Trong các loài linh trưởng gần nhau trên cây tiến hóa, những loài có cấu trúc xã hội ít chuyên quyền hơn cũng là những loài thường xuyên vui chơi ở tuổi trưởng thành hơn. Và khi con non của một quần thể linh trưởng thay đổi cách chơi đùa, cấu trúc xã hội của chúng cũng thay đổi.

Đó là kết luận mà TS. Elisabetta Palagi, nhà nghiên cứu linh trưởng tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của ĐH Pisa (Ý), đưa ra trong một bài viết được công bố trên tạp chí Neuroscience & Biobehavioral Reviews vào tháng năm năm ngoái. Phát hiện này gợi ý rằng ở các loài linh trưởng, tiến hóa sinh học có thể được thúc đẩy bởi thay đổi văn hóa1.

Vui chơi là hành vi quen thuộc ở con non của nhiều loài động vật có vú như chó, mèo, chuột, khỉ... Nhờ chơi đùa, chúng học cách phối hợp các bộ phận cơ thể khi vận động, cùng cách tương tác với đồng loại và môi trường sống để có thể thích nghi khi lớn lên.

Đến tuổi trưởng thành, khi đã quen thuộc với môi trường, nhiều động vật hoang dã sẽ ngừng vui chơi, do đây là một hành vi tiêu tốn thời gian, sức lực và làm phát sinh các tình huống nguy hiểm. Dù vậy, cũng như con người, một số loài linh trưởng và chó vẫn vui chơi khi đã lớn.

Mối quan hệ giữa vui chơi và cấu trúc quyền lực của quần thể


Sau khi theo dõi một lượng lớn các nghiên cứu về hiện tượng này, TS. Palagi đã đặt ra giả thuyết rằng tần suất vui chơi của cá thể trưởng thành có quan hệ qua lại với cấu trúc quyền lực của quần thể. Hiện tượng đó rất ít xuất hiện ở các loài linh trưởng có bầy đàn được tổ chức theo lối chuyên chế, trong đó một nhóm các con đực có quan hệ huyết thống gần gũi liên tục duy trì quyền thống trị bằng sức mạnh thể chất và các hành vi mang tính lễ nghi.

Ngược lại, nó phổ biến ở những loài nơi các cá thể tương đối ngang hàng phải liên tục thương lượng và thỏa hiệp với nhau để phân phối lại thức ăn và quyền lực, thay vì chỉ dùng sức mạnh để tranh giành và duy trì thứ hạng trong bầy.

Vì vui chơi là một hoạt động cùng lúc bao hàm cả hai mặt đối nghịch là cộng tác và cạnh tranh, nó giúp mỗi cá thể có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và thăm dò thái độ của những thành viên khác trong bầy, từ đó sửa soạn các chiến lược để đàm phán nhằm trao đổi tài nguyên, hoặc hình thành các liên minh mới. Tóm lại, một quần thể có sự phân bổ quyền lực không cố định tương ứng với một môi trường đang thay đổi liên tục, và điều đó khiến vui chơi tiếp tục có ý nghĩa với các cá thể, ngay cả khi chúng đã trưởng thành. Thêm nữa, cũng cần thấy rằng trò chơi đặt các bên tham gia ở vị trí ngang nhau, và điều này vừa phù hợp với một quần thể tương đối bao dung, vừa đe dọa cấu trúc bầy của một quần thể chuyên chế.

Để chứng minh giả thuyết của mình, TS Palagi đã so sánh những loài linh trưởng là họ hàng gần với nhau trên cây tiến hóa, để chỉ ra rằng trong các trường hợp đã được nghiên cứu, loài có tần suất vui chơi ở tuổi trưởng thành lớn hơn luôn là loài ít chuyên quyền hơn.

Tiêu biểu là khác biệt giữa tinh tinh (Pan troglodytes) và khỉ bonobo (Pan paniscus) – hai loài từng có chung tổ tiên trước khi sông Congo tách đôi môi trường sống của chúng 1,7 triệu năm trước.

Tinh tinh, loài chuyên quyền hơn, sống thành từng nhóm nhỏ xoay quanh một cặp đực-cái, một nhóm các con đực có chung huyết thống với nhau, hoặc một nhóm cá thể cái nuôi con trong bối cảnh không có con đực. Các bầy tinh tinh có trật tự thứ bậc cứng nhắc, trong đó liên minh giữa các con đực chung huyết thống giữ vai trò trung tâm.

Ngược lại, khỉ bonobo sống thành những đàn lớn, nơi vai trò trung tâm thuộc về một liên minh các cá thể cái không chung huyết thống, và sự phân cấp này cũng không được củng cố một cách cứng nhắc bằng bất cứ tín hiệu chính thức nào.

Trong khi tinh tinh rất thù địch với các cá thể ngoài hoặc khác bầy, thì khỉ bonobo duy trì tương tác xã hội trong và ngoài bầy một cách thoải mái. Nếu tinh tinh giải quyết xung đột bằng các hành vi hiếu chiến và các mô hình phục tùng chính thức, thì khỉ bonobo làm điều này bằng các chiến lược hợp tác và lôi kéo - như chải lông, chia sẻ thức ăn cho bên yếu hơn, và trao đổi tình dục. Dù con non của cả hai loài đều vui chơi với tần suất chơi ở cá thể đực và cái ngang nhau; tinh tinh trưởng thành hầu như không vui chơi, trong khi khỉ bonobo trưởng thành thì vui chơi thường xuyên, nhất là các cá thể cái. Quan sát này gợi ý rằng vui chơi là chìa khóa giúp khỉ bonobo cái duy trì quyền lực mềm dựa trên sự thương lượng và lôi kéo của mình, đồng thời cạnh tranh với các con đực.

Hai khỉ bonobo chơi trò đánh nhau tại khu bảo tồn Lola Ya Bonobo, CHDC Congo, năm 2012. Nguồn: Getty Images.
Hai khỉ bonobo chơi trò đánh nhau tại khu bảo tồn Lola Ya Bonobo, CHDC Congo, năm 2012. Nguồn: Getty Images.

Khác biệt về cấu trúc xã hội giữa tinh tinh và khỉ bonobo đã được củng cố bằng đặc điểm sinh lý riêng của hai loài. Khi rơi vào tình huống phải cạnh tranh về thức ăn, tinh tinh đực sẽ tăng tiết testoterone, tức hormone sinh dục đực kích thích phát triển cơ bắp; trong khi khỉ bonobo đực tăng tiết cortisol, tức hormone chống stress. So với tinh tinh và con người, khỉ bonobo có thể duy trì hàm lượng hormone tuyến giáp cao trong thời gian dài hơn, và nồng độ hormone này tỉ lệ nghịch với xu hướng hung hăng. Các mạch thần kinh liên quan đến nhận thức xã hội và điều hòa cảm xúc ở tinh tinh và khỉ bonobo cũng khác nhau đáng kể. Dù thể tích não ở hai loài hầu như không khác nhau, khỉ bonobo có hàm lượng chất xám cục bộ cao hơn rõ rệt ở phần trước của thùy đảo bên phải, mặt lưng của hạch hạnh nhân bên phải, phần bên phải của vùng dưới đồi và phần bên phải của vỏ não trước trán – những khu vực liên quan đến khả năng nhận thức đau khổ của bản thân và người khác. Những khác biệt thể chất này vừa giúp giải thích các đặc điểm riêng trong cấu trúc xã hội ở hai loài linh trưởng, vừa trùng khớp với một số khu vực não bộ đã được chứng minh là tham gia tích cực vào hoạt động vui chơi.


Khỉ bonobo có một kho trò chơi khá đa dạng so với các loài khác trong thế giới linh trưởng. Ngoài các trò chơi tập thể như đánh trận giả, chúng cũng tìm ra nhiều cách để tự vui chơi. Chẳng hạn, một nhà nghiên cứu đã quan sát nhiều con khỉ bonobo nghịch nước một mình – một con trong số đó còn tạo các gợn sóng nhỏ lan trên mặt nước, rồi ngắm bóng mình bị sóng nước làm biến dạng. Người ta cũng ghi nhận một con khỉ bonobo bế ẵm một trái cây như thể đang bế một con khỉ con. Khi một con khỉ bonobo di cư mang trò chơi mới đến đàn khỉ tiếp nhận nó, trò chơi sẽ lan ra trong quần thể như một dạng du nhập văn hóa6.


Nhưng đặc điểm thể chất bẩm sinh của mỗi loài linh trưởng có định đoạt toàn bộ tập tính xã hội của chúng không? Để phủ nhận giả thuyết này, TS. Palagi đã trích dẫn một thí nghiệm được Frans de Waal và Denise Johanowicz tiến hành vào năm 1993, trong đó con non của hai loài khỉ có họ hàng gần với nhau là khỉ vàng (Macaca mulatta, có cấu trúc xã hội chuyên quyền) và khỉ cộc đuôi mặt đỏ (Macaca arctoides, có cấu trúc xã hội bao dung) được nuôi chung để theo dõi. Sau một thời gian chung sống giữa hai loài, tần suất hòa giải sau xung đột của nhóm khỉ vàng non đã tăng gấp ba lần so với trước, và tần suất phát ra tiếng rít the thé – một âm thanh đặc trưng khi chúng vui chơi và bầu bạn – cũng tăng lên. Thí nghiệm này cho thấy tập tính xã hội của khỉ chưa được định hình rõ rệt ở tuổi chưa trưởng thành, và chúng có thể điều chỉnh tập tính tùy theo cấu trúc xã hội mà mình tiếp xúc2.

Tiến sĩ Palagi cũng trích dẫn một loạt các nghiên cứu khác về các loài khỉ, để mô tả cách thức mà hành vi của khỉ trưởng thành ảnh hưởng đến tần suất vui chơi và tập tính xã hội của khỉ con. Khỉ trưởng thành có thể phản ứng một cách hung hăng khi được khỉ con rủ vui chơi, và ở các loài khỉ có cấu trúc bầy đàn mang tính chuyên quyền, hiện tượng này vừa lặp lại với tần suất cao hơn, vừa mang lại nhiều rủi ro hơn khi khỉ con phải hứng chịu bạo lực. Để bảo vệ, khỉ mẹ ở các loài này thường ngăn con tiếp xúc với nhiều thành viên trong đàn, đặc biệt là những cá thể có họ hàng xa. Ngược lại, khỉ mẹ ở các loài sống bao dung để con tự do tiếp xúc với các cá thể khác. Việc này giúp khỉ con được vui chơi một cách cởi mở và thường xuyên hơn, qua đó xây dựng kỹ năng giao tiếp và năng lực cảm xúc cần thiết để sống trong môi trường bất định của một đàn khỉ không có sự tập trung quyền lực. Một lần nữa, tập tính của khỉ con sẽ thay đổi khi môi trường thay đổi: khỉ vàng nhỏ tuổi có khuynh hướng vui chơi nhiều hơn khi vào tuổi trưởng thành được đưa ra khỏi chuồng nuôi.

Nhìn sang loài người


Trong phần cuối của bài viết, TS. Palagi liệt kê một loạt nghiên cứu cho thấy các hiện tượng tương tự ở con người, loài linh trưởng đông nhất và lan rộng nhất. Chẳng hạn, nghiên cứu của Paula Lira và các cộng sự vào năm 2021 cho thấy thái độ kỳ thị sắc tộc và văn hóa ở trẻ em sẽ giảm nếu các nhóm trẻ em khác nhau được cho phép vui chơi trong cùng một không gian sống.

Nghiên cứu của Douglas P. Fry vào năm 2014 cho thấy các trò chơi đối kháng là một phương thức để con người làm quen với xung đột có kiềm chế, nhờ đó giảm thái độ hiếu chiến và tăng cơ hội hợp tác với nhau. Trong khi đó, một bài viết năm 2014 của Peter Gray đã tổng hợp nhiều nghiên cứu nhân học để đưa ra nhận định rằng trong một số xã hội săn bắt - hái lượm, vốn coi trọng sự hợp tác và bình đẳng giữa các thành viên, vui chơi là thực hành bao trùm các huyền thoại và sinh hoạt tôn giáo, các chuyến đi săn, và cả phương pháp giáo dục trẻ em. Vì các trò chơi công bằng không dung dưỡng kẻ bắt nạt, những xã hội này có khuynh hướng loại trừ các thành viên hung bạo, như một phương thức chọn lọc tự nhiên nhờ văn hóa3, 4, 5.

Như vậy, ở cả xã hội của con người lẫn nhiều loài linh trưởng khác, văn hóa và tiến hóa sinh học có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Chúng ta có thể hướng đến một xã hội khoan dung và coi trọng hợp tác hơn, và việc nghiên cứu về vui chơi ở con người và động vật có thể đóng góp cho tiến trình đó.

Nguồn tham khảo: