Có nhiều động cơ phức tạp trong quyết định chọn nơi du học của các nghiên cứu sinh Việt Nam, bởi vậy các sáng kiến đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài cần cân nhắc kỹ lưỡng các động cơ này để việc triển khai thực sự hiệu quả.
Động cơ phức tạp
Hoàn cảnh gia đình, kế hoạch tài chính, những bận tâm thực tế như ngoại ngữ hay môi trường phát triển, ảnh hưởng từ bạn bè và đồng nghiệp, và trải nghiệm quốc tế trước đó, là những yếu tố tác động đến việc nghiên cứu sinh Việt Nam chọn du học ở đâu. Đó là những phát hiện từ bài báo “
The why of where: Vietnamese doctoral students’ choice of PhD destinations” xuất bản năm 2023 của tác giả Anh Ngoc Quynh Phan, hiện đang công tác tại Khoa Giáo dục và Công tác Xã hội, Đại học Auckland (New Zealand), trên tạp chí
Studies in Continuing Education (Scopus Q1, CiteScore 4.7).
Thời gian qua, đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam dù đã đạt những cột mốc đáng kể nhưng vẫn còn phải đối mặt với nhiều thử thách. Trong khi quy mô giáo dục đại học liên tục được mở rộng, với số lượng tuyển sinh đại học tăng trưởng đều đặn, tuyển sinh và đào tạo bậc sau đại học, đặc biệt là ở cấp độ tiến sĩ, không ổn định. Số nghiên cứu sinh có chiều hướng tăng từ năm 2013 đến năm 2019, nhưng từ năm 2020 đến nay có chiều hướng giảm mạnh, với tỷ lệ giảm bình quân trong cả giai đoạn là 5%
1. Chính phủ đã có các chính sách, chiến lược nhằm khuyến khích nghiên cứu sinh du học nước ngoài, bên cạnh thúc đẩy đào tạo trong nước, để nâng cao chuyên môn. Đến năm 2017, số lượng nghiên cứu sinh ở nước ngoài đã tăng lên hơn 2.300
2. Các chính sách đáng kể như Đề án 322, Đề án 911 và gần đây là Đề án 89 được thiết kế để hỗ trợ tài chính cho dự kiến hàng nghìn giảng viên đại học lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài
3. Tuy nhiên, dù có những khởi sắc, hiệu quả của các chính sách này được đánh giá là không như mong đợi
2, 4, 5.
Nhiều sinh viên Việt Nam nhận thấy các chương trình tiến sĩ nước ngoài, đặc biệt là ở các nước phát triển, mang lại nền giáo dục chất lượng cao hơn và bằng cấp uy tín hơn. Học tập ở nước ngoài thường mang lại cơ hội tiếp cận các cơ sở nghiên cứu tiên tiến và cơ hội hợp tác quốc tế, điều vốn có thể bị hạn chế ở các tổ chức trong nước. Hơn nữa, bằng tiến sĩ từ một tổ chức nước ngoài có uy tín thường được coi là lợi thế đáng kể trong thị trường việc làm học thuật cạnh tranh ở Việt Nam. Trong bối cảnh các chương trình đào tạo tiến sĩ của nước ngoài ngày càng được quan tâm, nghiên cứu của tác giả Anh Ngoc Quynh Phan đã góp phần khám phá các nhân tố thúc đẩy quyết định của nghiên cứu sinh trong việc lựa chọn quốc gia làm điểm đến cho hành trình học thuật của mình thông qua một khung lý thuyết mới.
Nghiên cứu là một phần của cuộc điều tra lớn hơn về các nghiên cứu sinh người Việt ở nước ngoài, với dữ liệu được thu thập qua ba giai đoạn: trước khi khởi hành, trong, và sau thời gian làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Đã có 19 nghiên cứu sinh tham gia vào các buổi phỏng vấn sâu trực tiếp hay trực tuyến do khoảng cách địa lý giữa tác giả và người tham gia phỏng vấn. Nội dung phỏng vấn tập trung vào các khía cạnh như học vấn, bối cảnh gia đình, chuyên môn, động lực du học, các lựa chọn ban đầu cho các quốc gia để theo học tiến sĩ, và những lý do cụ thể cho lựa chọn cuối cùng của họ. Phương pháp phân tích chủ đề (thematic analysis) được sử dụng để xử lý dữ liệu.
Nghiên cứu đã làm sáng tỏ yếu tố gia đình ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc lựa chọn điểm đến của các nghiên cứu sinh Việt Nam. Theo kết quả phỏng vấn, đa số các nghiên cứu sinh đều đã lập gia đình và sẽ đưa vợ/chồng cùng con cái đến quốc gia họ chọn. Chính điều này đã khiến các yếu tố gia đình trở thành mối băn khoăn hàng đầu của người tham gia phỏng vấn, bao gồm cơ hội việc làm cho đối phương, cơ hội giáo dục cho con cái, cũng như môi trường sống. Một số trường hợp còn cho thấy các nghiên cứu sinh bỏ qua sự cân nhắc các yếu tố khác vì vợ/chồng hay thành viên khác trong gia đình của họ đang sinh sống ở quốc gia ấy, nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố gia đình trong quyết định của nghiên cứu sinh.
Khả năng tiếp cận học bổng và các gói hỗ trợ tài chính cũng tác động đáng kể đến lựa chọn của các nghiên cứu sinh, hướng họ đến các quốc gia có các mức hỗ trợ tài chính hào phóng hơn. Phỏng vấn chỉ ra rằng, một số nghiên cứu sinh có nguyện vọng ban đầu ở một quốc gia khác, nhưng sau khi cân nhắc khả năng chi trả cho việc học tập/sinh hoạt, hay sự canh trạnh của các học bổng, họ đã chọn điểm đến khác với nguyện vọng ban đầu.
Bên cạnh đó, những cân nhắc thiết thực hơn, bao gồm ngôn ngữ, điều kiện thời tiết, và lối sống, đều quan trọng trong quá trình ra quyết định của nghiên cứu sinh. Ngoài một trường hợp nghiên cứu sinh đã học ở Trung Quốc ở các bậc học trước, toàn bộ người tham gia phỏng vấn đều nêu rõ mối quan tâm của họ đối với ngôn ngữ ở quốc gia mình đến. Mối quan tâm không chỉ cho riêng họ mà còn cho vợ/chồng và con cái khi làm việc, học tập. Điều này đã khiến các nghiên cứu sinh đều đưa các quốc gia nói tiếng Anh làm lựa chọn hàng đầu cho mình, khi các quốc gia không dùng tiếng Anh có thể gây khó khăn hơn cho bản thân nghiên cứu sinh và gia đình họ. Ngoài ra, thời tiết và lối sống của quốc gia điểm đến tuy không ảnh hưởng mạnh mẽ đến lựa chọn của nghiên cứu sinh nhưng cũng góp phần tác động đến quyết định của họ.
Cuối cùng, nghiên cứu nhấn mạnh mạng lưới quan hệ trực tiếp với đồng nghiệp và bạn bè đã từng du học đóng vai trò là nguồn thông tin và cảm hứng quan trọng, thường định hình nhận thức của sinh viên về các quốc gia tiềm năng. Một số trường hợp cho thấy nghiên cứu sinh chọn một điểm đến chỉ nhờ những phản hồi tích cực của người đi trước gần gũi với họ.
Một phát hiện thú vị khác là kinh nghiệm di chuyển trước đó của các nghiên cứu sinh, dù là để học tập hay làm việc, cũng ảnh hưởng đến lựa chọn của họ theo những cách khác nhau. Một số tìm kiếm môi trường quen thuộc, muốn quay trở lại những quốc gia họ đã từng học tập; trong khi những người khác mong muốn tìm kiếm trải nghiệm mới ở các quốc gia khác để mở mang tầm nhìn.
Để triển khai hiệu quả các sáng kiến đào tạo tiến sĩ ở nước ngoàiNghiên cứu của tác giả Anh Ngoc Quynh Phan sử dụng khung lý thuyết Tưởng tượng và Khát vọng (Imagination and Aspiration) của A. Appadurai để phân tích cách nghiên cứu sinh Việt Nam định hướng hướng “bản đồ khát vọng” của họ khi chọn điểm đến du học. Khung lý thuyết này được giới thiệu như một cách tiếp cận mới để phân tích khía cạnh văn hóa của hiện tượng toàn cầu hóa6. Sự tưởng tượng của một cá nhân về khả năng bản thân hay con cái của họ sinh sống, làm việc, học tập ở một quốc gia khác trở thành một yếu tố quan trọng định hình cách suy nghĩ của họ về thế giới, ảnh hưởng đến cách mỗi người đối phó và ra quyết định. Bên cạnh tưởng tượng, khát vọng là một cấu phần khác khiến mọi người khác biệt với nhau về cách họ khám phá tương lai của mình. Trong nghiên cứu của tác giả Anh Ngoc Quynh Phan, cách tiếp cận này cho thấy nghiên cứu sinh không đơn giản bị đẩy hoặc hút bởi các yếu tố bên ngoài mà chủ động cân nhắc các lựa chọn dựa trên nhiều “nút khát vọng - aspirational nodes” trong hoàn cảnh xã hội và cá nhân của họ. Tác giả giải thích: “Bằng cách sử dụng Tưởng tượng và Khát vọng làm khung khái niệm, chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn về cách các sinh viên đưa ra quyết định. Không chỉ là về các yếu tố kinh tế hay uy tín học thuật; mà còn về cách họ tưởng tượng cuộc sống và sự nghiệp tương lai của mình trong những bối cảnh khác nhau.”
Trước tình trạng tuyển sinh tiến sĩ trong nước ngày càng giảm
1 và xu hướng sinh viên Việt Nam theo học tiến sĩ ở nước ngoài ngày càng tăng
2, nghiên cứu đã cung cấp những hiểu biết quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục và các tổ chức ở Việt Nam, nhấn mạnh sự cần thiết phải có một tiếp cận đa diện để giải quyết các thách thức đối với việc đào tạo tiến sĩ. Cụ thể, các sáng kiến của chính phủ như Đề án 322, 911 và 89 cần cân nhắc kỹ lưỡng các động cơ phức tạp của nghiên cứu sinh để việc triển khai thực sự hiệu quả.
Nghiên cứu còn mở ra một số hướng cho các nghiên cứu trong tương lai, bao gồm các nghiên cứu so sánh giữa nghiên cứu sinh và các nhóm khác như học viên cao học và sinh viên đại học, điều tra về các nút khát vọng khác nhau giữa các nhóm sinh viên thuộc các quốc gia khác nhau, và các nghiên cứu tiếp theo về trải nghiệm sống của nghiên cứu sinh tại các điểm đến họ đã chọn. Như tác giả Anh Ngoc Quynh Phan kết luận: “Nghiên cứu này nhấn mạnh tính phức tạp của hiện tượng di động sinh viên quốc tế. Điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục khám phá các quá trình ra quyết định để hỗ trợ sinh viên tốt hơn và nâng cao chất lượng giáo dục quốc tế.”
Tài liệu tham khảo
[2] A. N. Q. Phan, “Why overseas? Vietnamese doctoral students’ motivations for a doctoral study abroad,” Journal of Adult and Continuing Education, số 29, quyển 1, tr. 5-24, 2023. doi: 10.1177/14779714221105912.
[6] A. Appadurai, Modernity at Large: Cultural Dimensions of Globalization. Minneapolis, MN: University of Minnesota Press, 1996.
Đăng số 1302 (số 30/2024) KH&PT