Mống mắt chim ó biển khỏi bệnh cúm gia cầm chuyển từ màu xanh sang màu đen. Phát hiện thú vị này là bằng chứng về một phương pháp chẩn đoán không xâm lấn hữu ích.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cho thấy mống mắt xanh sáng của những con ó biển phương Bắc đã chuyển sang màu đen nếu chúng sống sót qua trận cúm gia cầm. Đây là bằng chứng cho thấy một số loài chim hoang dã đang thoát khỏi con virus nguy hiểm này.
Từ hàng thập kỷ nay, bệnh cúm gia cầm đã giết chết nhiều giống chim hoang dã và
gia cầm trong chăn nuôi. Nhất là năm ngoái, chủng virus H5N1 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quần thể chim biển khắp Bắc Đại Tây Dương, trong đó tỉ lệ tử vong đặc biệt cao ở chim ó biển. Cụ thể, các nhà khoa học phát hiện tỷ lệ chết cao bất thường ở 40 trong số 41 đàn ó biển được theo dõi - chiếm 75% trong số 53 đàn ó biển ở Bắc Đại Tây Dương.
Các nhà khoa học từ nhiều tổ chức đã tìm hiểu thời gian diễn ra các đợt dịch ở những đàn chim tại vùng này. Trong đó có một nghiên cứu chi tiết về ảnh hưởng của virus lên đảo Bass Rock (Scotland) nơi có đàn ó biển lớn nhất thế giới.
Tháng Sáu năm ngoái, lần đầu tiên các nhà khoa học chứng kiến mống mắt của những con ó biển sinh trưởngnơi đây chuyển màu: từ xanh nhạt biến thành đen tuyền hoặc đen vằn.
Họ lấy mẫu máu từ 18 con ó biển trưởng thành có vẻ khỏe mạnh có mống mắt đen hay bình thường. Những mẫu này được kiểm tra bằng kháng thể cúm gia cầm để xem chúng từng nhiễm bệnh hay chưa. Có 8 con cho kết quả dương tính, 7 con trong số đó có mống mắt đen.
Tiến sĩ Jude Lane, nhà bảo tồn và là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết, phát hiện việc ó biển khỏi bệnh cúm gia cầm có mống mắt chuyển màu là bằng chứng về một công cụ chẩn đoán không xâm lấn hữu ích.
Theo bà, tiếp theo cần tìm hiểu tính hiệu quả của phương pháp này, liệu có thể áp dụng nó cho các loài khác không, và liệu thị giác của chim có bị ảnh hưởng xấu không. Cũng cần thực hiện các cuộc kiểm tra nhãn khoa để xem điều gì đã tạo ra mống mắt màu đen.
Phát hiện được công bố sớm trên trang
bioRxiv.
Phương Anh