Những phát hiện gần đây về sự phổ biến đến mức kinh ngạc của quan hệ ghép đôi đồng giới, chuyển giới, phi giới tính hoặc đa giới tính trong các sinh vật không phải con người đang buộc các nhà nghiên cứu xét lại giả định rằng sinh giới được tạo thành từ sự kết hợp của các cặp đối lập có tính phổ quát như nam-nữ, âm-dương.

Điều này đang mở ra những cách tư duy khác về sinh thái và xã hội.

Ghép đôi đồng giới để vượt qua sức ép từ môi trường


Trong cuốn sách xuất bản năm 1999 mang tựa đề “Hưng thịnh sinh học: Đồng tính luyến ái ở động vật và sự đa dạng tự nhiên”, nhà sinh học Bruce Bagemihl (Canada) cho biết có ít nhất 450 loài sinh vật tham gia vào quan hệ tình dục đồng giới.

Các báo cáo sau thời điểm đó cho thấy hiện tượng ghép đôi đồng giới xuất hiện ở ít nhất 1.500 loài, và những nghiên cứu kế tiếp vẫn đang làm con số này tăng lên. Các trường hợp nổi tiếng nhất bao gồm Roy và Silo – hai chim cánh cụt đực chia sẻ một mối quan hệ đồng giới dài năm năm, và cùng ấp nở rồi nuôi một chim non tại Sở thú Công viên Trung tâm của TP New York. Khoảng 8% số lần giao phối của sư tử đực diễn ra giữa các cặp đực-đực thay vì đực-cái; và Johnathon, một con rùa 190 tuổi ở đảo St. Helena, đã cặp với một rùa đực khác được 30 năm.[1]

Johnathon - con rùa 190 tuổi ở đảo St. Helena, đã cặp với một rùa đực khác được 30 năm. Ảnh: Gianluigi Guercia/AFP
Johnathon - con rùa 190 tuổi ở đảo St. Helena, đã cặp với một rùa đực khác được 30 năm. Ảnh: Gianluigi Guercia/AFP

Nhiều nghiên cứu cho thấy ghép đôi đồng giới là một hiện tượng tự nhiên giúp các cộng đồng sinh vật vượt qua sức ép từ môi trường. Chẳng hạn, tinh tinh lùn Bonobo quan hệ tình dục cả đồng giới lẫn khác giới để thúc đẩy gắn kết trong đàn, cũng như để giải quyết các xung đột trong xã hội mẫu hệ của chúng. Mọi cá hề mới sinh đều là con đực; khi trưởng thành, một số cá hề sẽ chuyển giới thành con cái và khả năng này giúp đàn cá hề tiếp tục sinh sản ngay cả khi cá cái đầu đàn chết. Hải âu Laysan – loài có thể giảm 95% số cá thể vào giữa thế kỷ này do mực nước biển dâng – đang dùng quan hệ ghép cặp giữa hai con mái để sống sót trong biến đổi khí hậu. Vì hải âu trống có khuynh hướng gắn bó với đàn cũ nhiều hơn hải âu mái, chim trống khá khan hiếm trong các đàn hải âu di cư lên vùng đất cao hơn. Để vượt qua tình huống này, nhiều hải âu mái giao phối với một chim trống đã có cặp, rồi ghép cặp để cùng nuôi con với một chim mái độc thân khác. Năm 2008, các cặp hải âu mái chiếm đến một phần ba số tổ chim trong quần thể ở Kaena Point, Oahu, Hawaii. Hành vi âu yếm thường quan sát được ở cặp chim khác giới cũng hiện diện ở các cặp chim đồng giới.[2]

Hải âu Laysan – loài có thể giảm 95% số cá thể vào giữa thế kỷ này do mực nước biển dâng – đang dùng quan hệ ghép cặp giữa hai con mái để sống sót trong biến đổi khí hậu. Ảnh: Wikipedia
Hải âu Laysan – loài có thể giảm 95% số cá thể vào giữa thế kỷ này do mực nước biển dâng – đang dùng quan hệ ghép cặp giữa hai con mái để sống sót trong biến đổi khí hậu. Ảnh: Wikipedia

Từ cuối thế kỷ 19, các xã hội nói tiếng Anh đã dùng từ “queer” (kỳ dị, bất bình thường) để miệt thị những người có bản dạng giới nằm ngoài khuôn mẫu nhị tính nam-nữ. Các nghiên cứu sinh vật học ngày càng cho thấy sự bình thường của hiện tượng phi nhị nguyên giới trong thiên nhiên, khác với niềm tin quen thuộc trong các tôn giáo hệ Abraham.

Nhị tính – một hiện tượng xuất hiện tình cờ?

Tuy nhiên, sự chú ý dành cho quan hệ đồng giới và chuyển giới không nên che khuất một thực tế khác, rằng trong tự nhiên, số giới tính của các sinh vật không hề cố định ở hai. Sinh sản hữu tính ở đa số sinh vật đa bào, bao gồm con người, được cho là tiến hóa từ sinh sản vô tính (asexual) của sinh vật đơn bào cổ – tức những sinh vật không có giới tính. Nếu cá thể của các loài sinh sản nhị tính (dioecious) như con người thường chỉ mang cơ quan sinh dục của nam hoặc nữ, thì cá thể của các loài lưỡng tính (hermaphrodite) như hoa loa kèn hay giun đất cùng lúc có cả hai. Đặc biệt, một số loài nằm cách xa con người trên cây tiến hóa có thể có nhiều hơn hai giới tính (tức nhiều hơn hai loại giao tử). Trùng amibe Dictyostelium discoideum có ba giới tính, mỗi cá thể giao phối được với những cá thể thuộc hai giới khác mình. Điều tương tự diễn ra ở loài nấm Coprinellus disseminatus (có 143 giới tính), và nấm Schizophyllum (có 23.000 giới tính).[3]

Nấm Schizophyllum có 23.000 giới tính. Nguồn: CC
Nấm Schizophyllum có 23.000 giới tính. Nguồn: CC

Trong một nghiên cứu được xuất bản năm 2018 trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, tiến sĩ George Constable (Đại học Bath, Anh) và giáo sư Hanna Kokko (Đại học Zurich, Đức) đã phát triển một mô hình dự đoán sự biến thiên số lượng giới tính trong một quần thể nấm Schizophyllum. Họ nhận thấy con số này thay đổi tùy theo ba yếu tố, gồm tỉ lệ đột biến (làm phát sinh các giới tính mới), quy mô quần thể, và tần suất giao phối. Công trình của họ không chỉ cung cấp những hiểu biết sâu sắc về đặc tính sinh học của nấm Schizophyllum, mà còn góp phần khám phá các điều kiện tiến hóa đã khiến cặp giới tính nam-nữ trở nên phổ biến như hiện nay.[3]

Giáo sư Hanna Kokko (Đại học Zurich, Đức) đã phát triển một mô hình dự đoán sự biến thiên số lượng giới tính trong một quần thể nấm Schizophyllum. Nguồn: humboldt-foundation.de
Giáo sư Hanna Kokko (Đại học Zurich, Đức) đã phát triển một mô hình dự đoán sự biến thiên số lượng giới tính trong một quần thể nấm Schizophyllum. Nguồn: humboldt-foundation.de

Nhiều nhà khoa học tin rằng từ một thời điểm khá sớm trong lịch sử tiến hoá, một số sinh vật đơn bào cổ đã chuyển sang sinh sản hữu tính để đa dạng hóa bộ gene của giống loài, nhằm đạt khả năng thích nghi tốt hơn. Constable nhận xét rằng theo logic toán học, quá trình này phải sinh ra vô số biến thể giới tính khác nhau, hình thành theo cấp số nhân khi các đột biến đầu tiên tự do kết hợp, và giống loài cũng hưởng lợi từ sự đa dạng sinh học đó.

Vậy vì sao ở nhiều sinh vật đa bào, bao gồm con người, lượng giới tính lại được giảm xuống mức ổn định là hai? Các thí nghiệm của Constable và Kokko cho thấy nguyên nhân có thể nằm ở tần suất giao phối. Khi tần suất giao phối giảm đi do môi trường khắc nghiệt, hoặc do ưu thế của sinh sản vô tính so với hữu tính, đa số các dạng giao tử sẽ bị quá trình chọn lọc tự nhiên loại bỏ, trừ dạng giao tử lớn, bền nhất (như trứng ở nữ) và dạng giao tử nhỏ, di chuyển nhanh nhất (như tinh trùng ở nam). Vì vậy, hiện tượng đa giới tính biến mất ở nhiều nhánh sinh vật đa bào, trong khi được bảo lưu ở nhiều loài nấm, vốn gặp thuận lợi hơn để có tần suất giao phối lớn. Mô hình nhị tính được củng cố khi cá thể đực và cái của cùng một loài phát triển thành hai kiểu hình riêng để thích nghi – trong khi các cá thể nấm Schizophyllum thuộc giới tính khác nhau vẫn có kiểu hình giống nhau.

Như vậy, hiện tượng nhị tính đã xuất hiện trong lịch sử tiến hóa một cách tình cờ, và trong thiên nhiên không tồn tại một cặp “tính nam” - “tính nữ” cố định. Các tính chất mà một số nền văn hóa của con người gán cho nam giới, như kích cỡ và sức mạnh, lại phổ biến ở bọ ngựa và nhện cái, vốn lớn hơn và có thể ăn con đực sau khi giao phối. Ở một số loài, giới tính của cá thể thậm chí còn không phụ thuộc vào gene và các điều kiện bẩm sinh. Nhiều người nuôi cá chọi (betta) và các nhà di truyền học quan tâm đến vấn đề này đã xác nhận rằng nếu nuôi cá betta cái gần nhau, một số cá thể sẽ biến thành con đực và giao phối để sinh ra thế hệ mới như bình thường, dù chúng vẫn mang cặp nhiễm sắc thể XX.[4]

Bên kia tư duy nhị nguyên

Giáo sư Kokko chỉ ra một hiện thực, rằng kiến thức sinh học cơ bản mà chúng ta tiếp nhận thường bị chi phối bởi các nghiên cứu về một vài chủng loài nhị tính hoặc vô tính, như ruồi giấm, chuột và khuẩn E.coli. Việc từ bỏ giả định về sự phổ quát của hai giới tính không chỉ giúp chúng ta hiểu các cơ chế sinh học một cách thực chất hơn, mà còn mở ra nhiều ứng dụng thực tiễn, như việc chọn lọc các gene chỉ xuất hiện trong một số loại giao tử nhất định, nhằm lai tạo ra một giống nấm không có khả năng kháng thuốc diệt.

Các thực hành liên ngành thuộc khuynh hướng “queer ecology” (sinh thái học kháng chuẩn) còn muốn đẩy những bước tiến đó đi xa hơn. Trong bài viết nổi tiếng được đăng trên tạp chí Orion vào năm 2011, cây bút Alex Johnson (khi đó đang lấy bằng thạc sĩ về môi trường tại Đại học Montana) đã đề nghị xét lại toàn bộ những cái nhìn nhị nguyên đang chi phối văn hóa hiện đại – như thói quen phân biệt con người với thiên nhiên, sự sống với đồ vật, da trắng với bản địa, nam với nữ…

Johnson lưu ý rằng bảng phân loại nhị nguyên này xuất phát từ các giả định nhuốm màu chủ nghĩa thực dân và Kito giáo mà nền văn minh phương Tây từng có về “lẽ tự nhiên”, và khoa học hiện đại đã chứng minh các giả định này là sai. Từ đó, Johnson đề nghị từ bỏ thói quen phân loại và khái quát hóa vội vàng, để nhìn thấy một thiên nhiên liền mạch - nơi các thực thể liên tục tương tác và thay đổi lẫn nhau chứ không mang bản chất bẩm sinh sẵn có. Khuynh hướng “queer ecology” nhìn mỗi thực thể như một ngoại lệ không thể tóm lược thành khái niệm, hình thành từ một lượng dòng nhân quả lớn đến mức không thể tóm tắt; và đề nghị xây dựng các quan hệ hợp tác dựa trên “đa dạng sinh học”, nhằm thay thế cho các quan hệ thống trị, cạnh tranh, đối kháng xuất phát từ ranh giới nhị nguyên trước đây. [5]

Những thảo luận này có lẽ sẽ mang đến nhiều gợi ý cho xã hội Việt Nam – nơi triết lý “bất nhị” trong Phật giáo và Đạo giáo thường được diễn giải thành sự vươn đến trạng thái “cân bằng âm dương”, hoặc vươn đến một “tổng thể” tồn tại vĩnh cửu, thay vì sự thừa nhận một thế giới đầy ắp dị biệt, không ngừng vận động và biến đổi.


Nguồn tham khảo: