Người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là bộ phận bị kỳ thị nhiều nhất trong những người cần được điều trị về sức khoẻ tâm thần. Đôi khi, sự kỳ thị này đến từ thái độ phân biệt đối xử với nữ giới.

Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder - BPD) là một hội chứng ảnh hưởng nặng đến khả năng điều tiết cảm xúc, khi khiến người mắc chao đảo giữa hai thái cực – hoặc rất mến mộ, hoặc rất khó chịu với người thân hoặc với bản thân. Cứ 100 người thì lại có một hoặc hai người đang sống chung với BPD, tỉ lệ này khiến BPD được xem là chứng rối loạn nhân cách phổ biến nhất.[1][2]

Hơn thế, trong trải nghiệm của giáo sư Andrew Chanen, trưởng nhóm nghiên cứu BDP của tổ chức Orygen (thuộc Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần Thanh thiếu niên tại Đại học Melbourne, Úc), người mắc BPD là bộ phận bị kỳ thị và phân biệt đối xử nhiều nhất trong những người cần được điều trị về sức khoẻ tâm thần. Từ khi còn là một bác sĩ thực tập vào năm 1993, ông đã chứng kiến những người mắc BPD bị “nhục mạ” và “đối xử một cách kinh khủng” bởi chính bác sĩ và y tá, nhất là mỗi lần họ có hành vi tự hủy hoại cơ thể; và tình trạng kỳ thị này vẫn không thay đổi cho đến hiện tại.[3]

 Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là chứng rối loạn nhân cách phổ biến nhất, đồng thời bị kỳ thị nhiều nhất trong những chứng bệnh tâm thần. Ảnh: Getty Images
Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là chứng rối loạn nhân cách phổ biến nhất, đồng thời bị kỳ thị nhiều nhất trong những chứng bệnh tâm thần. Ảnh: Getty Images

Các triệu chứng của BPD khiến người mắc nó có khuynh hướng tự phá hủy mối quan hệ giữa mình và người khác, nhất là người thân, và tình trạng này khiến họ thường xuyên bị bỏ rơi và kỳ thị – TS Daniel S. Lobel (từng giảng dạy tại Trường Dược Icahn và ĐH Bang New York) nhấn mạnh.

Trong cuốn sách xuất bản năm 2022, mang tên “When a Loved One Has BPD”, ông lưu ý rằng các chấn thương tâm lý mà người mắc BPD từng chịu đựng khiến họ không ngừng bất an về giá trị của bản thân, và về việc mình có thể bị bỏ rơi bởi những người xung quanh, nhất là những người thân thiết. Khi được công nhận, họ tôn thờ bản thân và tận hưởng nhiều niềm vui trong cuộc sống; nhưng khi bị xem thường, họ có thể nhanh chóng chuyển sang ghê tởm bản thân. Việc lệ thuộc vào sự công nhận của người khác khiến người mắc BPD không ngừng lo lắng về tình trạng của các mối quan hệ, và nỗi sợ bị bỏ rơi sinh ra từ đó. Nỗi sợ này có thể đẩy họ vào các cơn hoảng loạn, và khiến họ dao động giữa hai thái cực – một bên là đeo bám người thân và thể hiện một tình cảm đặc biệt nồng ấm, bên kia là tức giận, lạnh nhạt, thậm chí thể hiện sự thù địch với người thân.

Sự thất thường lặp đi lặp lại này của họ đẩy đối phương vào cảm giác bấp bênh, mệt mỏi, từ đó làm nguội lạnh mối quan hệ; và kết quả này lại đẩy họ rơi sâu hơn vào trạng thái lo lắng không ngớt. Khi rơi vào các cơn trầm cảm hoặc hoảng loạn do hội chứng BPD, người mắc có thể bỏ ăn, dùng chất kích thích liên tục, giải tỏa cảm xúc bằng các hành vi tự hại như cắt hoặc đốt cơ thể, có ý định tự sát, hoặc lên cơn đau tim. Những biểu hiện này thường bị hiểu lầm là một nỗ lực để gây chú ý và tìm kiếm sự quan tâm, dù trong nhiều trường hợp, người mắc BPD không có ý định đó – cuốn sách của Lobel cho biết.[4]

Chính sự hiểu lầm khiến người mắc BPD thường xuyên bị kỳ thị. Tiến sĩ Christian Jarrett, sáng lập viên của tạp chí The Psychologist, nhận xét rằng không ít bác sĩ trị liệu có những niềm tin sai lệch về BPD. Họ tin rằng BPD là một hội chứng không thể chữa được, và những người mắc BPD chỉ đang lợi dụng tình trạng của mình để “thao túng cảm xúc” của bác sĩ và người thân.

Các cuộc khảo sát đã cho thấy đa số các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần muốn tránh điều trị cho người mắc BPD, do cảm thấy ít lạc quan về khả năng hồi phục của họ.[2]

Các phương tiện truyền thông đại chúng cũng có khuynh hướng gán ghép người mắc BPD vào khuôn mẫu “người điên” quen thuộc, trong đó nhấn mạnh hành vi quấy phá của họ, thay vì những khó khăn tâm lý mà họ phải chịu đựng hằng ngày.[2]

Định kiến của xã hội lại trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất cản trở quá trình điều trị BPD, vì BPD thường liên quan đến trạng thái bất an sau chấn thương, và việc bị kỳ thị chỉ khiến người mắc BPD rơi sâu thêm vào sự bất an.

Trong khi trên thực tế, liệu pháp hành vi biện chứng (Dialectical behavior therapy - DBT) – một phương pháp cho phép người mắc BPD chấp nhận cùng lúc hai điều tưởng chừng đối nghịch, một bên là cảm xúc tiêu cực của họ, và bên kia là tình huống giao tiếp hiện tại với người khác, đồng thời khuyến khích họ phát triển lòng tự trọng và sự tự tin của mình – lại chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc trị liệu BPD. Những quan sát này khiến Jarrett tin rằng để có cơ hội hồi phục, người mắc BPD cần được chấp nhận và yêu thương, thay vì sự phán xét của những người chăm sóc.[2]

Hai nửa sự thật

Năm 1938, nhà phân tâm học Mỹ Adolph Stern đã đặt ra thuật ngữ “rối loạn nhân cách ranh giới”. Ông dùng cụm từ này để mô tả một chứng rối loạn nhân cách nằm trên lằn ranh mỏng giữa một bên là các chứng nhiễu tâm (neurosis), tức các dạng rối loạn thần kinh nhẹ mà phân tâm học có thể điều trị; và bên kia là các bệnh loạn thần (psychosis), tức các bệnh tâm thần đủ nặng để khiến người bệnh mất khả năng nhận thức thực tại, do đó không thể trị liệu bằng phương pháp phân tâm vốn dựa trên các buổi đối thoại với bác sĩ.

Ngày nay, khi thuật ngữ neurosis đã bị loại bỏ khỏi danh mục Phân loại Bệnh Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (ICD) và Cẩm nang Chẩn đoán & Thống kê Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (DSM), thuật ngữ BPD mất đi nền tảng ban đầu của nó và ngày càng bị nghi vấn bởi các nhà chuyên môn. Nhiều người bắt đầu sử dụng một thuật ngữ thay thế, đó là rối loạn nhân cách bất ổn cảm xúc (EUPD). Trong khi đó, một số bác sĩ đang đề nghị xem BPD như một dạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), và cho rằng hiện trạng bất bình đẳng giới ảnh hưởng đến quá trình chẩn đoán hai hội chứng.[2][3]

Bác sĩ Karen Williams, người điều hành Phòng khám Ramsay Thirroul ở New South Wales (Úc), nhận xét rằng những phụ nữ có tiền sử bị lạm dụng, bạo hành hoặc ngược đãi thường được chẩn đoán là mắc BPD. Trong khi đó, đàn ông từng trải qua các biến cố tương tự lại thường được chẩn đoán là mắc PTSD.

Một số nghiên cứu cho thấy BPD liên quan đến nạn lạm dụng và bỏ bê trẻ em nhiều hơn bất cứ chứng rối loạn nhân cách nào khác. Một thống kê tổng hợp từ 97 nghiên cứu cho thấy 71,1% những người được chẩn đoán mắc BPD từng trải qua chấn thương tâm lý trong tuổi thơ. “Không có triệu chứng nào của người mắc BPD mà người mắc PTSD không có” – Williams nhận xét.

Dù vậy, những phụ nữ mắc BPD thường được mô tả là thiếu khả năng kiểm soát bản thân và “xấu tính”; trong khi những người mắc PTSD, nhất là cựu chiến binh, lại được đối xử một cách cảm thông. “Tôi thật sự thấy bất công khi xã hội nói với một người từng trải qua địa ngục trong những năm tháng đầu đời rằng tâm hồn họ bị khiếm khuyết đáng kể” – giáo sư Jayashri Kulkarni, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm thần Monash Alfred, cho biết.[3]

Ở chiều ngược lại, giáo sư Chanen cho rằng thuật ngữ “rối loạn nhân cách” vẫn cần thiết, vì nó nắm bắt được đặc điểm cốt lõi của hội chứng, là khó khăn trong việc giữ ổn định nhân dạng của mình và các mối quan hệ với người xung quanh.

Ông lưu ý BPD chỉ hiện diện ở 1 đến 3% dân số, trong khi một nghiên cứu năm 2023 cho thấy 2/3 dân số từng trải qua nghịch cảnh thời thơ ấu. Theo Chanen, chấn thương tâm lý có thể gây ra BPD, một hội chứng khác, hoặc không hội chứng nào hết, và việc đánh đồng BPD với PTSD có thể gây nhầm lẫn trong chẩn đoán, đồng thời gây bất công cho những người mắc BPD nhưng chưa từng chịu đựng chấn thương.[4]

Trong nỗ lực tổng hợp hai luồng ý kiến, Loyola McLean, phó giáo sư tâm thần học tại Đại học Sydney, cho rằng PTSD và BPD hoàn toàn có thể có mối quan hệ nhân quả qua lại, và hai phe trong cuộc tranh luận vừa nêu có thể đều đang nắm một nửa của sự thật.[4]

Theo giáo sư Kulkarni, việc khám phá mối quan hệ nhân quả giữa BPD và PTSD có thể giúp thay đổi toàn bộ hướng đi và trọng tâm của việc điều trị.

Nếu trước đây, người mắc BPD chỉ dùng thuốc chống trầm cảm để giảm nhẹ triệu chứng, nhằm mở đường cho các liệu pháp tâm lý xã hội như liệu pháp hành vi biện chứng (DBT), thì phát hiện này có thể làm tăng khả năng điều trị bằng thuốc. Chẳng hạn, các căng thẳng sau chấn thương có thể đẩy hệ thống glutamate – chất dẫn truyền chính của hệ thần kinh – vào trạng thái hoạt động quá mức; vì vậy các loại thuốc can thiệp vào hệ thống glutamate có thể được dùng trong điều trị chứng BPD liên quan đến PTSD.

Ngoài ra, vì những người bị lạm dụng có khuynh hướng rơi vào những mối quan hệ khiến họ bị lạm dụng lần nữa, các bệnh viện tâm thần cần tách bệnh nhân nữ khỏi các bệnh nhân nam, thay vì duy trì các khu khám bệnh chung khiến tấn công tình dục xảy ra đầy rẫy như hiện nay – bác sĩ Williams nhấn mạnh.


Nguồn tham khảo:

Bài đăng số 1295 (số 23/2024) KH&PT