Các nhà khoa học tại Viện Hải dương học Wood Hole (WHOI) đã chế tạo thành công một phiên bản mới của nhựa cellulose diacetate (CDA) có khả năng phân hủy nhanh chóng trong nước biển.

Hình ảnh hiển vi của bọt cellulose diacetate trước và sau 36 tuần trong nước biển. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng bọt cellulose diacetate mất đi 65-70% khối lượng ban đầu. Ảnh: Wood Hole
Hình ảnh hiển vi của bọt cellulose diacetate trước và sau 36 tuần trong nước biển. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng bọt cellulose diacetate mất đi 65-70% khối lượng ban đầu. Ảnh: Wood Hole

CDA là nhựa sinh học có nguồn gốc từ cellulose, một loại polymer tự nhiên tồn tại trong thành tế bào thực vật, đặc biệt là trong bông và bột gỗ.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí ACS Publications vào tháng 10/2024, các nhà khoa học đã mô tả chi tiết phương pháp tạo bọt, khiến cấu trúc nhựa CDA trở nên xốp hơn. Cách làm này khiến CDA dạng xốp phân hủy nhanh hơn CDA dạng rắn gấp 15 lần, thậm chí vượt qua cả giấy về tốc độ phân hủy.

Trong thử nghiệm kéo dài 36 tuần, vật liệu CDA mới được đặt trong các bể chứa có dòng nước biển chảy qua liên tục đã mất đi 65-70% khối lượng ban đầu.

Nhóm nghiên cứu hy vọng nhựa sinh học CDA dạng xốp có thể thay thế nhiều loại nhựa truyền thống mà không gây hại cho môi trường đại dương.

Họ thậm chí đã hợp tác với Công ty Eastman, tung ra thị trường loại khay nhựa CDA có khả năng phân hủy sinh học và ủ thành phân hữu cơ để thay thế khay xốp thông thường dùng để đóng gói thịt.

Nguồn: Newatlas.com

Đăng số 1315 (số 43/2024) KH&PT