Làm thế nào để tiếp cận một bức tranh bằng cả cảm nhận, hiểu biết lẫn óc phân tích của mình?

.
Nguồn: Omega+

Đó là vấn đề mà TS. Susan Woodford, một giảng viên môn lịch sử nghệ thuật từng làm việc tại Bảo tàng Anh, đã đặt ra để giải quyết trong cuốn “Xem tranh”.

Bằng cách xem xét chủ đề, nguồn gốc và hình thức của hơn 100 bức tranh đến từ nhiều thời đại và vùng đất khác nhau, rồi đặt ra những câu hỏi mở để người đọc tự tìm hiểu và thảo luận, cuốn sách đã thử thách những định kiến về nghệ thuật của đa số người thưởng thức, rồi hướng dẫn họ tự phát triển năng lực thẩm mỹ của bản thân.

Cùng với hai cuốn còn lại trong bộ sách về nghệ thuật, gồm “Để hiểu nghệ thuật” (Janetta Rebold Benton) và “Những thời khắc then chốt của nghệ thuật” (Lee Chesire), cuốn sách đã tạo nên một cẩm nang hướng dẫn về mỹ thuật phù hợp với độc giả đại chúng.

Trong bộ ba này, “Xem tranh” có lẽ là cuốn cơ bản nhất, vì nó trang bị cho người đọc một phương pháp đơn giản để thưởng thức từng tác phẩm hội họa cụ thể, trong khi hai cuốn còn lại tìm kiếm một cái nhìn tổng quan về lịch sử và bản chất của nghệ thuật tạo hình.

Được tác giả nêu một cách sơ lược ngay từ phần mở đầu, phương pháp này bao gồm việc xem xét bốn gạch đầu dòng: (1) Mục đích của bức tranh; (2) Bối cảnh văn hóa; (3) Mối quan hệ giữa tranh và thực tại; và (4) Cấu trúc tranh. Một yếu tố khác, phẩm chất của người họa sĩ, sẽ được đề cập đến trong chương cuối cùng. Bằng cách xem xét lặp đi lặp lại năm yếu tố vừa nêu ở từng bức tranh cụ thể, đồng thời so sánh các yếu tố tương ứng ở hai bức tranh, cuốn sách luyện cho người đọc quen với phương pháp xem tranh này, đến khi nó trở thành một phản xạ thẩm mỹ và tri thức mà họ có mỗi khi tiếp cận hội họa.

Yếu tố thứ nhất, mục đích của bức tranh, ít nhiều liên quan đến danh sách các thể loại quen thuộc của hội họa như tranh phong cảnh, tranh chân dung, tranh tĩnh vật, tranh sinh hoạt, tranh lịch sử, tranh tôn giáo… Các thể loại này cung cấp một lối tắt quen thuộc để hình thức của bức tranh mà họa sĩ cung cấp gặp gỡ các nhu cầu của người mua tranh (ví dụ: ghi lại chân dung khách hàng, minh họa sự kiện lịch sử, trang trí các địa điểm tôn giáo hay nhà riêng…). Dù vậy, những bức tranh cùng thể loại vẫn có thể khác nhau đáng kể về mục đích và hình thức, nếu chúng đến từ hai thời đại có thị hiếu khác nhau hoặc hai họa sĩ có cá tính khác nhau. Nếu các tranh khảm Byzantium hồi thế kỷ VI chỉ đặt mục đích minh họa Kinh thánh một cách tường minh nhất có thể, và làm điều đó bằng cách vẽ Chúa Jesus to rõ ở trung tâm bức tranh, thì họa sĩ Tintoretto sau đó 10 thế kỷ lại vẽ một Jesus nhỏ bé và lẩn khuất trong bức “Bữa tối cuối cùng”, qua đó đưa thêm những chiêm nghiệm tôn giáo và nhân sinh của mình vào bức họa được xem như tuyệt tác.

Bức tranh “Bữa tối cuối cùng” của Tintoretto (1518-1594), mô tả Chúa Jesus hiện diện lẩn khuất giữa đám đông huyên náo:
Bức tranh “Bữa tối cuối cùng” của Tintoretto (1518-1594), mô tả Chúa Jesus hiện diện lẩn khuất giữa đám đông huyên náo. Nguồn: Wikipedia

Để hiểu và thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, người xem cũng cần khám phá bối cảnh văn hóa của nó. Chẳng hạn, ta không thể hiểu vì sao Kinh Qur’an thế kỷ XIV lại được trang trí bằng những họa tiết hình học tinh tế, nếu không biết rằng nhiều người Hồi giáo phản đối việc mô tả các sinh vật sống hoặc nhân vật tôn giáo bằng hình minh họa trực quan. Cuốn sách đi sâu xem xét phương diện này của hội họa, khi mô tả cách mà các họa sĩ chịu ảnh hưởng từ người đi trước mình. Nếu biết rằng bức tranh khắc các vị thần trên một chiếc quách La Mã thế kỷ III đã được Raphael chép lại thành bức “Sự phán xét của Paris” vào thế kỷ XVI – một tác phẩm được Manet tham khảo để vẽ bức “Bữa trưa trên cỏ” sau đó ba thế kỷ, trước khi Picasso mượn bố cục của “Bữa trưa trên cỏ” để vẽ 177 bức tranh cùng tên; độc giả sẽ hiểu sáng tạo nghệ thuật không chỉ đến từ cá nhân các họa sĩ “thiên tài”, mà còn đến từ các diễn ngôn hội họa được duy trì qua nhiều thời đại.

Một bức tranh đẹp có nhất thiết phải “giống thật”? Cuốn sách đã xem xét năng lực biểu đạt của họa tiết, bố cục, phối cảnh không gian ba chiều, màu sắc, sáng tối, ngôn ngữ biểu tượng... Danh sách các tác phẩm hội họa bất hủ bao gồm những bức tranh khắc gỗ chỉ mô tả không gian hai chiều của Nhật Bản, những kiệt tác áp dụng phép phối cảnh ba chiều của Leonardo hoặc Tintoretto, những bức tranh trừu tượng chỉ mô tả các mảng màu vuông vức của Mondrian, hay các bức tranh lập thể của Picasso, trong đó ông bóp méo hình ảnh đời thường thành các hình khối giản đơn…

Yếu tố thứ tư, cấu trúc của bức tranh, được tập trung phân tích thông qua các ví dụ cụ thể để chỉ ra cách mà các họa sĩ điều khiển cảm xúc của người thưởng ngoạn, ngay cả khi người xem không biết đề tài của bức tranh và bối cảnh sáng tác. Chẳng hạn, có một sự đối lập rõ ràng giữa những bức tranh mô trả sự oai phong của các nam quân vương – trong đó nhân vật có thể đứng bệ vệ chiếm hầu hết khung hình – với những bức tranh mô tả sự thanh nhã của các nữ quý tộc – trong đó nhân vật mặc trang phục mềm mại chỉ chiếm không quá nửa khung hình và như thể hòa tan vào cảnh sắc thiên nhiên.

Cuốn sách cũng xem xét sự khác biệt về ánh sáng, bố cục và bút pháp giữa hội họa Phục hưng và hội họa Baroque, thông qua bộ công cụ phân tích mà nhà nghiên cứu Heinrich Wölfflin (1864-1945) đã xây dựng.

Vậy sau tất cả, điều gì làm nên năng lực của một họa sĩ? Trong chương cuối, tác giả bình luận rằng một họa sĩ giỏi sẽ đáp ứng được các đòi hỏi chuyên môn – như “biết cách sáng tác một bức tranh”, có cảm thức tinh tế về “sự hài hòa” hoặc “bất hòa” của màu sắc, đồng thời nhận thức được cả điểm mạnh lẫn hạn chế của các truyền thống. Tác phẩm của một họa sĩ giỏi sẽ “mang lại sự thỏa mãn, hài lòng, giật mình”, hoặc giúp người xem tranh “mở rộng hiểu biết” về đề tài hoặc hình thức. Nhưng nằm ngoài ranh giới của một họa sĩ giỏi, một họa sĩ thiên tài cần “mở ra một thế giới cảm nhận hoàn toàn mới” cho người xem tranh. Óc quan sát mà Giotto từng sử dụng để mô tả sự khác biệt giữa nụ hôn của Judas với nụ hôn của hai vị thánh, hay sự vi tế và đa chiều của cảm xúc con người trong các bức tranh của Rembrandt - ấy là những dấu ấn khiến họ nổi bật hẳn so với các họa sĩ giỏi cùng thời, và để lại nhiều di sản cho ngôn ngữ hội họa mà đời sau tiếp nhận.

Bên cạnh ưu điểm nổi bật là sự dễ hiểu, “Xem tranh” cũng gây ấn tượng bằng danh sách câu hỏi mà tác giả cung cấp cho người đọc ở cuối mỗi chương. Số này bao gồm cả những câu hỏi mở, chấp nhận nhiều câu trả lời đúng khác nhau, và đôi khi liên quan đến những cuộc tranh luận không hồi kết trong lịch sử nghệ thuật. Vốn không thể trả lời rốt ráo chỉ bằng những nội dung đã đọc trong mỗi chương sách, những câu hỏi như vậy khuyến khích người đọc tự suy ngẫm để tìm cho mình một câu trả lời riêng. Bằng cách này, cuốn sách không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn giúp người đọc tự phát triển năng lực thẩm mỹ của bản thân, qua đó hoàn thành nhiệm vụ của một cẩm nang hướng dẫn về mỹ thuật cho độc giả đại chúng.

Điểm yếu lớn nhất của cuốn sách, khá dễ thấy, là sự tập trung quá lớn của nó vào hội họa Âu Mỹ. Sách chỉ nhắc đến ba tác phẩm từ các nền văn hóa khác phương Tây, là hai bức tranh khắc gỗ Nhật Bản và một mẫu trang trí bìa sách Hồi giáo - cả hai đều thuộc những truyền thống đã được hội họa phương Tây nghiên cứu và hấp thu từ nửa cuối thế kỷ 19. Trong khi đó, nghệ thuật tạo hình của Trung Quốc, Ấn Độ, châu Phi và các dân tộc bản địa ở châu Mỹ đã không hề được nhắc tên. Trong phạm vi ảnh hưởng của truyền thống phương Tây, cuốn sách cũng chỉ nhắc tên các họa sĩ châu Âu, Byzantine và Mỹ, chứ không hề nhắc đến hội họa Nga hay Trung và Nam Mỹ. Sách đã mô tả phong cách lập thể như một khám phá thiên tài của Picasso, và bỏ qua nguồn cảm hứng mà họa sĩ này tiếp nhận từ truyền thống điêu khắc của người châu Phi da đen. Vì lý do này, cuốn sách chủ yếu là một cẩm nang về hội họa Âu Mỹ, và có thể bỏ sót cách xem tranh trong các nền văn hóa khác.