Ngày 16/2, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 với chủ đề “Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam”.
Đây là năm thứ hai Báo cáo được phát hành.
Báo cáo năm nay dựa trên khảo sát 1.000 doanh nghiệp trên cả nước đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề như: Nông, lâm, thủy sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn và bán lẻ; Giáo dục đào tạo…
Trong đó, phần lớn (80%) doanh nghiệp được khảo sát có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; và 12,6% là doanh nghiệp lớn.
Mối quan tâm đối với chuyển đổi số
Theo Báo cáo, gần một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát (48,8%) cho biết từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số để sản xuất, kinh doanh nhưng hiện tại đã dừng do các giải pháp này chưa phù hợp hoặc doanh nghiệp áp dụng để đáp ứng những nhu cầu tức thời đặt ra trong bối cảnh dịch COVID-19 và giờ không còn nhu cầu.
Nhưng nhiều doanh nghiệp đã nhìn nhận chuyển đổi số như một xu hướng tất yếu và tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, giúp doanh nghiệp thích ứng, thậm chí đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn chưa từng có tiền lệ vừa qua.
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, nhận xét, so với năm 2021 khi nhiều doanh nghiệp đang ở bước học tập, tìm hiểu và tham khảo thông tin, chuẩn bị cho việc triển khai chuyển đổi số, thì năm 2022, số doanh nghiệp đang tiến hành chuyển đổi số và số lượng doanh nghiệp dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này (dù ít hay nhiều) đã tăng lên.
Có tới 80% số doanh nghiệp đã dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số, mặc dù một nửa trong số đó nhấn mạnh rằng số tiền mà họ dành ra “hầu như không đủ để đáp ứng đủ nhu cầu thực tế”. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá là “mang tính cục bộ và rời rạc” do thiếu mục tiêu, kế hoạch, cũng như chiến lược thực hiện thiếu rõ ràng ngay từ đầu, khiến việc chuyển đổi số chưa mang lại thành công như mong đợi.
Các doanh nghiệp cho biết họ đang có nhu cầu được hỗ trợ ở tất cả giai đoạn của quá trình chuyển đổi số - từ chuẩn hoá các quy trình hoạt động của doanh nghiệp (23,6%), xây dựng lộ trình chuyển đổi số (24,3%) cho đến khi triển khai thực hiện (22,2%) hay tiếp nhận các giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số (25%).
Mức độ sẵn sàng
Khảo sát của Bộ Kế hoạch & Đầu Tư đã cung cấp một
bộ công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho các doanh nghiệp theo thang điểm từ mức cơ bản (1 điểm) đến mức dẫn đầu (5 điểm). Các chỉ số thành phần đo lường mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong 7 lĩnh vực trọng tâm của doanh nghiệp.
Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức giữa giai đoạn phát triển và ngày càng tiệm cận mức nâng cao về chuyển đổi số, nghĩa là họ đã bắt đầu số hóa và tích hợp chuyển đổi số vào hoạt động của tổ chức, nhưng việc quản lý thực hiện vẫn còn gặp thách thức và phải đối mặt với các khó khăn trong quá trình mở rộng quy mô hoặc triển khai thành công ở các bộ phận.
Cụ thể, Định hướng chiến lược (3,1 điểm) và Con người và tổ chức (2,9 điểm) là hai khía cạnh có mức độ sẵn sàng tốt nhất. Điều này chỉ ra rằng đội ngũ nhân sự - từ cấp lãnh đạo cho đến nhân viên - đều có sự trưởng thành cao về khả năng nắm bắt và nhận thức về xu hướng chuyển đổi số, đáp ứng nhanh và linh hoạt với đầy đủ kiến thức kỹ năng và kinh nghiệm.
Trải nghiệm khách hàng & Bán hàng đa kênh (2,9 điểm) cũng có mức độ sẵn sàng tương đối tốt. Các doanh nghiệp đã có bước tiến trong áp dụng các công nghệ số để đo lường, nắm bắt, điều chỉnh nhanh chóng chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hướng tới việc phục vụ khách hàng bằng các dịch vụ khác biệt và cá nhân hoá.
Đối với các nghiệp vụ quản lý, hầu hết các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã ứng dụng công nghệ số vào nghiệp vụ kế toán ở mức cao và thường xuyên. Tuy nhiên, nghiệp vụ quản trị tài chính, lập kế hoạch, quản trị nhân sự… có mức độ chuyển đổi số còn khiêm tốn. Vì thế, trung bình mức độ sẵn sàng của toàn bộ khía cạnh Nghiệp vụ quản trị tài chính, kế toán, kế hoạch, pháp lý và nhân sự đạt mức khá (2,8 điểm).
Mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số trong Chuỗi cung ứng (2,7 điểm) và Hệ thống CNTT & quản trị dữ liệu (2,6 điểm) tương đương nhau. Công nghệ số đã được áp dụng phổ biến hơn trong một số nghiệp vụ như quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng. Nhiều doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu và chuẩn hóa quy trình để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.
Trong khi đó, Quản lý rủi ro & an ninh mạng (2,4 điểm) thực sự là mối lo ngại lớn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiến trình chuyển đổi số. Doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ các rủi ro khi thực hiện chuyển đổi số (bao gồm rủi ro về mặt chiến lược, rủi ro từ bên ngoài và bên trong doanh nghiệp). Việc thiếu quy trình kiểm tra, rà soát lỗ hổng trong hệ thống chuyển đổi số, cũng như đánh giá rủi ro là hạn chế phổ biến của các doanh nghiệp Việt Nam.
Khi xem xét mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp theo ngành, báo cáo cho thấy có 12/16 ngành có mức độ trên mức trung bình (mốc 2,5 điểm). Nghĩa là, hầu hết các ngành nghề được khảo sát đã và đang phát triển được các mục tiêu số hóa trong hoạch định chiến lược và thiết lập được các vị trí quản lý cần thiết hay các dự án chuyển đổi số riêng biệt. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp trong hầu hết các ngành đã sẵn sàng cho sự dịch chuyển mang tính chất đột phá và toàn diện này.
Các ngành có mức độ sẵn sàng cao nhất gồm: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; Bán buôn và bán lẻ; Sửa chữa xe; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Khai khoáng;…