Cái tôi của nhà khoa học có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc phỏng vấn định tính như thế nào? Bài báo của nhà nghiên cứu truyền thông Lương Minh Thi, được đăng trên tạp chí Journal of Psychosocial Studies, có thể cho chúng ta một cái nhìn cận cảnh về vấn đề đó.

Từ xung đột giới khi phỏng vấn

Trong bài báo sử dụng lý thuyết phân tâm học, tiến sĩ Thi đã thuật lại một chuỗi phỏng vấn do cô thực hiện ở Hà Nội hồi năm 2019. Cô tiếp cận một số người Việt xem phim Hàn Quốc, và đề nghị họ chia sẻ cảm nhận về hình tượng “nam tính mềm” (soft masculinity) trong phim. Khái niệm này mô tả những mỹ nam ưa chải chuốt, mặc đẹp, và thoải mái thể hiện cảm xúc, sự dịu dàng, sự mềm yếu, dễ tổn thương trong phim Hàn. Các xã hội phụ hệ thường gán những đặc điểm vừa nêu cho nữ giới, đồng thời dành những mô tả trái ngược cho kẻ thống trị và người nam; khiến những cá nhân theo đuổi “nam tính mềm” bị coi thường hoặc quy kết là đồng tính luyến ái.

'My Holo Love'
Hình tượng “nam tính mềm” khá phổ biến trong phim truyền hình Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Một cảnh trong series phim truyền hình 'My Holo Love'. Nguồn: INT

Theo một số nghiên cứu từng được tiến hành ở Việt Nam, “nam tính mềm” thường khơi dậy thiện cảm của nữ giới và ác cảm của nam giới. Ác cảm này thể hiện rõ nơi Tài – một người nam 32 tuổi, làm phiên dịch cho một công ty Hàn Quốc tại Hà Nội, và từng mê phim Hàn trong thời thiếu niên. Khi được tiến sĩ Thi phỏng vấn, anh đã thể hiện thái độ gia trưởng một cách bộc phát, gây xung đột về khuôn mẫu giới giữa hai người, và tạo ra những khoảng im lặng khó chịu trong lần phỏng vấn đầu tiên. Tuy nhiên, chính xung đột này đã hé lộ cái tôi của Tài – từ đó cung cấp các thông tin mà nghiên cứu cần, và cả cái tôi của nhà nghiên cứu – từ đó thúc đẩy suy tư về cách thức tiến hành một cuộc phỏng vấn định tính.

Cái tôi gia trưởng của Tài thể hiện trước hết qua nỗ lực giành quyền làm chủ cuộc phỏng vấn từ tiến sĩ Thi. Thay vì chọn một địa điểm yên tĩnh và thoải mái cho cả hai bên như thỏa thuận lúc đầu, anh chỉ chấp nhận trả lời phỏng vấn tại nhà riêng của mình – một địa điểm khẳng định quyền làm chủ của anh, và đẩy người phụ nữ trẻ đối diện vào thế yếu. Cuộc phỏng vấn thường xuyên bị gián đoạn khi Tài vào buồng để chăm sóc bà nội hoặc hướng dẫn cháu học bài – như để khẳng định rằng mình là một người đàn ông bận rộn, thực tế, có trách nhiệm làm trụ cột của gia đình, vì vậy không có thời gian cho một đề tài “thiếu thực tế” như các bộ phim. Và thay vì trả lời các câu hỏi, Tài chuyển sang giảng giải về văn hóa Hàn Quốc cho tiến sĩ Thi – như thể anh muốn chứng minh rằng mình mới là người có hiểu biết trong cuộc trò chuyện.

Để kiểm soát cuộc trò chuyện, Tài đã huy động và duy trì một không gian gia trưởng truyền thống (tức ngôi nhà), nơi anh đóng vai người chủ (tức người trưởng nam), và tiến sĩ Thi đóng vai người dưới (một người nữ trẻ, lạ mặt). Nhưng như cách đặt vấn đề thường thấy ở phân tâm học, liệu mặt nạ của người kiểm soát – mà Tài duy trì bằng cách lặp đi lặp lại những chỉ dấu về sự trưởng thành, thực tế, hiểu biết, và bận rộn – có nhằm che giấu một nỗi lo thường trực về sự mất kiểm soát không? Những thông tin mà Tài tiết lộ khi phỏng vấn dường như xác nhận giả thuyết này.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, Tài đã liên tục lảng tránh các câu hỏi liên quan đến ba chủ đề: quá khứ, gia đình và cảm xúc. Chẳng hạn, dù thừa nhận rằng mình từng thích phim Hàn vào thời niên thiếu, anh nhấn mạnh mình “đã quá già” để tiếp tục làm vậy, và rằng sở thích phim ảnh “chỉ là chuyện ngày xưa”. Dù Tài sắm vai một người bận rộn chăm sóc gia đình, anh từ chối kể chuyện về gia đình mình. Và mỗi lần được đề nghị chia sẻ cảm nhận về một cảnh phim lãng mạn hoặc đau buồn, Tài sẽ lảng đi, bằng cách thuyết giảng hồi lâu về các kỹ thuật “vắt nước mắt” của phim truyền hình Hàn Quốc.

Sự lảng tránh này gợi ý rằng Tài đang dùng thái độ gia trưởng như một lớp vỏ phòng vệ, nhằm che chắn những tổn thương liên quan đến gia đình và đời sống cảm xúc. Giả thuyết đó đã được chứng minh bằng những câu chuyện mà anh kể trong lần phỏng vấn thứ hai. Tài thừa nhận rằng dù từng thích mẫu nam giới mềm yếu, lãng mạn trong phim Hàn Quốc, anh đã thay đổi quan điểm sau ba trải nghiệm cá nhân. Trước tiên là việc cha anh bất ngờ qua đời, khiến anh phải làm người trưởng nam khi mới 27 tuổi. Mối tình của anh và bạn bè đều không lãng mạn như trong phim Hàn: ngay khi tốt nghiệp đại học, nhiều cô gái chia tay bạn trai để chạy theo một người đàn ông giàu có. Sau cùng là trải nghiệm khi đi làm: anh nhận ra văn hóa làm việc của người Hàn Quốc không lý tưởng như phim ảnh, và áp lực công việc khiến anh không còn thời gian để “sống mơ mộng, nhìn đời màu hồng” như thời thích xem phim.

Như vậy, trước khi Tài cố đưa tiến sĩ Thi vào diễn ngôn của người chủ gia trưởng, bản thân anh đã bị đưa vào diễn ngôn của những thiết chế mà người chủ này viện dẫn. Đó là dòng họ (vốn đặt nhiều gánh nặng lên người trưởng nam), hôn nhân (vốn gắn liền với tiền bạc trong các tiêu chuẩn xã hội thịnh hành), và công sở (nơi tồn tại những áp lực phi nhân từ cả thị trường lẫn guồng máy tổ chức). Tình huống thực tiễn trong những thiết chế này đang tái sản xuất mối quan hệ gia trưởng, dù người trẻ có nhất thời thay đổi khuôn mẫu giới nhờ xem phim.

Tài – người bị đẩy vào tình thế chênh vênh sau khi mất cha và mối quan hệ yêu đương cũ – đã cố định cái tôi của mình quanh hình tượng gia trưởng, do những sức ép mà cuộc sống đặt lên anh. Phía dưới lớp mặt nạ của cái tôi gia trưởng là nỗi lo rằng mình còn non nớt, mất kiểm soát và viển vông – những tính chất được Tài gán cho hình tượng “nam tính mềm” mà anh yêu thích trước các biến cố.

Đến thách thức của hiện tượng chuyển di

Cuộc phỏng vấn thứ nhất đã kết thúc sau những khoảng lặng gây khó chịu cho cả hai bên. Tiến sĩ Thi cho rằng cảm giác khó chịu ấy, mà thoạt đầu cô không thể lý giải hay vượt qua, chính là một hệ quả của hiện tượng chuyển di (transference) mà cả hai bên đều gặp phải. Khi đặt câu hỏi xoáy sâu vào đời sống gia đình, ký ức và cảm xúc, nhà nghiên cứu đã vô tình chạm đến các chấn thương tâm lí của Tài, từ đó kích hoạt phản ứng tự vệ nơi anh. Anh đã đánh đồng nhà nghiên cứu với cái tôi “non nớt” trước đây của mình, để rồi chuyển ác cảm với cái tôi đó sang nhà nghiên cứu. Cùng lúc đó, thái độ gia trưởng mà Tài dùng để tự vệ cũng chạm đến các chấn thương cá nhân của nhà nghiên cứu, và khơi dậy phản ứng tự vệ tương tự nơi cô. Nhận thấy cơ chế này, tiến sĩ Thi đã điều chỉnh phương pháp phỏng vấn trong lần gặp thứ hai, nhờ đó thu được kết quả như mong muốn.

a
Khi tiến hành phỏng vấn định tính sâu trên một mẫu nhỏ, nhà nghiên cứu nên quan tâm đến hiện tượng chuyển di và chuyển di ngược. Ảnh minh họa: INT

Lần này, thay vì dùng bộ câu hỏi soạn sẵn, cô nhập vai trong vở diễn gia trưởng của Tài, để khuyến khích anh bộc lộ cái tôi và tự sự cá nhân. Trong lúc vui vẻ thuyết giảng về văn hóa Hàn, Tài đã vô tình nêu các biến cố trong gia đình, công sở và mối quan hệ yêu đương của bản thân làm ví dụ minh họa. Từ lúc này, anh mới kể về việc cha mất và việc chia tay người yêu. Ở đây, nhà nghiên cứu đã sử dụng một nguyên tắc truyền thống của phân tâm học, khi hạn chế phản ứng chuyển di của bản thân, và tận dụng phản ứng chuyển di của người đối diện.

Trong phân tâm học lâm sàng, việc hạn chế phản ứng chuyển di của nhà phân tích (tức chuyển di ngược) được xem là đặc biệt quan trọng. Nếu cả người phân tích lẫn người được phân tích đều tùy tiện phóng chiếu những xung đột nội tâm chưa được tháo gỡ của mình vào mối tương tác giữa hai bên, thì những ghi chép thu được sẽ chỉ là một hư cấu được cả hai bên xây dựng.

Để kết luận, tiến sĩ Thi đề xuất rằng khi tiến hành phỏng vấn định tính sâu trên một mẫu nhỏ, nhà nghiên cứu nên quan tâm đến hiện tượng chuyển di và chuyển di ngược, đồng thời cân nhắc tiến hành nhiều lần phỏng vấn nối nhau. Những biện pháp này sẽ giúp hạn chế các nguy cơ từ cái tôi của người phỏng vấn, đồng thời mang lại hiểu biết sâu sắc hơn về người được phỏng vấn.

Tiến sĩ Lương Minh Thi làm việc Đại học Victoria, New Zealand, tại thời điểm viết bài báo Making sense of discomfort: the performance of masculinity and (counter-)transference. Hiện chị làm việc tại Đại học King's College London, Anh