể lên tới 40% sau khi máy điều hòa được bảo trì, vệ sinh đúng cách theo những khuyến nghị của phần mềm. Họ đã làm việc với một số cửa hàng như đồ nội thất JYSK, chuỗi bán lẻ GS25, nhà hàng ăn uống The Coffee House, Toco Coffee…

Những người sáng lập BenKon cũng nói rằng với giá thành đầu tư cho một thiết bị không quá lớn (khoảng 1,8 triệu đồng/chiếc) thì thời gian thu hồi vốn chắc chắn dưới một năm. Đó là điểm thuận lợi lớn, khi mà chi phí đầu tư luôn là trở ngại lớn với các doanh nghiệp muốn thay đổi.

Tuy nhiên, BenKon cũng áp dụng một mô hình trả phí khác, thu tiền dịch vụ phần mềm theo tháng. Ban đầu, khách hàng của họ khá bỡ ngỡ với mô hình trả phí này. Nhưng với mỗi máy lạnh được triển khai và tiết kiệm được hàng trăm nghìn đồng tiền điện mỗi tháng, họ sẽ phải chia sẻ khoảng 25% số tiền tiết kiệm được cho phần mềm. Bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng hệ thống điều hòa, các doanh nghiệp và BenKon đều có lãi trong hành trình tiết kiệm điện lâu dài này.

Thị trường rộng lớn


BenKon nhắm mục tiêu đến các chuỗi bán lẻ, cơ quan và trường học - nơi sử dụng rất nhiều điều hòa trong các không gian khác nhau. Vì đặc thù phức tạp, người quản lý của các cơ sở này muốn một phần mềm quản lý tập trung, trong khi máy điều hòa của họ lại phân tán ở hàng chục, hàng trăm vị trí khác nhau, thậm chí trải dài từ Bắc đến Nam. Để cân bằng giữa chi phí hoạt động với trải nghiệm người dùng, những người quản lý này cần một giải pháp thông minh thay thế cho những cách làm thủ công. Đó là lúc BenKon phát huy tác dụng.

Nhưng việc thâm nhập thị trường không dễ dàng. “Nhiều người tìm kiếm giải pháp tiết kiệm điện. Nhưng khi gặp chúng tôi, họ vẫn có e dè. Họ phải vượt qua được trở ngại là đặt niềm tin vào một startup còn rất non trẻ thay vì tin vào một công ty hoặc tập đoàn rất lớn, rất lâu đời”, anh Trương Minh Đạt chia sẻ trong một buổi phỏng vấn tại cuộc thi Qualcomm năm ngoái.

Đội ngũ của BenKon. Ảnh: BenKon
Đội ngũ của BenKon. Ảnh: BenKon

Qualcomm là một công ty chip lớn của Mỹ, họ thường tổ chức các cuộc thi để tìm kiếm và hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. Vượt qua được sự sàng lọc của Qualcomm có thể coi như một minh chứng tốt cho năng lực kỹ thuật của các công ty khởi nghiệp “Make in Việt Nam”. Năm ngoái, BenKon đã đạt được vị trí thứ ba.

Hai người thành lập BenKon là các kỹ sư từ Đại học Bách khoa TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Đại học Công nghệ quốc gia Đài Loan, cả hai đều đã có kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia. Đó là cơ sở để họ quản lý và vận hành một mô hình kinh doanh mới theo cách bài bản mà không mất đi động lực.

Công ty đã huy động được 500.000 USD vốn hạt giống từ quỹ nội địa ITI Fund. Vòng gọi vốn cũng có sự tham gia của cá nhân nổi bật là ông Niraan De Silva, Tổng Giám đốc VNLIFE (công ty mẹ của VNPay). Số tiền dự kiến sẽ được BenKon sử dụng cho các hoạt động nghiên cứu phát triển và thâm nhập thị trường.

Bà Đặng Thị Kiều My, trưởng bộ phận đầu tư của ITI Fund, nhận xét rằng đầu tư vào phát triển những công nghệ tiên tiến như BenKon sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong hành trình hiện thực hóa chiến lược Net-Zero của Việt Nam vào năm 2050.

Mỗi năm, người Việt mua hơn 2 triệu máy điều hòa. Đó thực sự là một thị trường rộng lớn để can thiệp. Những người sáng lập BenKon mang trong mình một giấc mơ rằng một ngày nào đó, tất cả điều hòa của doanh nghiệp Việt Nam đều được kết nối với đám mây của BenKon, và EVN có thể xoay sở để giảm điện điều hòa trong một ngày nắng nóng để giải cứu lưới điện quốc gia và không ai bị mất điện. Họ cũng muốn góp chân vào thị trường toàn cầu, nơi đang có 2 tỷ điều hòa hoạt động và sẽ tăng lên hơn 5 tỷ điều hòa vào năm 2050.