Nghiên cứu mới nhằm định lượng hợp chất polyphenol trong các chế phẩm từ actisô cho thấy các chế phẩm hiện có trên thị trường không đồng đều về chất lượng, nguyên nhân do việc kiểm soát chất lượng chưa rõ ràng, cụ thể.

Actisô có nguồn gốc Nam Âu, quanh vùng Địa Trung Hải, mọc ở vùng núi cao đến trên 1.500m, có khí hậu á nhiệt đới, ưa khô lạnh. Actisôcó hàm lượng chất chống oxy hóa được xếp cao nhất trong tất cả các loại rau, nhờ các hợp chất polyphenol. Khi được sử dụng như thực phẩm, actisô giúp nâng cao thể lực, lợi tiểu, thải độc, giảm cholesterol, bảo vệ gan, kích thích tiêu hóa,…

Ở Việt Nam, cây được trồng với diện tích lớn tại Lâm Đồng và một số tỉnh khác trên cả nước. Trong đó, ở Đà Lạt, diện tích actisô vào khoảng 92 ha, với sản lượng 4,5 nghìn tấn/năm; và Sapa là 70 ha, sản lượng 3 nghìn tấn/năm.

Trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng từ actisô như cao chiết, viên nang, trà hòa tan,… Tuy nhiên, ở trong nước vẫn chưa có nghiên cứu đánh giá cũng như so sánh các thành phần polyphenol và tác dụng sinh học của các chế phẩm này.

Để có cái nhìn tổng thể về chất lượng của sản phẩm trong nước, làm cơ sở cho việc nghiên cứu cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhóm tác giả Trường Đại học Y Dược TPHCM đã thực hiện đề tài “Xây dựng quy trình định tính, định lượng hợp chất polyphenol trong cao khô actisô và đánh giá tác dụng chống oxy hóa và hàm lượng các polyphenol trong một số chế phẩm actisô”.

Ac
Actisô được trồng chủ yếu ở Lâm Đồng. Ảnh: Internet

Kết quả, nhóm đã xây dựng được quy trình định lượng đồng thời 12 hợp chất polyphenol, gồm 4 acid mono-caffeoylquinic, 5 acid di-caffeoylquinic, 2 flavonoid (cynarosid và scolymosid) và acid caffeic, trong cao khô actisô bằng UPLC-PDA (sắc ký lỏng hiệu năng cực cao). Quy trình đã được áp dụng trong phân tích 19 chế phẩm actisô trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài hiện có trên thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, đề tài cũng xây dựng thành công quy trình định lượng polyphenol toàn phần (TPC) trong cao chiết actisô bằng phương pháp Folin-Ciocalteu (một phương pháp tham chiếu để định lượng tổng polyphenol trong thực phẩm). Quy trình đã được thẩm định đạt các yêu cầu theo hướng dẫn của ICH (Hội nghị quốc tế về hài hòa hóa các thủ tục đăng ký dược phẩm sử dụng cho con người), ứng dụng trong việc định lượng hàm lượng TPC trong 19 chế phẩm trong và ngoài nước có chứa cao chiết actisô.

Theo đó, hàm lượng TPC polyphenol trong các chế phẩm có sự dao động khá lớn, từ 10,7 - 134,1 (mg GAE/g), cho thấy, các chế phẩm actisô trên thị trường có chất lượng không đồng đều. Đa số các chế phẩm trong nước có hàm lượng hoạt chất thấp hơn so với một số chế phẩm nhập khẩu bán tại thị trường Việt Nam.

Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học cho việc đẩy mạnh kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm từ cây actisô.

Đăng số 1316 (số 44/2024) KH&PT