Mark Twain từng viết rằng “Con người là động vật duy nhất đỏ mặt – hoặc cần phải đỏ mặt”. Nhưng một nghiên cứu mới dường như đã cho thấy ông sai.

Các nhà nghiên cứu ở Pháp phát hiện ra rằng gà mái có vẻ đỏ mặt khi chúng sợ hãi hoặc phấn khích và xù lông đầu khi chúng hài lòng.

Phát hiện này đưa ra một cách mới để hiểu cảm xúc của loài gia cầm, có thể giúp nông dân đánh giá mức độ hạnh phúc của đàn vật nuôi.

Nguồn ảnh: Aline Bertin

Biểu cảm trên khuôn mặt là một phương pháp quan trọng để con người truyền đạt cảm xúc và nghiên cứu đã chỉ ra rằng các động vật có vú khác - bao gồm chuột, chó, mèo và lợn - sử dụng biểu cảm ở các mức độ khác nhau. Aline Bertin (Viện Nghiên cứu Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Quốc gia Pháp), tác giả cấp cao của nghiên cứu mới, cho biết bà hy vọng nghiên cứu này sẽ cung cấp những hiểu biết tương tự về các loài gia cầm.

Bà nói: “Thế giới cảm xúc của các loài gia cầm phần lớn vẫn chưa được khám phá so với động vật có vú. Chúng tôi muốn xác định xem liệu các dấu hiệu cảm xúc trên mặt có thể được phát hiện ở các loài gia cầm hay không, với mục tiêu cuối cùng là hiểu rõ hơn và xem xét khả năng cảm xúc của chúng”.

Trong nghiên cứu được công bố trên Plos One, nhóm nghiên cứu đã ghi hình hành vi của hai nhóm gà mái - 10 con được nuôi trong một trang trại thương mại và tám con được nuôi bởi một nhà lai tạo tư nhân - trong những tình huống gây ra những phản ứng cảm xúc và mức độ phấn khích khác nhau. Ví dụ, việc được thưởng thức ăn được coi là tích cực và kích thích, trong khi được bế lên liên quan đến cảm giác phấn khích nhưng sợ hãi.

Bằng cách phân tích các đoạn phim, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng phần da hở trên mặt gà mái đỏ lên khi chúng sợ hãi hoặc bồn chồn, chẳng hạn như khi chúng được người bế lên hoặc nghe thấy tiếng động mà chúng cho là mối đe dọa. Những con gà này cũng có xu hướng dựng lông trên đầu khi chúng đang thư giãn, chẳng hạn như khi rỉa lông hoặc nghỉ ngơi.

Có rất ít cách để đánh giá cảm xúc của loài chim một cách đáng tin cậy và đây là lần đầu tiên việc đỏ mặt được xác định có thể liên quan đến tâm trạng của gà mái. Các tác giả gợi ý rằng những người nông dân mong muốn cải thiện phúc lợi cho đàn gia cầm của mình có thể theo dõi cảm giác thoải mái, vui vẻ của gia cầm được biểu hiện thông qua mức độ đỏ mặt và dựng lông đầu.

Theo TS Paul Rose - người nghiên cứu hành vi của động vật tại Đại học Exeter, để cải thiện cách đánh giá phúc lợi động vật trong ngành chăn nuôi, những chỉ dấu dễ nhận biết và đáng tin cậy là hết sức quan trọng. "Các tác giả dường như đã phát hiện ra một số điều, đặc biệt là hiện tượng xù lông, mà tôi nghĩ rằng nhân viên chăm sóc động vật hoặc người chăn nuôi đều dễ dàng quan sát và cho họ biết gia cầm của họ đang hài lòng," ông nói.

Nguồn: